Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá về giá trị tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh Bắc Giang; các giải pháp hiệu quả trong liên kết, phát triển, thu hút khách du lịch đến với tỉnh; chính sách, chương trình hợp tác đồng bộ giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ; kinh nghiệm xây dựng tour, tuyến du lịch; giải pháp trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, thu hút đầu tư vào du lịch trong tình hình hiện nay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, Bắc Giang mới bước vào phát triển du lịch nên còn nhiều hạn chế về sản phẩm du lịch đặc trưng, hạ tầng, quy mô, cơ sở lưu trú, kinh nghiệm quảng bá, quản lý các điểm du lịch. Định hướng phát triển du lịch của Bắc Giang tập trung vào ba sản phẩm chủ yếu; trong đó, du lịch tâm linh tập trung vào phục dựng lại con đường hoằng dương phật pháp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông; xây dựng hai khu du lịch sinh thái lớn ở Hố Cao và Khuôn Thần (Lục Ngạn); vận hành một hệ thống các sân golf và đầu tư vào phát triển du lịch miệt vườn. Du lịch cộng đồng và du lịch làng nghề, làng cổ cũng đang tập trung phát triển. Tỉnh cũng tập trung hoàn thiện, mở rộng hệ thống các tuyến đường giao thông.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Mạnh Chung cho rằng: Trong những năm qua, du lịch Bắc Giang đang từng bước phát triển góp phần làm thay đổi diện mạo địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, du lịch Bắc Giang phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, lượng khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm chưa nhiều. Hoạt động du lịch tại các địa phương, vùng đồng bào dân tộc còn hạn chế.
Trong liên kết phát triển du lịch, theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga, Hải Dương và Bắc Giang là hai tỉnh có nhiều nét tương đồng về thế mạnh sản phẩm du lịch. Để liên kết phát triển du lịch, Hải Dương và Bắc Giang đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch. Với các tỉnh có chung sản phẩm du lịch, trong liên kết du lịch phải xóa bỏ “tư tưởng tiểu nông”, đó là sự manh mún, chỉ muốn phát triển du lịch của riêng tỉnh mình mà không có sự liên kết, không có cái nhìn tổng thể và không đặt trong mối liên kết chung.
Để thu hút khách du lịch về tỉnh và tạo giá trị gia tăng trong du lịch tâm linh, Phó Giám đốc Công ty du lịch Cổng Châu Á Đỗ Thị Minh Thương cho rằng, tỉnh Bắc Giang cần quan tâm xây dựng các tour du lịch trải nghiệm tại làng nghề Thổ Hà, nhà vườn Lục Ngạn; thu hút, đầu tư thêm các dịch vụ lưu trú tại các điểm du lịch và quảng bá các sản phẩm đặc sản của tỉnh ngay tại khu du lịch.
Các đại biểu kiến nghị, Tổng cục Du lịch quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa về quy hoạch phát triển du lịch các tỉnh vùng Đông Bắc; có định hướng xây dựng các sản phẩm đặc trưng của từng tỉnh cũng như toàn vùng; chú trọng hơn việc quảng bá hình ảnh, giới thiệu các điểm đến của các tỉnh vùng Đông Bắc. Tổng cục Du lịch tăng cường phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh trong việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng các dịch vụ.
Nhân dịp này, UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam khai trương Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Bắc Giang tại địa chỉ http://mybacgiang.vn và ứng dụng du lịch thông minh.