Nhân Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10, phóng viên thực hiện hai bài viết chủ đề “Xu hướng tất yếu của du lịch” nhằm phản ánh những nỗ lực của toàn ngành để chuyển đổi số hiệu quả, hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Bài 1: Thích ứng và tận dụng thành tựu công nghệ số
Bùng nổ về công nghệ đã khiến du khách thay đổi hành vi du lịch. Họ tìm kiếm thông tin, đặt vé máy bay, phòng lưu trú, thậm chí chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm về hành trình đều trên internet, nhất là các mạng xã hội. Các đơn vị lữ hành, du lịch, điểm đến tất yếu phải nhanh chóng thích ứng, tận dụng công nghệ số để đáp ứng nhu cầu du khách và làm mới chính mình.
Tăng lợi thế cạnh tranh
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, du lịch số và du lịch thông minh đều là phát triển du lịch dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông số và dữ liệu số. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã triển khai nhiều hình thức đa dạng nhằm tạo điểm nhấn, lợi thế cạnh tranh về du lịch. Trong đó, Pháp, Phần Lan, Thụy Sỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… được đánh giá là những nước tiên phong.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia du lịch, từ năm 2019, ở châu Âu, cuộc thi về du lịch thông minh (European capital of smart tourism competition) đã được tổ chức để hỗ trợ phát triển du lịch thông minh. Thủ đô Helsinki của Phần Lan được vinh danh là “Kinh đô du lịch thông minh của châu Âu” nhờ kết hợp số hóa các dữ liệu du lịch. Sản phẩm nổi bật là cổng thông tin du lịch myhelsinki.fi, cung cấp thông tin nhằm nâng cao trải nghiệm cho du khách trong suốt hành trình; hướng đến một nền tảng mở dành cho doanh nghiệp, du khách và người dân địa phương. Cùng với đó là các ứng dụng di động hướng đến từng thị trường khách. Công nghệ thực tế ảo, bản đồ thành phố 3D cùng thuyết minh sống động giúp nâng cao khả năng tiếp cận các điểm đến...
Hàn Quốc đã xây dựng 3 kênh chính làm nền tảng cho du lịch thông minh. Đó là website korean.visitkorea.or.kr cung cấp thông tin bằng nhiều ngôn ngữ về các địa điểm du lịch, nơi lưu trú, lễ hội phục vụ du khách quốc tế… Các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter cung cấp thông tin về điểm đến, nhà hàng, khách sạn…tạo cầu nối cho du khách lịch đến với website; giải đáp thắc mắc, ghi nhận phản hồi của du khách về chất lượng dịch vụ ở điểm đến; từ đó du khách có thông tin đa chiều để lựa chọn điểm đến thích hợp nhất. Ngoài ra, ứng dụng Visit Korea trên điện thoại thông minh hỗ trợ du khách có thông tin cần thiết nhất cho một chuyến du lịch hoàn hảo...
Du lịch Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chuyển đổi số của toàn cầu và đã sớm có thích ứng. Nhiều chính sách đã ra đời, tạo thuận lợi để phát triển du lịch số, du lịch thông minh, chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành.
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nêu rõ: Tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao, trong đó có du lịch số.
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025” đặt ra mục tiêu phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh kết nối các chủ thể trong ngành du lịch.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đề ra định hướng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch, hướng đến hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh. Mới đây nhất, Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh du lịch và nâng cao trải nghiệm du khách.
Trước đó, ngày 21/12/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Đề án "Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn" nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong thời đại số, hỗ trợ kết nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp, khách du lịch và các chủ thể liên quan. Trong đó có nêu, phát triển du lịch thông minh đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới, quản lý nhà nước ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực phát triển của du lịch Việt Nam, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo phát triển bền vững và hội nhập quốc tế...
Bức tranh chuyển đổi số sôi động
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich) là đơn vị đầu mối về chuyển đổi số của ngành Du lịch. Trung tâm Thông tin du lịch đã xây dựng một hệ sinh thái chuyển đổi số. Các nền tảng số cốt lõi hỗ trợ công tác quản lý và kinh doanh du lịch gồm: Hệ thống Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam, hệ thống Báo cáo thống kê du lịch từ Trung ương đến cơ sở, hệ thống dashboard thông tin điều hành du lịch, ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”, nền tảng “Quản trị và Kinh doanh du lịch”, Thẻ Việt - Thẻ du lịch quốc gia, hệ thống vé điện tử, hệ thống thuyết minh đa phương tiện (Multimedia-guide)...
Bên cạnh đó, Trung tâm đã phát triển các kênh truyền thông số hỗ trợ công tác quản lý nhà nước trên website https://vietnamtourism.gov.vn, quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài trên website https://vietnam.travel và các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo, Viber, Instagram…
Các địa phương, doanh nghiệp đã rất tích cực thực hiện chuyển đổi, phát triển du lịch số, du lịch thông minh. Tiêu biểu là các địa phương trọng điểm du lịch như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết: trong quản lý điểm đến, công nghệ tiên tiến, hiện đại như thực tế ảo, tăng cường, hình ảnh 360 độ, 3D đã được áp dụng để đưa ra nhiều sản phẩm mới mẻ, gây ấn tượng, thu hút du khách. Trong đó, Thanh Hóa áp dụng công nghệ thực tế ảo, tăng cường trên ứng dụng điện thoại thông minh để tái hiện sinh động hình ảnh điểm du lịch nổi tiếng như Lam Kinh, thành nhà Hồ, Pù Luông...
Hà Nội đã phát triển các ứng dụng Visit Hanoi, MyHanoi với các tính năng trợ lý du lịch ảo hỗ trợ du khách. Các điểm đến như bảo tàng, làng nghề, di tích như Văn Miếu, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã phát triển hệ thống thuyết minh tự động, công nghệ hiện đại khác phục vụ du khách.
Một số khu du lịch đã áp dụng hệ thống vé điện tử như Khu Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, đền Quán Thánh. Công nghệ này cho phép cả đoàn khách chỉ cần dùng duy nhất một vé điện tử, giúp giảm bớt chi phí in ấn, giảm lượng rác thải, bảo vệ môi trường.
Đà Nẵng sử dụng ứng dụng chatbot “Da Nang Fantasticity". Đây là công nghệ được sử dụng đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á (cùng với Singapore).
Dịch vụ tham quan bằng xe bus hai tầng City Tour Hop On-Hop Off ở Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng công nghệ mới kết hợp dữ liệu số về giao thông và du lịch, dữ liệu sở thích của du khách để thiết kế các tour tuyến phù hợp, bán vé và thanh toán online, tích hợp Wifi (miễn phí) và thuyết minh tự động bằng nhiều ngôn ngữ.
Các tập đoàn lớn đã tiên phong xây dựng hệ sinh thái tiện ích thông minh nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý vận hành kinh doanh, chất lượng phục vụ khách hàng và đổi mới sản phẩm, dịch vụ. Nhiều công ty lữ hành lớn đã triển khai các ứng dụng kết nối dịch vụ cho phép du khách mua vé tham quan, thanh toán dịch vụ từ xa, sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, khám phá di sản bằng công nghệ 3D...
Đặc biệt, nền tảng số “Google Arts and Culture - Kỳ quan Việt Nam” đã góp phần quảng bá giá trị các di sản nổi bật nhất của nước ta như hang Sơn Đoòng, phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn, di sản cung đình Huế... Google Arts and Culture hướng đến là bảo tàng số của nhân loại, lưu giữ và giới thiệu các giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử đặc sắc của các quốc gia trên thế giới.
Qua đó có thể thấy, bức tranh sôi động về ứng dụng công nghệ, phát triển du lịch thông minh trong ngành Du lịch Việt Nam, trải rộng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhiều sản phẩm du lịch thông minh đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch./.
Bài 2: Chìa khóa cạnh tranh, tạo sức bật