Làng quê xanh sạch đẹp
Hồng Vân là xã nằm ven đê sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội 18 km về phía Nam với dân số trên 6.000 người. Là một vùng đất ven sông, từ xưa xã đã có truyền thống lịch sử - văn hóa và nổi tiếng với các sản phẩm nông nghiệp, nhất là nghề trồng cây cảnh.
Đầu những năm 2000, dựa trên nguồn đất phù xa, người dân ở Hồng Vân phát triển mạnh mẽ nghề trồng các loại cây cảnh cung cấp cho thị trường, nhất là khu vực nội đô Hà Nội. Năm 2008, hai làng Cơ Giáo, Xâm Xuyên được công nhận là làng nghề sinh vật cảnh. Để tạo cơ hội cho làng nghề cây cảnh phát triển mạnh hơn, năm 2012 Hồng Vân đã tiến hành dồn điền đổi thửa và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, định hướng phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ. Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân ra đời năm 2014 là hạt nhân bắt tay vào làm du lịch, tạo chuyển biến rõ nét chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Người dân xã Hồng Vân đã không ngừng học tập, trao đổi kinh nghiệm làm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, kết quả đến năm 2018 Hồng Vân được UBND Thành phố Hà Nội công nhận là Điểm du lịch làng nghề. Đến năm 2019, được UBND Thành phố Hà Nội công nhận là xã Nông thôn mới nâng cao và đến nay đã được thẩm định xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.
Cuối năm 2022, Điểm dịch vụ du lịch làng quê Hồng Vân được UBND Thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc nhóm sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”.
Từ khi được công nhận là điểm du lịch (đầu năm 2023) đến nay, Hồng Vân đã đón 150.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, doanh thu đạt trên 6 tỷ đồng.
“Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, nhiều người đã biết đến điểm du lịch Hồng Vân nhiều hơn, lượng khách tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời doanh thu cũng thăng theo. Lực lượng lao động tham gia hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch chiếm hơn 76%”, ông Nguyễn Văn Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân chia sẻ.
Ngoài thế mạnh về tự nhiên, Hồng Vân còn tổ chức các sự kiện như: Lễ hội hoa xuân, lễ hội tình yêu, đêm hội hoa đăng và đặc biệt là Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung thu hút hàng ngàn khách du lịch.
Ông Hà Huy Thôn, Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã cho biết, Hồng Vân là mảnh đất cổ xưa, có bề dày trầm tích văn hóa gắn liền với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Trong những năm qua, hệ thống dấu tích như Chợ mới Ông già, Bãi tắm Nàng tiên hay Nhà bia Tiến sỹ Nguyễn Ý (thời nhà Nguyễn) đang được địa phương phục dựng và bảo tồn trên nền tảng khoa học và lịch sử.
Để tạo ấn tượng với du khách về điểm đến xanh, chính quyền xã Hồng Vân tích cực vận động nhân dân xây dựng lối sống xanh. Hệ thống hạ tầng đường thôn xóm được nâng cấp, mở rộng và trồng cây xanh như hàng cây, vườn hoa, ao hồ, hệ thống nhà vườn, cây cảnh... Hằng tuần, các tổ chức đoàn thể phụ nữ, thanh niên, nông dân đều ra quân thực hiện dọn vệ sinh công cộng qua các phong trào cụ thể như: Chủ nhật Xanh, phong trào 5 Không 3 Sạch, Tuyến đường nở hoa... Hồng Vân đã xây dựng được hơn 30 con đường hoa mang những màu sắc khác nhau như con đường hoa bằng lăng, phượng vĩ, hoàng yến, hoa ban... và được khách du lịch ví von như “Thiên đường của các loài hoa”.
Hiện nay trên địa bàn xã Hồng Vân có trên 30 nghệ nhân, thợ giỏi, có khả năng chế tác những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, cây bonsai, đồ đá mỹ nghệ… “Định hướng thời gian tới, xã phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và du lịch văn hóa tâm linh”, ông Nguyễn Văn Phượng cho biết.
Kết hợp nông nghiệp với du lịch bền vững
Ông Nguyễn Văn Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân chia sẻ: Từ khi áp dụng mô hình du lịch sinh thái, xã đã có nhiều thay đổi tích cực trên các mặt kinh tế và đời sống xã hội. Về kinh tế, xã xác định mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025, đưa Hồng Vân trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch của du khách; đưa kinh tế thương mại- du lịch - dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chủ lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động sang tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Phượng, do mới đi theo con đường phát triển du lịch, nên địa phương vẫn còn nhiều khó khăn vì điểm du lịch tại xã đang trong quá trình tiếp tục đầu tư, đồng bộ xây dựng hạ tầng thiết yếu và tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm du lịch.
“Trong số hơn 150.000 du khách đến địa phương thì chủ yếu đi du lịch trong ngày, về các điểm du lịch nông nghiệp, sinh thái và ít khách lưu trú qua đêm. Vì vậy, chưa mang lại hiệu quả kinh tế. Các dịch vụ du lịch chuyên nghiệp chưa có nhiều. Do đó, xã đã nhiều lần kiến nghị với huyện, thành phố cho phép khai thác điểm dịch vụ trên đất nông nghiệp để từ đó mới đầu tư hạ tầng, dịch vụ”, ông Nguyễn Văn Phượng chia sẻ.
Giai đoạn 2022-2025, xã Hồng Vân sẽ tập trung huy động các nguồn lực đầu tư và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư vào phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, làng nghề mang tính đặc trưng, độc đáo; nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của xã để phát triển kinh tế xanh.
“Trong thời gian qua, Hợp tác xã và người dân đã đầu tư hơn 1 đồng để nâng cấp hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch. Xã chỉ hỗ trợ kinh phí làm thắp sáng, tạo cảnh quan”, ông Nguyễn Văn Phượng cho biết.
Xã cũng đang từng bước đầu tư hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật thương mại, dịch vụ, du lịch; bảo tồn, phát huy giá trị Truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung, tín ngưỡng thờ Mẫu và các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, làng nghề, phát triển đa dạng sinh học, xây dựng không gian du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường nhằm tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, thu hút du khách; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. “Hiện xã cũng đã hình thành điểm chợ đêm tách bạch khu dân cư, xây dựng điểm đến gắn với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Tuy nhiên, để thu hút khách cần sự liên kết với các doanh nghiệp lữ hành, du lịch cùng tham gia”, ông Nguyễn Văn Phượng đề xuất.
Theo ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng, Viện phát triển du lịch Châu Á/ATI; Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC), xã Hồng Vân có thế mạnh là điểm du lịch nông thôn đặc trưng vùng đồng bằng sông Hồng, gần trung tâm Hà Nội. Để tạo thành điểm đến, "Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân" với chủ thể Hợp tác xã hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân cần liên kết với 11 làng nghề đặc trưng của các xã xung quanh, tạo thành chuỗi tham quan đặc sắc như như: "Chiếu hạt" của xã Nhị Khê; tranh tứ quý gỗ mít của xã Tô Hiệu; "Túi vải thêu tay" của xã Nguyễn Trãi; "Khoai tây" của Hợp tác xã nông nghiệp Hà Hồi... “Quan trọng nhất là mang tới du khách giá trị văn hoá bản địa với một câu chuyện cụ thể tạo thành điểm nhấn mà du khách nhất định phải đến Hồng Vân”, ông Phạm Hải Quỳnh đề xuất.
Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết, "Thường Tín là địa phương thứ hai của thành phố có sản phẩm tham gia OCOP về du lịch là xã Hồng Vân. Các điểm du lịch nông thôn ở Hồng Vân vừa đẹp, vừa giàu truyền thống lịch sử văn hóa. Phát huy thế mạnh địa phương, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, Hà Nội) đã chuyển hướng từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái làng nghề. Hồng Vân giờ đây không chỉ đưa du lịch trở thành mũi nhọn kinh tế của địa phương mà còn góp phần lan tỏa lối sống xanh, bảo vệ môi trường và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống".
Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội.