Người huyết áp, tim mạch có nên ăn bánh chưng, củ kiệu muối?
Theo bác sĩ, đối với những bệnh nhân mắc các bệnh lý mãn tính việc cân bằng dinh dưỡng trong ăn uống đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, vào dịp Tết, tiệc tùng với nhiều món ăn truyền thống khiến người bệnh gặp “khó khăn” duy trì chế độ ăn uống như thường ngày.
Tiến sĩ bác sĩ Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, nhìn chung các món ăn Tết không khác biệt nhiều so với ngày thường, nhưng đối với những người mắc bệnh lý mãn tính như cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, bệnh mạch vành hay thận mạn thì chế độ ăn uống cần được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Chẳng hạn như đối với những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính trước đó thường được dặn phải ăn nhạt, không ăn mặn thì hạn chế ăn các món dưa muối, dưa cải, củ kiệu… bởi đây là những món ăn có hàm lượng muối rất nhiều có thể làm tăng huyết áp. Tuy nhiên, nếu muốn ăn những món này, người bệnh có thể ăn một ít như một cách để "điểm tô" cho bữa ăn nhưng tuyệt đối không ăn quá nhiều. Với những món như giò, chả thì hàm lượng muối cũng khá nhiều nên chỉ ăn chừng mực; món thịt kho tàu thì lựa phần thịt nạc mà ăn hay trứng thì cũng có thể ăn một hai cái trứng.
Còn đối với các loại bánh chưng, bánh tét trong nhân có thịt mỡ rất nhiều nếu ăn liên tục trong những ngày Tết sẽ ảnh hưởng đến vấn đề chuyển hóa mỡ, huyết áp của mình hoặc tăng trọng lượng cơ thể không mong muốn cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Riêng đối với những bệnh nhân bị đái tháo đường thì thường phải kiểm soát lượng tinh bột, vì tinh bột nhiều thì đường máu sẽ tăng cao và nhóm thức ăn, thức uống có độ ngọt cao bắt buộc người mắc bệnh tháo đường không nên uống.
“Bệnh nhân đái tháo đường sẽ có một sự kiêng khem vừa phải nên những ngày bình thường ăn như thế nào thì đối với những món từ nếp chúng ta giảm một ít nữa, vì nếp chứa tinh bột đường nhiều hơn so với gạo, với cơm. Người tiểu đường nên ăn rau trước rồi sau đó mới ăn bánh chưng, bánh tét hoặc những cái món có nhiều cholesterol...”, bác sĩ Ngân Tâm lưu ý thêm.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Mã Phước Nguyên, Phó khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc kiểm soát chế độ ăn uống trong dịp Tết để tránh các bệnh lý về đường tiêu hóa.
Thói quen ăn uống thả ga trong các buổi tiệc tùng cùng với ít vận động có thể dễ dàng dẫn đến các bệnh tiêu hóa như khó tiêu, đầy bụng, tiêu chảy hay táo bón. Đặc biệt, những bệnh nhân có tiền sử viêm loét dạ dày, trào ngược thực quản hay hội chứng ruột kích thích có thể gặp phải các triệu chứng nặng hơn.
Phòng ngộ độc thực phẩm và các bệnh tiêu hoá
Theo bác sĩ Phước Nguyên, ngoài những bệnh lý thường gặp liên quan đến đường tiêu hoá, ngộ độc thực phẩm còn một bệnh lý ít gặp hơn nhưng hậu quả rất nặng nề là viêm tụy cấp với biểu hiện đau bụng rất dữ dội ở vùng thượng vị kèm theo buồn nôn. Sau khi nôn, bệnh nhân cũng không đỡ đau hơn. Theo đó, người bệnh cần phải nhập viện cấp cứu để kịp thời được xử lý vì nếu muộn sẽ gây tình trạng rất nặng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Để kiểm soát chế độ dinh dưỡng hiệu quả trong dịp Tết, bác sĩ Ngân Tâm lưu ý người bệnh mạn tính nếu phải di chuyển nhiều thì cần mang kèm theo trong túi những thực phẩm bổ sung phù hợp cho bệnh lý như sữa dành cho người bệnh tim mạch; sữa, bánh cho bệnh nhân đái tháo đường hoặc thực phẩm nấu đem theo để trong hộp.
Tuy nhiên, nếu bảo quản ở nhiệt độ bình thường thì không nên để quá 2 tiếng vì nếu để quá 2 tiếng thực phẩm rất dễ bị hư, vô tình người bệnh ăn sẽ bị ngộ độc.
Bên cạnh đó, bác sĩ Phước Nguyên cũng cho biết, việc bảo quản thực phẩm không đúng cách có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm, khi vi khuẩn dễ dàng phát triển trong môi trường không vệ sinh. Bác sĩ Phước Nguyên khuyến cáo trong suốt kỳ nghỉ lễ, cần uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây và không nên ăn quá nhiều trong mỗi bữa ăn. Việc bảo quản thực phẩm đúng cách và tránh ăn thức ăn để lâu ngày sẽ giúp phòng tránh ngộ độc thực phẩm.
Theo các bác sĩ, dịp Tết cũng là giai đoạn người lớn thường xuyên tham gia các buổi liên hoan, ăn uống nhiều thực phẩm dầu mỡ, uống rượu bia cùng với tình trạng thức khuya, căng thẳng tâm lý. Những yếu tố này không chỉ làm suy yếu hệ miễn dịch mà còn có thể kích hoạt các biến chứng nguy hiểm từ bệnh nền, thậm chí dẫn tới các trường hợp nguy kịch như: người mắc bệnh nền như tim mạch, đái tháo đường, thận mạn đối mặt với nguy cơ biến chứng nghiêm trọng khi nhiễm trùng đường hô hấp. Bệnh nhân tim mạch dễ tăng huyết áp, đau tim, đột quỵ do tim phải hoạt động quá tải. Người mắc đái tháo đường có miễn dịch suy giảm, dễ mắc bệnh nặng hơn. Bệnh nhân thận mạn dễ bị viêm phổi nặng, tổn thương thận thêm trầm trọng, thậm chí suy thận cấp.