Độc giả thắc mắc, lái xe Fortuner có kết quả đo nồng độ cồn 0.512 mg/1 lít khí thở, vi phạm nồng độ cồn, vượt mức khung cao nhất sẽ bị xử lý ra sao theo Luật của an toàn giao thông (ATGT) đường bộ?
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức ngày 30/11, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng: Luật ATGT đường bộ đã quy định rõ việc cấm người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường sử dụng rượu bia, các chất kích thích. Cụ thể: Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã có những quy định xử phạt rất nghiêm khắc đối với việc lái xe trong tình trạng có nồng độ cồn trong người, mức phạt được tăng hơn so với quy định cũ trước kia. Điều này đã có tác dụng rất lớn trong việc giảm thiểu số người bị tai nạn giao thông mà nguyên nhân xuất phát từ việc sử dụng rượu, bia, chất kích thích khác.
“Đối với hành vi của tài xế Fortuner, điều khiến xe trong khi đã uống rượu, bia, nồng độ cồn vượt mức cao nhất theo quy định của luật là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn giao thông đường bộ. Tài xế gây ra tai nạn với hậu quả nặng nề về thiệt hại tài sản và xâm phạm đến sức khỏe của người khác (có người bị thương, hư hỏng 3 ô tô và 2 xe máy). Với hành vi, hậu quả nêu trên thì tài xế có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về ‘Tội vi phạm các quy định ATGT đường bộ’ tại Điều 260 Bộ luật hình sự”, luật sư Hoàng Tùng nói.
Ngoài ra, người gây tai nạn còn bị áp dụng các quy định về tịch thu bằng lái xe trong thời gian quy định. Bồi thường thiệt hại đối với những người bị nạn theo thiệt hại thực tế, thiệt hại về sức khỏe, tinh thần.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, vụ tài xế Fortuner gây tai nạn liên hoàn tuy không thiệt hại về người nhưng đã gây ảnh hưởng sức khỏe và tài sản của một số người tham gia giao thông. Đặc biệt, hành vi sử dụng phương tiện tham gia giao thông có sử dụng rượu bia đã vi phạm nghiêm trọng Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Do đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ thiệt hại về tài sản và mức độ tổn hại sức khoẻ của những người trên để có căn cứ giải quyết vấn về trách nhiệm pháp lý. “Trường hợp không có nạn nhân nào thương tích tới 61% hoặc tổng thương tích của các nạn nhân không tới 61%, thiệt hại tài sản cũng không tới 100.000.000 đồng, sẽ không xử lý hình sự đối với người gây tai nạn trong vụ việc này”, luật sư Cường nói.
Tuy nhiên theo một số luật sư, người gây tai nạn sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ở mức cao nhất có thể lên đến 40.000.000 đồng và tước giấy phép lái xe tới 24 tháng; đồng thời phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các nạn nhân bao gồm tiền chi phí sửa xe, tiền chi phí cứu chữa, thu nhập bị mất, bị giảm sút và tổn thất về tinh thần... Mức bồi thường thiệt hại trên cơ sở thiệt hại phát sinh trên thực tế, do hai bên thỏa thuận. Trong trường hợp không thỏa thuận được,có thể yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.