Thêm hai điểm được công nhận Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 10/7, tại Hội nghị sơ kết Chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm Cụm phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đã công bố và trao Quyết định công nhận thêm hai điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long là Di tích danh thắng Ao Bà Om và Điểm du lịch sinh thái Huỳnh Kha.

Chú thích ảnh
Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long trao Quyết định công nhận Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long Di tích danh thắng Ao Bà Om và Điểm du lịch sinh thái Huỳnh Kha. 

Di tích danh thắng Ao Bà Om có diện tích hơn 300 ha, tọa lạc tại Phường 8, thành phố Trà Vinh, cách trung tâm tỉnh lỵ hơn 5 km về hướng Tây Nam và cách Quốc lộ 53 hơn 500 m về hướng Đông. Điểm ấn tượng khi đến đây là rừng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi bao bọc xung quanh ao. Nhiều gốc cây có hình dạng rất kỳ lạ. Đây là danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh nói riêng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Điểm du lịch sinh thái Huỳnh Kha có tổng diện tích trên 57.000 m2, tọa lạc tại đường Chu Văn An, ấp Long Bình, Phường 4, thành phố Trà Vinh. Đến với Điểm du lịch sinh thái Huỳnh Kha, du khách được trải nghiệm những sản phẩm dịch vụ đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hóa của Trà Vinh như: ẩm thực, cà phê, nhà hàng sinh thái với sức chứa trên 1.000 khách, tích hợp khuôn viên có không khí trong lành, mát mẻ và cùng khu vui chơi vận động dưới nước, các trò chơi dân gian.

Như vậy, đến nay, tỉnh Trà Vinh có 4 Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Khu Di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Long Đức, thành phố Trà Vinh); Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành); Di tích danh thắng Ao Bà Om và Điểm du lịch sinh thái Huỳnh Kha.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình cho biết, tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch; trong đó du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh là một trong những sản phẩm khác biệt so với các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Với sự cộng cư lâu đời của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Trà Vinh đã hình thành nền văn hóa đa sắc tộc với nhiều lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm thu hút hàng chục nghìn lượt khách tham quan. Cùng với đó, sự giao thoa và tiếp biến văn hóa đã tạo cho văn hóa ẩm thực của tỉnh có những nét riêng biệt, được tổng hợp và kế thừa từ văn hóa ẩm thực của các dân tộc với nhiều đặc sản, món ngon nổi tiếng để du khách trải nghiệm. Trà Vinh còn có nhiều cù lao, cồn nổi ven sông, ven biển với những vườn cây ăn trái chuyên canh là lợi thế để phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và du lịch nghỉ dưỡng…

Ngành Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long có những chuyển biến tích cực và phục hồi sau COVID-19. Tổng doanh thu du lịch 6 tháng qua của Cụm phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long đạt 4.340 tỷ đồng, bằng 69,24% kế hoạch năm 2023 và tăng 190% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng lượt khách 6 tháng đạt hơn 6,3 triệu lượt, bằng 65,76% kế hoạch năm 2023 và tăng 151,77% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, khách quốc tế 417.000 lượt.

Tin, ảnh: Thanh Hòa (TTXVN)
Thị trường bất động sản Quảng Ninh 'ấm lên' mùa cao điểm du lịch nghỉ dưỡng
Thị trường bất động sản Quảng Ninh 'ấm lên' mùa cao điểm du lịch nghỉ dưỡng

Với mục tiêu mang đến cho du khách những trải nghiệm tốt nhất trong mùa du lịch hè 2023, tỉnh Quảng Ninh đang khẩn trương đưa vào các sản phẩm du lịch mới, kết hợp với phát triển thị trường bất động sản để nâng cao chất lượng dịch vụ, xúc tiến quảng bá, thu hút du khách trong và ngoài nước tới điểm đến vùng Đông Bắc này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN