Tuyến phố đi bộ của Hà Nội: Liệu có khả thi?

Thành phố Hà Nội đang nghiên cứu, tổ chức lại giao thông khu vực phố cổ và quanh hồ Hoàn Kiếm. Theo đó, khu vực phố cổ với 36 phố phường và khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ được tổ chức thành tuyến đi bộ.

Sẽ nghiên cứu kỹ khi triển khai

Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Sở Công an Hà Nội cho biết, khu vực Hồ Gươm và phố cổ được ví như báu vật. Do đó, chúng ta cần bảo vệ cảnh quan, giảm ùn tắc giao thông và xây dựng nên những tuyến phố đi bộ tại khu vực này đã được đặt ra từ lâu và cần thiết phải làm.

“Nhiều nước đã tổ chức phố đi bộ tại những khu vực phố cổ với chiều dài từ 500 m - 1 km. Dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Hà Nội đã tổ chức thành công phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm”, ông Nhanh cho biết. Về chủ trương, sẽ triển khai tuyến phố đi bộ tại 36 phố cổ. Tuy nhiên, sẽ làm thí điểm tại tuyến phố Hàng Ngang- Hàng Đào - chợ Đồng Xuân và quanh hồ Hoàn Kiếm, trước hết vào những ngày thứ 7, chủ nhật hoặc ngày lễ Tết.

Phố Tạ Hiện - Mã Mây cách đây 10 năm từng được đề xuất là phố ẩm thực - phố đi bộ.


Ông Nguyễn Đức Nhanh và ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đều cho rằng, tổ chức tuyến phố đi bộ là công việc rất khó và cần tính toán kỹ trước khi áp dụng, nhất là khi hạ tầng giao thông của Hà Nội lại yếu kém, trong khi đó phương tiện cá nhân tăng quá nhanh. Bài toán đặt ra với các cấp chính quyền, các ngành chức năng là phải tổ chức hệ thống bãi để xe máy cho người dân. Các tuyến xe buýt và điểm đỗ taxi quanh khu vực phố đi bộ cũng phải được tổ chức hợp lý, để thuận lợi cho người dân đi lại. Đối với các công sở trong khu vực, cán bộ đến đây cũng đều phải gửi xe hoặc đi bằng cổng sau của cơ quan.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, trước khi tổ chức tuyến phố đi bộ, ngành giao thông sẽ tiến hành các cuộc điều tra xã hội học về số dân hiện đang sống trong khu vực phố cổ, số xe đang sử dụng, nghề nghiệp các vấn đề người dân quan tâm để điều chỉnh cho hợp lý khi tiến hành… từ đó sẽ đưa ra phương án hợp lý. Ngoài ra, những nhu cầu khác như khám chữa bệnh, đi lại cho người già, nhu cầu cấp cứu y tế... cũng được đặt ra.

Sau đó, khi làm thí điểm các ngành hữu quan sẽ họp bàn xem hiệu quả đến đâu trước khi nhân ra diện rộng.

Khả thi đến đâu?

Ngay sau khi có thông tin về khu phố cổ sẽ được quy hoạch thành tuyến phố đi bộ, những người làm du lịch và cư dân phố cổ đều cho rằng có tuyến phố đi bộ nơi trung tâm phố cổ sẽ rất hấp dẫn khách du lịch nhưng cũng sẽ nảy sinh nhiều vấn đề xung quanh tuyến phố này. Anh Phạm Hoàng Tuấn, một hướng dẫn viên du lịch kỳ cựu cho biết: “Khó khăn nhất sẽ là các khách sạn hay nhà hàng trong phố cổ. Xe sẽ không vào được phố cổ, vậy hành lý sẽ chuyển như thế nào đến khách sạn? Ngoài những người làm du lịch, những người buôn bán sẽ gặp khó khăn nếu như không muốn nói là phải bỏ nghề. Do đó, nếu cấm toàn bộ khu phố đi bộ thì người dân chỉ sống ở đó mà thôi, chứ kinh doanh sẽ hơi khó”.

Còn anh Nguyễn Công Hoan, Phó giám đốc Hanoi Redtour nhận xét, việc đưa cả khu 36 phố phường thành phố đi bộ sẽ liên quan đến các phương tiện sạch lưu thông trong tuyến phố này khi vận chuyển đồ cho khách; lúc đó để xe điện độc quyền kinh doanh trong khu phố cổ này sẽ không ổn. Ở những nước có khu phố cổ để đi bộ thường chỉ cấm đoạn ngắn hoặc cấm phương tiện cơ giới. Ngay như khu phố cổ ở Luôngphabăng (Lào), họ chỉ cấm xe cơ giới và vẫn để phương tiện thô sơ, phương tiện sạch lưu thông.

Trong khi đó, nhiều người dân trong phố cổ cũng cho rằng dự án này thiếu khả thi. Bà Phương Mai (phố Hàng Đào) cho biết: “Là người dân phố cổ, tôi cũng muốn có tuyến phố đi bộ để không gian thanh tĩnh nhưng nhu cầu đi lại của người dân tính ra sao? Có bãi để xe quanh khu phố nhưng liệu có đáp ứng nổi lượng phương tiện xe máy rất lớn của người dân trong khu phố cổ? Tuyến phố đi bộ để phục vụ du lịch nhưng thực tế chỉ có một số tuyến có hoạt động du lịch tấp nập như Mã Mây, Hàng Bạc, Hàng Mã, Hàng Ngang, Hàng Đào…, trong khi nhiều tuyến phố khác như Hàng Thiếc, Hàng Đồng, Thuốc Bắc… sống chủ yếu bằng hoạt động kinh doanh thương mại thì sẽ phải giải quyết mưu sinh ra sao?... Đó chính là những vấn đề lớn, khó có thể biến cả khu 36 phố phường thành tuyến phố đi bộ. Tuy nhiên, tuyến phố đi bộ sẽ có khả thi khi xây dựng đoạn ngắn như khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, tuyến phố Hàng Ngang - Hàng Đào - chợ Đồng Xuân”.

Hiện đề cương đề án tổ chức một số tuyến đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Việc thí điểm tuyến phố đi bộ sẽ được áp dụng khoảng 2 tháng tới tại xung quanh hồ Hoàn Kiếm - Lê Thái Tổ - Đinh Tiên Hoàng và tuyến phố Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân vào các ngày lễ, thứ 7 và chủ nhật. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, việc tổ chức phố đi bộ tại khu phố cổ làm rất cẩn trọng để không làm đảo lộn đời sống sinh hoạt người dân, dẫn đến bất ổn trong xã hội.

Bài và ảnh: Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN