Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Nội dung bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đã được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo theo Nghị quyết số 40/2000/NQ-QH10 ngày 9/12/2000 của Quốc hội. Các vấn đề như: Biển đảo nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng được đề cập ở nhiều bài học trong sách giáo khoa hiện hành của một số môn học cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, nhiều nhất ở các môn khoa học xã hội.
Đặc biệt ở phần lịch sử địa phương, các tỉnh ven biển đều biên soạn được nội dung về vị trí địa lý, lịch sử, phát triển kinh tế; các tiềm năng, hiện trạng phát triển kinh tế vùng biển đảo và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của tỉnh. Nội dung đề cập đến quá trình hình thành và phát triển của tỉnh, lịch sử đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới, hải đảo. Những tài liệu này được tổ chức tập huấn trước khi đưa vào giảng dạy. Các cơ sở giáo dục đã kết hợp với hoạt động ngoại khóa để giáo dục chủ quyền biển đảo, lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương của mình.
Vấn đề biển đảo, chủ quyền lãnh thổ cũng đi vào những đề thi các môn khoa học xã hội, hoạt động ngoại khoá của học sinh hoặc trở thành vấn đề “nóng” trong những buổi toạ đàm của một số nhà trường.
Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng đưa ra yêu cầu: Giáo dục tinh thần yêu nước là một trong những phẩm chất cần đạt đối với học sinh phổ thông. Nội dung giáo dục về chủ quyền lãnh thổ được thể hiện trong hầu hết các môn học, hoạt động giáo dục. Đó là: Đạo đức; Tự nhiên và Xã hội ở lớp 1, lớp 2 và lớp 3; Lịch sử và Địa lý ở lớp 4 và lớp 5 ở cấp tiểu học; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở; Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp trung học phổ thông để giáo viên giảng dạy và học sinh học tập.