Sự kiện thu hút 300 đại biểu từ 50 quốc gia, vùng lãnh thổ, đại diện cho cơ quan quản lý cấp quốc gia, địa phương các nước thành viên UN Tourism và Việt Nam, tổ chức quốc tế, cộng đồng du lịch và khu vực tư nhân.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong chia sẻ: Hội nghị là dịp để các đại biểu thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, nhấn mạnh tầm quan trọng và những đóng góp của du lịch trong thúc đẩy phát triển nông thôn. Hội nghị tập trung vào 3 chủ đề chính: Chính sách cấp quốc gia và địa phương thúc đẩy du lịch phát triển nông thôn; thu hút sự tham gia và trao quyền cho cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các điểm đến nông thôn.
Thực tiễn những năm qua tại Việt Nam cho thấy, du lịch đã góp phần đưa nhiều vùng nông thôn hạn chế về điều kiện phát triển trở thành "vùng quê đáng sống". Du lịch nông thôn không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn mà còn bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, thu hẹp khoảng cách về thu nhập, thụ hưởng các giá trị giữa người dân nông thôn và đô thị. Với cách tiếp cận trên, các đại biểu đưa ra định hướng chính sách phát triển du lịch nông thôn, thúc đẩy phương pháp tiếp cận sáng tạo để phát triển du lịch ở các điểm đến vùng nông thôn, góp phần tích cực vào phát triển bền vững 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam có hơn 70% dân số sống ở khu vực nông thôn. Với lợi thế về tài nguyên, giàu bản sắc văn hóa, những năm qua, ngành du lịch quan tâm phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc, có khả năng thu hút du khách, tạo sự đa dạng trong sản phẩm du lịch của Việt Nam. Các sản phẩm du lịch nông thôn đã góp phần thúc đẩy kết nối tour tuyến, mở rộng không gian đón khách về nông thôn. Ngược lại, du lịch nông thôn là nhân tố quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua chuyển đổi sinh kế, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, hỗ trợ duy trì các nghề truyền thống, phát triển sản vật đặc trưng ở mỗi địa phương.
Tại hội nghị, Phó tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc Zoritsa Urosevic khẳng định, hội nghị là cột mốc quan trọng của tổ chức trong tìm kiếm giải pháp phát triển và quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn, ứng dụng các sáng kiến mới, góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch bền vững. Hoạt động này cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc trong việc ưu tiên phát triển du lịch nông thôn - nền tảng cho phát triển du lịch bền vững trên toàn cầu.
Dịp này, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức khảo sát sản phẩm du lịch nông thôn và văn hóa nổi bật của tỉnh. Các đại biểu và du khách được trải nghiệm vẻ đẹp yên bình của Làng rau Trà Quế, tìm hiểu nghệ thuật làm gốm truyền thống tại Làng Gốm Thanh Hà và thăm Phố cổ Hội An. Đây cũng là cơ hội để Quảng Nam tăng cường quảng bá hình ảnh văn hóa, con người địa phương, thu hút khách du lịch; thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa du lịch Việt Nam, trong đó có tỉnh Quảng Nam với Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc, các nước, tổ chức thành viên Làng du lịch tốt nhất của tổ chức này.