Đề xuất 80 doanh nghiệp tham gia thí điểm
Theo tỉnh Kiên Giang, tính đến trưa ngày 23/9, Phú Quốc đã có 62 ca F0. Tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo thành phố Phú Quốc đã khoanh vùng, phong tỏa khu vực nguy cơ, truy vết F1, bảo vệ vùng xanh, thu hẹp vùng đỏ; xét nghiệm sàng lọc xong trong tuần này. “Dịch đã xác định được khu vực, nguồn lây nhiễm và cơ bản được kiểm soát. Việc đáng lo nhất hiện nay là chưa có vaccine để tiêm cho người dân. Mặc dù Bộ Y tế đã đồng ý phân bổ cho Phú Quốc 300.000 liều nhưng đến nay vaccine vẫn chưa về tới Phú Quốc vì chờ kiểm định. Cho đến giờ, Phú Quốc đã tổ chức tiêm vaccine mũi 1 cho công dân (từ 18 tuổi trở lên) được gần 37.000 liều, đạt 35% và mũi 2 gần 8.000 liều, đạt hơn 6% dân số”, ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết.
Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết: “Việc phát hiện các trường hợp F0 ngay trước thời điểm dự kiến mở cửa Phú Quốc đón khách quốc tế bằng hộ chiếu vacine là một bài học kinh nghiệm để Phú Quốc truy vết F0, F1; đưa ra kịch bản tốt nhất trong tình huống bùng phát dịch bệnh. Hiện nay cần nhất là nhận được vaccine sớm để triển khai tiêm cho người dân, người lao động, đẩy nhanh miễn dịch cộng đồng”.
Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết: “Sở Du lịch đã rà soát và đề xuất 80 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ tham gia đón khách quốc tế đến Phú Quốc, trong đó có 19 cơ sở lưu trú với hơn 7.800 phòng, 5 đơn vị lữ hành, 7 khu vui chơi giải trí…. Việc tổ chức phân luồng, tuyến để phục vụ khách quốc tế, dự kiến có 3 tuyến chính từ sân bay Phú Quốc tới các khu lưu trú, quãng đường từ 10- 30km. Các điểm tham quan dự kiến, ngoài các khu vui chơi trong khu lưu trú, khách quốc tế cũng được tham gia các khu vui chơi của VinGroup, SunGroup và các đảo phía Nam An Thới. Khách tham quan ở các khu riêng biệt với các khung giờ cụ thể, chỉ dành cho khách quốc tế”.
Dự thảo kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc của tỉnh cũng đã được gửi đến Tổng cục Du lịch, Ban Kinh tế ngân sách (HĐND tỉnh), các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND thành phố Phú Quốc, Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang, Hội đầu tư, phát triển du lịch Phú Quốc, các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch để lấy ý kiến, hoàn thiện trước khi trình UBND tỉnh ban hành. Đồng thời, hoàn thiện dự thảo để gửi xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan. Sở cũng đã tham mưu tỉnh thành lập Tổ công tác liên ngành và Tổ giúp việc thực hiện Kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc. Chủ tịch tỉnh Kiên Giang và Thứ trưởng Đoàn Văn Việt là Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành, Chủ tịch thành phố Phú Quốc là Tổ trưởng Tổ giúp việc
Kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang quy định cụ thể quy trình, tiêu chuẩn đón khách quốc tế; phương án xử lý các tình huống phát sinh; kế hoạch truyền thông cho sự kiện này; xây dựng kế hoạch tập huấn cho người lao động, nhân viên của các đơn vị cung ứng dịch vụ về những biện pháp đón khách an toàn, quy trình dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin trong đón tiếp khách…
Trong đó, tỉnh phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức thẩm định, đánh giá, lựa chọn, công bố danh sách các đơn vị cung ứng đủ tiêu chí đón tiếp khách; Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan về hướng dẫn quy trình xuất nhập cảnh, công nhận hộ chiếu vaccinen của khách, thông tin đến các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài và cơ quan nước ngoài tại Việt Nam để truyền thông về Kế hoạch này; thông báo tới các hãng hàng không và truyền thông tới khách quốc tế...
Xác định thị trường khách
Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng, việc mở lại thị trường quốc tế, thí điểm ở Phú Quốc đang thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước, đặc biệt là mấy ngày gần đây, việc xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 ở Phú Quốc làm dấy lên những lo ngại. Vì vậy, thời điểm mở cửa và chuẩn bị các điều kiện để đón khách trở lại an toàn, hiệu quả cần phải tính toán, cân nhắc kỹ, không phải chỉ là đón khách quốc tế mà cả đón khách nội địa thời gian tới.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Tổng cục đã thành lập một tổ công tác triển khai kế hoạch thí điểm do Tổng cục trưởng làm tổ trưởng, có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Tổng cục, lãnh đạo các Vụ, đơn vị chức năng liên quan thuộc Tổng cục. Ttỉnh Kiên Giang đã bám sát kế hoạch của Bộ VHTTDL để tiếp tục cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch chi tiết, trong đó tập trung vào 7 nhóm việc chủ yếu: Lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ phục vụ khách du lịch quốc tế; Xây dựng quy trình đón, phục vụ khách; Công bố thông tin đến các thị trường khách mục tiêu; Phương án xử lý sự cố y tế phát sinh; Tổ chức tập huấn các biện pháp an toàn phòng, chống dịch; Tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Tỉnh Kiên Giang tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện kế hoạch chi tiết để tiếp tục sớm lấy ý kiến các bên liên quan.
Về quy trình, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết:“Để đón khách quốc tế thí điểm thực hiện theo quy trình khép kín, có kiểm soát và có các tiêu chí rất chi tiết. Đặc biệt là phải chuẩn bị tốt thị trường, làm việc với các công ty lữ hành, kết nối với các TA (đơn vị gửi khách) và TO (đơn vị điều hành tại điểm đến), yêu cầu có hồ sơ đăng ký tham gia, trong đó cam kết việc có khách đến.
Khẳng định việc thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc sẽ là bước khởi động lại cho ngành du lịch Việt Nam, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) đề nghị xây dựng bộ nhận diện hình ảnh và thông điệp cho chương trình này. Các đơn vị tham gia đẩy mạnh truyền thông trong và ngoài nước, đặc biệt là trên các kênh truyền thông quốc tế, cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài, cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, đối tác nước ngoài. Trong đó, đề xuất chương trình khởi động với tiêu đề “Roam Phu Quoc” (Du ngoạn Phú Quốc), hướng đến các thị trường khách mục tiêu của Việt Nam là Đông Bắc Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Australia.
Liên quan đến ứng dụng công nghệ phục vụ đón khách quốc tế, ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch cho biết Tổng cục Du lịch đã xây dựng ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn, trong đó tích hợp hệ thống đăng ký và khai báo an toàn COVID-19 đối với các cơ sở kinh doanh du lịch. Hiện nay trên hệ thống ghi nhận gần 14.000 doanh nghiệp đã đăng ký và khai báo. Tỉnh Kiên Giang tiếp tục đôn đốc các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tích cực triển khai việc đăng ký và nhất là khai báo an toàn COVIID-19 thường xuyên hàng ngày theo chỉ đạo của Bộ VHTTDL.
Hệ thống chứng nhận tiêm chủng vaccine cho khách quốc tế cũng đã được tích hợp trong ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn. Hệ thống này được xây dựng tương thích với tiêu chuẩn châu Âu, có thể liên thông với các ứng dụng của các bên lãnh sự, xuất nhập cảnh, hàng không… để phục vụ đón khách du lịch quốc tế. Tổng cục Du lịch đã sẵn sàng tiến hành tập huấn sử dụng các ứng dụng công nghệ cho các cơ quan chức năng, doanh nghiệp du lịch ở Kiên Giang, Phú Quốc để triển khai kế hoạch đón khách trong thời gian tới.
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 nên thông tin về việc đón khách quốc tế đến Phú Quốc phải chính xác, đầy đủ, liên tục cập nhật và triển khai truyền thông sớm để các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, đối tác lữ hành ở nước ngoài có thời gian chuẩn bị, khách du lịch có nhiều thời gian lựa chọn, người dân chuẩn bị tâm lý sẵn sàng. Việc tổ chức quảng bá rộng rãi về chương trình đón khách tới Phú Quốc thực hiện trên các kênh truyền thông, mạng xã hội, cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ, quảng bá tại điểm đến, tổ chức đón đoàn khách đầu tiên… để đảm bảo Kế hoạch đạt hiệu quả cao nhất. Quan trọng là phải có khách đến Phú Quốc khi mở cửa trở lại.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đánh giá: “Căn cứ vào tình hình tiêm vaccine hiện nay ở Phú Quốc và những diễn biến mới của dịch bệnh, Bộ thống nhất với tỉnh Kiên Giang xác định thời gian thử nghiệm thí điểm đón khách từ trung tuần tháng 11 vì đây là thời điểm khách quốc tế đi du lịch đông. Việc thí điểm đón khách đến Phú Quốc sẽ quyết định giai đoạn hồi phục tiếp theo của du lịch Việt Nam. Hiện nay, nhiều địa phương quan tâm đến kế hoạch này để từ mô hình này có thể áp dụng ở địa phương mình nên việc chuẩn bị cho Phú Quốc sẽ là quy trình cho các địa phương khác trên cả nước. Phú Quốc và Kiên Giang chủ động hơn với những tình huống phát sinh và có phương án xử lý cụ thể để đảm bảo việc mở cửa trở lại an toàn, hiệu quả. Dịch bệnh liên tục có diễn biến mới, chưa biết bao giờ kết thúc và kết thúc như thế nào nên cần phải chuẩn bị giải pháp để chung sống với dịch.
Về mô hình đón khách khép kín, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết: Có 4 yếu tố quan trọng: tiêm đủ vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng; chứng nhận tiêm chủng vaccine; quy trình y tế phòng chống dịch; và năng lực chăm sóc sức khỏe, xử lý sự cố y tế. Tỉnh Kiên Giang cần quan tâm xây dựng kế hoạch, phối hợp với các bộ ngành, cơ quan liên quan để bảo đảm thực hiện 4 yếu tố trên.