Một số khu, điểm du lịch nổi tiếng thu hút đông đảo khách du lịch như: Chùa Mahatup (chùa Dơi), chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu), Bửu Sơn Tự (chùa Đất Sét); Khu Văn hóa Tín ngưỡng tỉnh Sóc Trăng (Thiền viện Trúc Lâm); ngôi sala và tượng phật nằm tại chùa Som Rong, chùa Quan âm Linh Ứng; Cụm du lịch cộng đồng (huyện Mỹ Tú); cụm du lịch cộng đồng cồn Mỹ Phước (huyện Kế Sách); cụm du lịch cộng đồng huyện Cù Lao Dung (xã An Thạnh 1 và An Thạnh Nam); chợ nổi Ngã Năm (thị xã Ngã Năm); điểm du lịch Mỏ Ó; điểm du lịch Hồ Bể…
Kết quả này có được là do địa phương đã đẩy mạnh hợp tác trong phát triển du lịch và tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch; thực hiện liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh. Mặt khác, Sóc Trăng còn phối hợp với các đơn vị, công ty lữ hành đưa khách du lịch theo các tour chính như: Cần Thơ - Sóc Trăng - Côn Đảo; Cần Thơ - Cù Lao Dung - Côn Đảo; Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau; Cần Thơ - Ngã Bảy - Ngã Năm - Bạc Liêu - Cà Mau. Đồng thời, tỉnh tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư; đẩy mạnh xã hội hóa các dự án về du lịch, thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Minh Lý cho biết, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng du lịch Sóc Trăng trở thành một trong những trung tâm du lịch về lễ hội của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có thương hiệu, sức cạnh tranh cao và có nội dung văn hóa sâu sắc; lấy loại hình du lịch văn hóa - lễ hội làm cơ sở, nền tảng cho phát triển các loại hình du lịch và dịch vụ du lịch khác. Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2030 phát triển 10 sản phẩm du lịch chủ lực, 6 sản phẩm du lịch bổ sung và 3 điểm dừng chân trên địa bàn các huyện: Thạnh Trị, Kế Sách, Trần Đề. Đồng thời, tỉnh cũng định hướng không gian phát triển du lịch theo 4 cụm bao gồm: Đô thị thành phố Sóc Trăng; Châu Thành - Mỹ Tú - Ngã Năm - Thạnh Trị; Mỹ Xuyên - Trần Đề - Vĩnh Châu; Cù Lao Dung - Kế Sách - Long Phú với mục tiêu thu hút khoảng 3.585.000 lượt du khách, trong đó có 85 nghìn lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt 3.500 tỷ đồng.
Cùng với đó, Sóc Trăng từng bước phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ phát triển du lịch; ứng dụng chuyển đổi số trong ngành Du lịch và phát triển du lịch thông minh vào quản lý khách du lịch, hoạt động du lịch, tài nguyên du lịch; nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực du lịch, nhất là có chính sách hỗ trợ cho người dân tham gia phát triển du lịch; tập trung kêu gọi đầu tư phát triển du lịch tại khu vực bãi biển Mỏ Ó, bãi biển Hồ Bể, rừng ngập mặn huyện Cù Lao Dung kết hợp khai thác cảng cá, tàu cao tốc, điện gió ven biển.
Theo ông Trần Minh Lý, tỉnh tiếp tục đổi mới quảng bá, xúc tiến du lịch cả về quy mô và chất lượng phù hợp với thị trường du lịch trọng điểm trong nước và quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng tham gia các sự kiện về du lịch. Đồng thời, Sóc Trăng tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về du lịch, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về du lịch để xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực du lịch của tỉnh được chuyên nghiệp, giỏi kỹ năng, tay nghề đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trong điều kiện hội nhập sau đại dịch. Tỉnh còn khuyến khích phát triển, nâng cấp các cơ sở dịch vụ du lịch, chất lượng phục vụ du khách, tăng cường bảo vệ môi trường…