Kỳ vĩ hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á
Công viên Địa chất Đắk Nông có diện tích hơn 4.700 km2, chiếm hơn 2/5 diện tích tự nhiên của tỉnh Đắk Nông. Về địa giới hành chính, Công viên địa chất Đắk Nông nằm trải dài trên 6/8 huyện, thị của tỉnh, bao gồm: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’Long và thị xã Gia Nghĩa.
Theo Ban Quản lý Công viên địa chất Đắk Nông, cách đây hơn 140 triệu năm, do vận động kiến tạo của vỏ trái đất, từ một phần của đại dương rộng lớn, khu vực này được nâng lên và xuất hiện núi lửa.
Các hoạt động của núi lửa đã phủ lên khu vực này một lớp dung nham bazan (dung nham bazan chiếm hơn 50% tổng diện tích công viên địa chất). Cách đây hơn 10.000 năm, nhiều miệng núi lửa trong khu vực vẫn còn hoạt động và tạo nên một hệ thống hang động núi lửa độc đáo, được đánh giá là có chiều dài, đồ sộ và độc đáo nhất khu vực Đông Nam Á.
Theo đánh giá của các nhà khoa học trong và ngoài nước, toàn bộ Công viên địa chất Đắk Nông hiện có khoảng 65 điểm di sản, địa mạo, bao gồm hệ thống các miệng núi lửa, hệ thống hang động núi lửa và các thác nước.
Các miệng núi lửa trong Công viên địa chất Đắk Nông đều có quy mô lớn, đồ sộ, tiêu biểu như núi lửa Nam Dơng (xã Nam Dong, huyện Cư Jút), núi lửa Nâm Blang (xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô), núi lửa Nâm Ka (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô), núi lửa Nâm Gle (xã Thuận An, huyện Đắk Mil)… Đây đều là những điểm đến hấp dẫn, nhất là đối với du khách đam mê mạo hiểm, thích khám phá những nét độc đáo, hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên.
Tuy nhiên, hệ thống hang động núi lửa mới được xem là phần độc đáo nhất của Công viên địa chất Đắk Nông. Đến nay, các nhà khoa học và tỉnh Đắk Nông xác định hệ thống có gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m.
Tại nhiều hang động núi lửa, các nhà khoa học ghi nhận, khám phá nhiều nét độc đáo về địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử. Tiêu biểu như hang C7 có tổng chiều dài gần 1.100 m và được mệnh danh là hang động dung nham dài nhất Đông Nam Á, hang C6.1 có nhiều dấu tích cư trú, sinh sống của người tiền sử cách đây từ 7.000 - 10.000 năm…
Với đặc trưng về địa chất, địa hình, Công viên địa chất Đắk Nông còn có nhiều thác nước độc đáo, hùng vĩ. Đây là những điểm đến hấp dẫn đối với du khách gần xa. “Bên trong” công viên địa chất Đắk Nông còn có nhiều nét độc đáo về văn hóa của các dân tộc thiểu số bản địa như M’Nông, Mạ, Ê đê.
Đến đây, du khách có thể đắm mình trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; không gian sinh hoạt văn hóa của người M’Nông - dân tộc bản địa đông và cư trú lâu đời nhất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; đàn đá Đắk Kar, Đắk Sơn… cùng nhiều lễ hội văn hóa, ẩm thực của các dân tộc thiểu số bản địa.
Gắn kết với các tour du lịch
Theo Ban Quản lý Công viên Địa chất Đắk Nông, trên nền tảng công viên địa chất, tỉnh Đắk Nông đã quy hoạch và đầu tư 44 điểm đến hấp dẫn để phát triển du lịch. Các điểm đến được xây dựng theo 3 chủ đề chính: “Trường ca của lửa và nước”; “Bản giao hưởng của làn gió mới” và “Âm vang từ trái đất”.
Đến với Công viên địa chất Đắk Nông, du khách sẽ được tham quan, chiêm ngưỡng hệ thống hang động núi lửa trong đá bazan độc đáo, nguyên sơ vốn được xác lập kỷ lục dài nhất Đông Nam Á (khởi đầu từ huyện Krông Nô); ngắm nhìn các thắng cảnh hoang sơ, hùng vĩ như núi lửa Băng Mo (huyện Cư Jút), núi lửa Nâm Gleh R’luh (huyện Đắk Mil); tham gia hành trình về nguồn tại các buôn làng của người Ê đê, M’Nông với nhiều nét độc đáo của văn hóa bản địa; tham quan Vườn Quốc gia Tà Đùng với thắng cảnh Hồ Tà Đùng, được ví như vịnh Hạ Long trên cao nguyên…
Ông Phan Công Việt, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông khẳng định, Đắk Nông tự hào về các giá trị của Công viên địa chất và muốn phát huy tiềm năng đó. Các thắng cảnh tự nhiên trong công viên địa chất là của “trời cho”, rất độc đáo và khó có thể tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định, việc gắn kết các tuyến, tour du lịch với Công viên địa chất Đắk Nông, quảng bá rộng rãi các di sản của Công viên đến đông đảo du khách trong và ngoài nước đang là một ưu tiên xuyên suốt của tỉnh.
Đắk Nông xác định việc phát triển du lịch vừa là cơ hội để tỉnh giới thiệu những nét độc đáo của Công viên Địa chất Đắk Nông; vừa là nguồn lực bền vững, lâu dài để tỉnh thực hiện công tác bảo tồn, gìn giữ các thắng cảnh tự nhiên, các di sản văn hóa, lễ hội, thổ cẩm… của các cộng đồng dân cư trong Công viên địa chất.
Đồng thời phát triển du lịch trên địa bàn cũng là động lực, cơ hội để cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa có thêm cơ hội vươn lên xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bằng việc bảo tồn, gìn giữ các nét văn hóa truyền thống.