Trước khi bị bắt, vợ chồng ông Chánh được nhiều người biết đến là doanh nhân thành đạt, luôn xuất hiện với vẻ sang trọng, đi xe hơi đắt tiền.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 24/1, luật sư Hoàng Tùng – Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: “Với quy mô sản xuất lên đến 30.000 tấn phân bón giả trong hơn 2 năm, đây là một vụ vi phạm có tính hệ thống, tổ chức và gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, hoạt động sản xuất nông nghiệp và thị trường kinh doanh phân bón”.
Trong hơn 2 năm hoạt động, vợ chồng Bùi Minh Chánh và Nguyễn Thị Cẩm My đã đưa gần 30.000 tấn phân bón giả ra thị trường, trong đó đã bán 13.000 tấn trong năm 2023, hơn 16.000 tấn năm 2024 và 501 tấn trong 8 ngày đầu tháng 1 năm 2025.
Quá trình điều tra ban đầu của cơ quan chức năng, vợ chồng ông Chánh khai nhận, hoạt động kinh doanh sản xuất phân bón gặp khó khăn do giá nguyên liệu tăng cao, khan hiếm vì phải nhập khẩu từ nước ngoài. Để giảm chi phí sản xuất, cạnh tranh giá bán trên thị trường và tăng thêm lợi nhuận nên đã ban hành công thức sản xuất phân bón cụ thể đối với từng mã sản phẩm phân bón NPK. Trong đó, có những loại phân bón NPK có hàm lượng Kali thấp và những loại phân bón NPK không có hàm lượng Kali.
Theo luật sư Hoàng Tùng, căn cứ Điều 192 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả” là phân bón thì hành vi của cặp vợ chồng này là sản xuất, buôn bán phân bón giả trị giá lớn, có tổ chức và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thuộc khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, vợ chồng Bùi Minh Chánh và Nguyễn Thị Cẩm My có thể bị phạt bổ sung, bao gồm phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng, tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc hành nghề từ 1 đến 5 năm. “Những người đồng phạm, như nhân viên kế toán và các công ty con tham gia quảng bá, phân phối sản phẩm giả cũng phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với vai trò trong vụ án”, đại diện Văn phòng luật sư Trung Hòa cho biết.
Để chấn chỉnh tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần tăng cường quản lý thị trường phân bón. Trước hết, cơ quan chức năng cần siết chặt kiểm tra chất lượng phân bón trước khi lưu hành, triển khai hệ thống mã QR truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra thông tin sản phẩm.
Đồng thời, cần tổ chức các chiến dịch tuyên truyền cho người tiêu dùng và nông dân để nhận biết phân bón giả và khuyến khích họ tố cáo hành vi vi phạm qua đường dây nóng. “Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm các công ty liên quan. Các công ty con tham gia quảng bá, phân phối phân bón giả cần bị xử phạt hành chính nặng, thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc đình chỉ hoạt động. Cơ quan chức năng cũng cần phối hợp liên ngành, giữa Bộ Công an, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm. Việc xây dựng chế tài mạnh hơn và sửa đổi, bổ sung luật sẽ góp phần ngăn chặn hiệu quả những hành vi tương tự trong tương lai”, ông Hoàng Tùng nhấn mạnh.
Theo điều tra ban đầu, 2 công ty của vợ chồng bà My đã sản xuất, phân phối phân bón giả NPK đến 187 đại lý ở 12 tỉnh thành: Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Cả hai còn thành lập 7 công ty thành viên nhằm quảng cáo, buôn bán nhiều sản phẩm phân bón ra thị trường.