Nội dung đánh giá tập trung vào điều kiện an toàn kỹ thuật; an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn; bảo vệ môi trường; thẩm mỹ tiện nghi; đáp ứng theo quy định về thuyền viên, nhân viên phục vụ trên tàu; kiểm tra các tiêu chí quy định theo Thông báo số 31/TB-UBND ngày 16/2/2017 của UBND tỉnh Quảng Ninh; hệ thống camera giám sát; đánh giá việc chấp hành pháp luật lao động của chủ tàu, thuyền viên; các quy định, điều kiện liên quan khác…
Hiện thành phố Hạ Long đang quản lý 504 tàu du lịch (313 tàu tham quan, 189 tàu lưu trú, 2 tàu nhà hàng), trong số này có 478 tàu du lịch đang hoạt động trên vịnh Hạ Long, số còn lại hoạt động trên vịnh Bái Tử Long.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long Hồ Quang Huy cho biết: Hạ Long là điểm đến du lịch văn minh, hiện đại, thân thiện, mến khách. Tỉnh Quảng Ninh nói chung và thành phố Hạ Long nói riêng luôn coi sự an toàn của khách du lịch là ưu tiên được đặt lên hàng đầu. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách tham quan các vịnh, ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện không chấp hành quy định vận tải trên vịnh của các lực lượng chức năng, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành nghiêm pháp luật, sự tận tâm, không chủ quan của đội ngũ chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên, nhân viên trên tàu du lịch.
Từ đầu năm đến nay, thành phố Hạ Long đã có 36 tàu du lịch, 15 thuyền viên, người làm việc trên tàu bị đình chỉ hoạt động trên vịnh; xác định thời hạn hoạt động cụ thể đối với 70 tàu du lịch vỏ gỗ đóng từ năm 2002 trở về trước đã thực hiện bọc vỏ hoặc sửa chữa, thay thế vỏ; chấm dứt hoạt động đối với 41 tàu...
Đặc biệt, tháng 8/2018, thành phố Hạ Long đã ra quyết định chấm dứt hoạt động vận chuyển khách du lịch trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long đối với tàu Trang Linh QN-6419 trong năm 2018. Thuyền trưởng Nguyễn Thế Anh của tàu này cũng bị cấm làm việc trên tàu du lịch hoạt động trên vịnh thời gian 12 tháng do ngủ quên, không trực canh, trực ca theo quy định, để nước vào tàu quá nhiều, không xử lý kịp khiến tàu bị đắm hư hỏng nặng. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, tàu Linh Trang QN-6419 bị đắm, không đủ điều kiện an toàn để vận tải khách trên vịnh.
Ngoài ra, từ năm 2017 đến nay, thành phố Hạ Long đã tổ chức tiêu hủy 80 phương tiện thủy là tang vật của các vụ vi phạm các hành vi bị cấm trong Quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy di sản vịnh Hạ Long. Các phương tiện thủy bị tiêu hủy không phải là các phương tiện khai thác thủy sản mà là các phương tiện chuyên có hành vi đeo bám tàu du lịch để bán hàng rong trên vịnh Hạ Long; không có đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phương tiện không có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định, không chứng minh được quyền sở hữu hợp pháp đối với phương tiện...