Gắn kết Công viên địa chất Đắk Nông với các tour du lịch

Ngày 4/10, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức hội thảo kết nối tuyến, tour du lịch với Công viên địa chất Đắk Nông, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lữ hành, các chuyên gia về du lịch đến từ nhiều địa phương khu vực phía Nam.

Chú thích ảnh
TBà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Nông cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành khai thác du lịch tại tỉnh.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định việc tổ chức hội thảo nhằm gắn kết các tuyến, tour du lịch với Công viên địa chất Đắk Nông, quảng bá rộng rãi các di sản của Công viên đến đông đảo du khách trong và ngoài nước. Hội thảo cũng là dịp để các chuyên gia đánh giá thế mạnh, hạn chế của du lịch Đắk Nông nhằm phát triển các sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Theo Ban Quản lý Công viên địa chất Đắk Nông, ngày 20/9 vừa qua, Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu đã đề cử hồ sơ để UNESCO xem xét, công nhận Công viên địa chất Đắk Nông là công viên địa chất toàn cầu. Trên nền tảng Công viên địa chất Đắk Nông, tỉnh đã quy hoạch và đầu tư 44 điểm đến hấp dẫn theo 3 chủ đề chính, bao gồm “Trường ca của lửa và nước”; “Bản giao hưởng của làn gió mới” và “Âm vang từ trái đất”.

Du khách sẽ được tham quan, chiêm ngưỡng hệ thống hang động núi lửa trong đá bazan độc đáo, nguyên sơ vốn được xác lập kỷ lục dài nhất Đông Nam Á (khởi đầu từ huyện Krông Nô); ngắm nhìn các thắng cảnh hoang sơ, hùng vĩ như núi lửa Băng Mo (huyện Cư Jút), núi lửa Nâm Gleh R’luh (huyện Đắk Mil); tham gia hành trình về nguồn tại các buôn làng của người Ê-đê, M’Nông với nhiều nét độc đáo của văn hóa bản địa; tham quan Vườn Quốc gia Tà Đùng với thắng cảnh Hồ Tà Đùng, vốn được ví là vịnh Hạ Long trên cao nguyên…

Một số chuyên gia cho rằng để kết nối với các tour du lịch và hình thành một điểm đến hấp dẫn, Đắk Nông cần chú trọng bảo tồn, gìn giữ các thắng cảnh thiên nhiên cũng như các di sản văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa. Tỉnh cũng cần hoàn thiện hệ thống kết nối giữa các điểm du lịch cũng như đa dạng hóa các sản phẩm du lịch một cách trọng tâm, trọng điểm, thực chất.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh việc tỉnh nỗ lực xây dựng Công viên địa chất toàn cầu nhằm bảo tồn các cảnh quan thiên nhiên, di sản địa chất, đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo. Qua đó, Đắk Nông mong muốn tạo được một nguồn sinh kế bền vững cho người dân bằng việc phát triển du lịch.

Đắk Nông cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành khai thác du lịch tại tỉnh cũng như gắn các tour, tuyến du lịch xuyên Tây Nguyên, kết nối với nước bạn Campuchia.

Tin, ảnh: Hưng Thịnh (TTXVN)
Núi Nghi Mông được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu 
Núi Nghi Mông được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu 

Ngày 25/6, giới chức Trung Quốc cho biết Tổ chức Giáo dục, khoa học, văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) mới đây đã thông qua nghị quyết công nhận dãy núi Nghi Mông thuộc tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc, là công viên địa chất toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN