Cụ thể, Nghị quyết quy định phí tham quan một lượt với mỗi khách với Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là 70.000 đồng; di tích đền Ngọc Sơn 50.000 đồng; di tích Nhà tù Hỏa Lò 50.000 đồng; Trung tâm Hoàng thành Thăng Long 100.000 đồng; di tích Cổ Loa 30.000 đồng; di tích chùa Hương 120.000 đồng (trong đó có 2.000 đồng bảo hiểm khách du lịch); di tích đền Quán Thánh 10.000 đồng; làng cổ Đường Lâm 20.000 đồng; chùa Thầy 10.000 đồng; chùa Tây Phương 10.000 đồng.
Trước đó, Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội về việc ban hành các quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn thành phố thuộc thẩm quyền Quyết định của HĐND thành phố quy định phí tham quan mỗi lượt của một khách như sau: Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là 30.000 đồng; di tích đền Ngọc Sơn 30.000 đồng; di tích Nhà tù Hỏa Lò 30.000 đồng; Trung tâm Hoàng thành Thăng Long 30.000 đồng; di tích Cổ Loa 10.000 đồng; di tích chùa Hương cao nhất 78.000 đồng...
Như vậy, với việc HĐND thành phố Hà Nội thông qua nghị quyết này, hầu hết phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội đều đã tăng giá. Ngoài ra, về quản lý sử dụng phí, Nghị quyết quy định, đối với các di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò, Ban Quản lý di tích và danh thắng, và di tích thuộc Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long (Khu Hoàng thành và di tích Cổ Loa), đơn vị thu phí được giữ lại 90%, nộp ngân sách nhà nước 10%.
Đối với di tích chùa Hương, đơn vị thu phí nộp ngân sách nhà nước 85% (bao gồm kinh phí tôn tạo, tu bổ khu di tích và kinh phí tổ chức lễ hội cho Ban tổ chức lễ hội, xã Hương Sơn); để lại cho đơn vị thu phí 15%. Đối với đền Quán Thánh, chùa Thầy, chùa Tây Phương, nộp ngân sách nhà nước 100%. Đối với Làng cổ Đường Lâm, 100% phí tham quan được để lại cho đơn vị thu phí.
Nghị quyết cũng quy định, không thu phí Ngày Di sản văn hóa 23/11 đối với tất cả di tích; không thu phí ngày giỗ Thánh 20/8 âm lịch, các ngày mồng Một âm lịch hàng tháng trong năm tại di tích đền Ngọc Sơn; không thu phí ngày 30 và mồng 1, 2 Tết Nguyên đán, ngày lễ Phật Đản (15/4 âm lịch) tại chùa Hương; không thu phí các ngày 30 tháng Chạp âm lịch, ngày mùng 1, 2 Tết Nguyên đán tại đền Quán Thánh, chùa Tây Phương, chùa Thầy, làng cổ Đường Lâm.
Chiều cùng ngày, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về thành lập, đặt tên thôn, tổ dân phố mới thuộc các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội trong năm 2023. Theo đó, thành phố sẽ thành lập 12 tổ dân phố mới từ các khu vực dân cư mới hình thành (gồm 5 tổ dân phố tại quận Cầu Giấy; 1 tổ dân phố tại quận Long Biên và 6 tổ dân phố tại quận Tây Hồ).
Thành phố cũng thành lập 8 tổ dân phố mới trên cơ sở chia tách 4 tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình lớn (2 tổ dân phố tại quận Hoàng Mai và 6 tổ dân phố tại quận Nam Từ Liêm). Ngoài ra, tại các quận Nam Từ Liêm, Tây Hồ và huyện Chương Mỹ cũng sẽ thành lập 6 thôn, tổ dân phố mới trên cơ sở sáp nhập từ 11 thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình nhỏ. Như vậy, dự kiến sau khi thực hiện việc kiện toàn, toàn thành phố sẽ có 5.441 thôn, tổ dân phố (2.362 thôn, 3.079 tổ dân phố).
Bên cạnh đó, HĐND thành phố Hà Nội cũng thông qua các Nghị quyết quy định về chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức xã, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư, nghỉ công tác do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư, nghỉ công tác do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nghị quyết quy định chức danh, cơ cấu, mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn; ở thôn, tổ dân phố; mức phụ cấp hàng tháng, mức hỗ trợ kiêm nhiệm đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, mức hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với hội người cao tuổi, hội chữ thập đỏ xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội.