TP Hồ Chí Minh mới - Bài cuối: Khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch vùng đô thị đa trung tâm

Việc sáp nhập địa giới hành chính của TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đã mở ra một cơ hội lớn để tái định vị không gian du lịch của vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm du lịch mới, sở hữu một hệ sinh thái du lịch đa dạng, phục vụ nhiều đối tượng và xu hướng trải nghiệm hiện đại.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh (mới) sẽ phát triển vùng đô thị đa trung tâm để hút khách.

Tạo thành chuỗi giá trị du lịch cao

Ngày 1/7, cả nước chính thức vận hành mô hình chính quyền hai cấp, TP Hồ Chí Minh cũng hoàn tất sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính của Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương. Điều này không chỉ thay đổi về mặt tổ chức mà còn tạo ra những tác động thực chất tới ngành du lịch, nhất là trong việc tái cấu trúc thị trường và sản phẩm ngành du lịch. 

Ngay sau khi có thông tin sáp nhập ba tỉnh, ông Phạm Anh Vũ, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Việt cho biết, doanh nghiệp đã nhanh chóng rà soát, cập nhật thông tin địa danh và làm mới các chương trình tour. Trước mặt, việc sáp nhập giúp quá trình xin phép tour liên tuyến trở của các doanh nghiệp lữ hành trở nên thuận tiện hơn. So với trước đây, khi phải làm thủ tục qua nhiều tỉnh thành vừa mất thời gian và tốn thêm nhiều chi phí. Việc sáp nhập các tỉnh cũng giúp cho việc quản lý tập trung hơn, điều này giúp doanh nghiệp dễ khai thác dữ liệu và kết nối hệ sinh thái dịch vụ liên vùng giữa các tỉnh thành phố sau sáp nhập.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh (cũ) là điểm đến khá thân thiện và ấn tượng với du khách trong và ngoài nước.

Theo ông Phạm Anh Vũ, TP Hồ Chí Minh có thế mạnh về du lịch MICE, văn hóa - ẩm thực, di sản và sự kiện quốc tế. Bà Rịa - Vũng Tàu nổi bật với biển đảo, nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf, du lịch tâm linh; Bình Dương bổ sung sắc màu công nghiệp, làng nghề và sinh thái ven sông. Cấu trúc này giúp ngành du lịch có thể thiết kế các chuỗi trải nghiệm phong phú mà không cần di chuyển xa. Từ city tour tại trung tâm TP Hồ Chí Minh, du khách có thể nối tuyến về Cần Giờ, Vũng Tàu hay Bình Dương trong thời gian ngắn.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, hạ tầng giao thông chính là chìa khóa để phát huy lợi thế liên kết vùng du lịch. Các tuyến cao tốc như TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, tuyến kết nối sân bay Long Thành đến Hồ Tràm, cùng sân bay Long Thành giai đoạn 1 giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa trung tâm và các điểm đến ven biển còn 30 - 45 phút. Với những lợi thế này, chúng tôi sẽ xây dựng sản phẩm theo các trục chủ đề, ví dụ: "Từ phố theo sông ra biển", "Holiday Road" hay "Văn hóa biển". Mỗi sản phẩm sẽ kết hợp yếu tố đô thị, sinh thái và nghỉ dưỡng trong một hành trình hợp lý.

Chú thích ảnh
Khu vực vòng xoay nhà thờ Phú Cường, tỉnh Bình Dương (cũ).

"Để đảm bảo điều hành thông suốt, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh cần có một hội đồng du lịch liên chính quyền, điều phối các chiến lược phát triển, quảng bá và xúc tiến chung. Bộ máy này cần có quyền điều phối ngân sách, hoạch định sản phẩm vùng và triển khai chính sách nhân lực đồng đều. Tuy nhiên, giai đoạn đầu, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên đồng bộ dữ liệu, hoàn thiện bộ máy Sở Du lịch của ba tỉnh và điều chỉnh thủ tục hành chính phù hợp với mô hình mới. Ngoài ra, ngành du lịch cũng khuyến khích các doanh nghiệp cần chủ động làm mới sản phẩm, tăng cường chuyển đổi số và chia sẻ nền tảng dữ liệu để phục vụ du khách tốt hơn", bà Ánh Hoa cho biết thêm.

Mặt khác, để hiện thực hóa mô hình du lịch đa trung tâm, việc tái cấu trúc bộ máy hành chính và quản trị ngành là điều kiện tiên quyết. TS. Justin Matthew Pang, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng: "Nếu không có khung quản trị chung và chiến lược tiếp thị liên vùng rõ ràng, vùng đô thị có thể trở thành "nồi lẩu thập cẩm" với các thông điệp mâu thuẫn, đầu tư chồng chéo và nguồn lực bị phân tán. Kinh nghiệm từ Vùng Vịnh Lớn (Trung Quốc) cho thấy, các đô thị có thể bị cạnh tranh lẫn nhau nếu thiếu phối hợp. TP Hồ Chí Minh có thể học hỏi mô hình quy hoạch tích hợp của Vùng đô thị Tokyo, nơi các đô thị phụ được phân định vai trò rõ ràng trong chuỗi trải nghiệm, từ đó giảm thiểu phân mảnh và nâng cao hiệu quả quảng bá. Ngoài ra, việc chia sẻ hạ tầng như sân bay, cảng biển và nguồn lao động giúp cân bằng áp lực cho trung tâm TP Hồ Chí Minh, đồng thời bảo tồn được nét đặc trưng riêng của từng khu vực".

"Về lâu dài, TP Hồ Chí Minh mở rộng có thể trở thành phòng thí nghiệm phát kiến du lịch của cả khu vực, nơi liên tục thử nghiệm mô hình mới, quy hoạch hiệu quả và phát huy tiềm năng không gian đô thị bền vững", TS. Justin Matthew Pang cho biết thêm.

Ứng dụng công nghệ, phát triển du lịch xanh

Trong quá trình kiến tạo một hệ sinh thái du lịch thông minh, bền vững, các chuyên gia cho rằng TP Hồ Chí Minh (mới) cần chú trọng phát triển hai trụ cột chiến lược: Du lịch xanh và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI).

TS. Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc tích hợp AI vào quy trình quản lý và thiết kế sản phẩm không còn là xu hướng, mà là yêu cầu cấp thiết. TP Hồ Chí Minh có thể thiết lập hệ thống bản đồ số hóa hành vi du khách, phân tích nhu cầu theo mùa, theo vùng dân cư, từ đó đưa ra gợi ý hành trình cá nhân hóa. Các điểm đến tại Bình Dương hoặc Côn Đảo cũng có thể ứng dụng AI vào quản lý vé, xếp hàng, điều phối nhân sự hoặc chăm sóc khách hàng tự động.

Chú thích ảnh
Đặc khu Côn Đảo đang là điểm đến khá hút khách.

Ngoài ra, ông Dương Minh Đức cũng đề xuất, TP Hồ Chí Minh (mới) có thể triển khai thử nghiệm các mô hình trải nghiệm ảo (VR), nhập vai số, hướng đến đối tượng du khách trẻ tuổi hoặc quốc tế. Những bảo tàng ảo, chợ truyền thống mô phỏng bằng công nghệ 3D có thể đưa vào các tuyến du lịch MICE hoặc giáo dục, tạo nên sức hút khác biệt.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Quy hoạch Phát triển Tài nguyên Du lịch, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết: “Trong thời đại du lịch gắn với trải nghiệm cá nhân hóa, dữ liệu chính là tài sản chiến lược. Nếu ba địa phương có thể xây dựng nền tảng dữ liệu dùng chung, mọi hoạt động từ quảng bá, bán tour đến chăm sóc khách đều sẽ đồng bộ và hiệu quả hơn”.

Song song với công nghệ, mô hình du lịch xanh cũng được các chuyên gia và doanh nghiệp nhấn mạnh là hướng đi không thể thiếu. Bà Nguyễn Minh Tâm, Tổng Giám đốc Six Senses Côn Đảo cho rằng: “Việc lồng ghép các giá trị môi trường vào sản phẩm du lịch như tour trồng rừng ngập mặn ở Cần Giờ, trải nghiệm kho lạnh không carbon ở Bình Dương, bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo sẽ là yếu tố then chốt để thu hút dòng khách quốc tế có trách nhiệm và dài hạn. Ngoài ra, du lịch xanh không chỉ là một khái niệm tiếp thị mà phải thể hiện rõ trong chuỗi cung ứng, từ sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, đến vận hành logistics thân thiện môi trường.

Chú thích ảnh
Du khách tham quan Di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo.

"Sắp tới, TP Hồ Chí Minh (mới) cần phát triển theo hướng du lịch xanh, du lịch bền mới mới giữ chân được nhiều du khách và lâu dài hơn. Tại đặc khu Côn Đảo du lịch xanh được đẩy mạnh quảng bá như một phần của chiến dịch truyền thông nên thu hút được nhiều đầu tư nghỉ dưỡng gắn với bảo tồn thiên nhiên. Những sản phẩm nghỉ dưỡng kết hợp hội nghị, gắn với mô hình làm việc giữa thiên nhiên, nghỉ ngơi và bảo tồn môi trường cũng hút khách nhiều nhất", bà Minh Tâm cho biết thêm.

Theo TS. Justin Matthew Pang, nếu TP Hồ Chí Minh mới biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa dữ liệu thông minh, bản sắc vùng và nguyên tắc phát triển xanh, thành phố không chỉ trở thành trung tâm du lịch của Việt Nam mà còn là hình mẫu phát triển đô thị sáng tạo, sinh thái, số hóa tại châu Á.

 

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức và Dân tộc
TP Hồ Chí Minh mới - Bài 1: Phát triển siêu đô thị du lịch sáng tạo đa trụ cột
TP Hồ Chí Minh mới - Bài 1: Phát triển siêu đô thị du lịch sáng tạo đa trụ cột

Từ ngày 1/7, TP Hồ Chí Minh chính thức sáp nhập với hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo thành TP Hồ Chí Minh mới. Đây là bước ngoặt quan trọng đánh dấu giai đoạn phát triển mới, hướng đến việc xây dựng một siêu đô thị du lịch sáng tạo, tiềm năng, không chỉ nổi bật ở khu vực phía Nam mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN