Trải nghiệm homestay Mỹ Sơn

Đến với di sản văn hóa thế giới - thánh địa Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) du khách không chỉ được chiêm ngưỡng tháp cổ Chămpa, mà còn được trải nghiệm về một nền văn hóa mang đầy tính bản địa thông qua mô hình du lịch homestay.

 

Hưởng lợi từ du lịch


Giữa tháng 3 năm 2013, mô hình du lịch cộng đồng với sự tài trợ của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) bắt đầu được triển khai ở thôn Mỹ Sơn (xã Duy Phú). Thánh địa Mỹ Sơn là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam. Việc khai thác du lịch cộng đồng tại Mỹ Sơn đánh dấu việc lần đầu tiên, người dân bản địa thực sự được hưởng lợi việc khai thác du lịch.

 

Khách du lịch nước ngoài đến Mỹ Sơn.

 
Cùng với việc triển khai mô hình, tổ hợp tác du lịch cộng đồng homestay Mỹ Sơn được thành lập với sự phối hợp giữa tổ chức lao động quốc tế (ILO) và liên minh Hợp tác xã Quảng Nam. Theo đó, tổ hợp tác sẽ điều phối du lịch cộng đồng bằng việc phân chia ra từng nhóm điều hành, mỗi nhóm đều có nhóm trưởng, với nhiệm vụ thu hút khách, giao dịch đối tác… Đến nay, đã có nhiều nhóm như vậy ra đời: nhóm nấu ăn, nhóm lưu trú, nhóm xe đạp, nhóm leo núi, chèo thuyền, văn nghệ... Trong đó, hoạt động hiệu quả nhất là hai nhóm: nấu ăn và lưu trú.


Trước đó, tổ chức ILO đã tổ chức khảo sát và chọn ra được 5 nhà dân để thực hiện mô hình du lịch homestay. Từ đầu năm nay, ILO cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, nhiều lớp tập huấn cho 5 hộ dân được dự án chọn lựa, cho các lãnh đạo xã Duy Phú về mô hình du lịch homestay, với các nội dung như hướng dẫn du lịch, cách sắp xếp khách ăn ở tại nhà, cách dẫn khách tham quan… Đồng thời, thông qua công ty cổ phần Du lịch Trà Kiệu, tổ chức ILO đã hỗ trợ cho mỗi hộ dân (được dự án chọn) số tiền 3.000 USD. Từ số tiền này, công ty Du lịch Trà Kiệu đã đầu tư sửa sang lại nhà cửa của 5 hộ dân, xây phòng ngủ chứa được 4 khách, có lắp điều hòa nhiệt độ; xây nhà vệ sinh, phòng tắm…


“Mỹ Sơn không chỉ có Mỹ Sơn”


Ngôi nhà của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ tại thôn Mỹ Sơn, được họa sĩ thiết kế theo kiểu mái tranh vách đất cổ truyền, nằm khuất lấp sau cây đồi, được dự án chọn làm nhà sinh hoạt cộng đồng. Trước sân nhà, cứ vài đêm, theo yêu cầu của khách, tổ hợp tác tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống của Quảng Nam, như hát bài chòi, hát sắc bùa… cho du khách vui chơi, thưởng thức. Nói về sinh hoạt văn nghệ dân gian tại làng du lịch cộng đồng, không thể không kể đến Câu lạc bộ Âm nhạc cổ truyền của anh Phạm Phú Cường. Cứ thứ bảy chủ nhật mỗi tuần, những làn điệu dân ca rộn ràng vang lên tại ngôi nhà rường của anh - điểm sinh hoạt câu lạc bộ. Ở đây có thành viên là cụ ông Nguyễn Bá Phước (93 tuổi, tổ 8B, thôn Trung Sơn, xã Duy Phú), người nổi tiếng ở Mỹ Sơn với việc chơi hầu hết các loại đờn cổ.

 

Du khách nước ngoài học đàn nhị.


Theo ông Trần Sáu, trưởng thôn Mỹ Sơn, Ban dân chính thôn cũng đã triển khai việc vận động kinh phí để xây dựng một cổng chào vào làng du lịch homestay Mỹ Sơn, vận động người dân trong thôn khôi phục lại các thói quen sinh hoạt cổ truyền, các nghề truyền thống như giã gạo, làm đá… Những hoạt động này cùng với việc khôi phục lại âm nhạc cổ truyền đã tạo một điểm nhấn thú vị cho làng du lịch, góp phần quảng bá những di sản phi vật thể ở Quảng Nam cho du khách quốc tế.


Đến với Mỹ Sơn bây giờ, du khách không chỉ ghé thăm một lần rồi đi, mà còn được lưu trú tại nhà dân, cùng sinh hoạt, cùng thể nghiệm những món ăn dân dã như mì Quảng, bánh xèo, bánh cuốn. Du khách cũng có thể tự tay nấu những món ăn này. Theo ông Võ Văn Sơn, Tổ trưởng tổ du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, du lịch cộng đồng đã manh nha ở Mỹ Sơn từ trước đến nay chứ không phải đợi đến bây giờ. Hàng chục năm nay, nhiều khách Tây cũng đã lưu trú qua đêm tại nhà dân. Tại cánh đồng khô Mỹ Sơn (cánh đồng sử dụng nước trời, chỉ có vụ đông); khách du lịch đã từng cùng người dân trồng lúa, trỉa đậu, thậm chí cày bừa... Cánh đồng khô này đã được huyện hỗ trợ kinh phí để dồn điền đổi thửa, là một nơi du khách có thể trải nghiệm những công việc đồng áng của nhà nông.


Mỹ Sơn không chỉ có Mỹ Sơn; mà còn có những di tích liên quan đến văn hóa Chăm như ao Vuông, tương truyền, người Chăm đã đào đất ở đây để lấy đất làm gạch xây tháp, từ đó mới có cái ao vuông vắn này; ngoài ra còn có giếng tứ trụ, các cơ sở làm đá Mỹ Sơn… Khách cũng sẽ được tham quan những di tích khác như cốc dinh (một cây cốc cổ thụ, bên cạnh thờ dinh Bà); hang ông Lai (Hoàng Văn Lai); khám phá Giếng tiên, một vũng nước trong veo không bao giờ cạn chứa giữa triền đá, người dân đi hái tranh đi lấy củi thường ghé vô uống nước; tham quan vết tích đình Mỹ Sơn - ngôi đình đã được vua triều Nguyễn ban sắc phong. Khách cũng có thể đi sâu vào chân hòn Đền để khám phá một tảng đá kỳ bí có khắc ba chữ hán: “Vua Trấn Thủ”, và nếu có sức, thì leo lên đỉnh hòn Đền ngắm hoàng hôn tháp cổ…


Rõ ràng, việc triển khai du lịch cộng đồng sẽ giúp người dân quanh vùng di tích được thực sự hưởng lợi từ du lịch, và đặc biệt, góp phần quảng bá văn hóa bản địa. “Chúng tôi sẽ tận dụng tất cả những gì có ở địa phương để làm du lịch, và tôi tin chắc sẽ thành công” - ông Sơn nói. Theo ông Trần Đình Phương - Trưởng phòng kinh doanh - công ty cổ phần du lịch Trà Kiệu, đơn vị nhận xây phòng ốc cho các hộ dân trong làng du lịch cộng đồng, và thu hút khách về làng du lịch: hiện, công ty Trà Kiệu đang triển khai thêm các dịch vụ như tour ngắn như đi quanh làng trong nửa ngày; chèo thuyền kazack câu cá trên hồ Thạch Bàn. Xa hơn một chút, khách có thể đạp xe thăm làng nghề gốm sứ La Tháp, bánh tráng Duy Châu, lăng bà Thu Bồn, di tích Đức Dục…

 

Bài và ảnh: Mai Thành Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN