Theo ông Thắng, việc kinh doanh tàu du lịch nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long chủ yếu phục vụ khách quốc tế, chiếm 92% tổng lượng khách, còn lại 8% là khách nội địa trong nước.
Đại dịch COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp này gần như không có khách phục vụ trong suốt nhiều tháng qua. Mặc dù từ ngày 1/5, Quảng Ninh đã mở cửa lại dịch vụ du lịch song khách du lịch quốc tế vẫn chưa có. Bên cạnh đó, từ tháng 9 đến cuối năm là mùa du lịch thấp điểm, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tàu du lịch nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long đang phải đối mặt với nguy cơ giải thể, phá sản.
Trước đó, hồi giữa tháng 5/2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã thông qua gói kích cầu du lịch trị giá 200 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ miễn phí vào các điểm tham quan cho tất cả các khách du lịch (cả trong nước và quốc tế) tham quan vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, chính sách này lại không áp dụng với với các khách du lịch sử dụng dịch vụ tàu du lịch nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long. Vắng khách khiến các doanh nghiệp tàu du lịch nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long phải giảm giá mạnh. Cá biệt có doanh nghiệp giảm đến gần 60% giá dịch vụ, với chi phí chỉ còn khoảng 2 triệu đồng/người cho một hành trình nghỉ dưỡng trọn gói 2 ngày, 1 đêm trên vịnh Hạ Long. Trong đó, chi phí nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long phải trả cho ngân sách nhà nước là 590 ngàn đồng, doanh thu mỗi khách doanh nghiệp chỉ thu về hơn 1,2-1,5 triệu đồng (gồm cả chi phí ăn uống 3 bữa, phòng nghỉ, phí tham quan các điểm du lịch).
Bà Mai Nguyễn, một chủ tàu một hãng tàu nổi tiếng ở vịnh Hạ Long cho biết: Hiện nay, đội tàu du lịch nghỉ đêm trên vịnh của hãng chỉ khai thác được 10% công suất. Một tháng, đội tàu chỉ chạy được 4 ngày, mỗi tuần chỉ chạy vào thứ Bảy. Với giá dịch vụ giảm tới 60%, thời gian khai thác 4 ngày trong tháng, doanh nghiệp chỉ đủ tiền để trả lương nhân viên phục vụ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, khi bước vào mùa thấp điểm du lịch, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch nghỉ đêm đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Do vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung nghiên cứu các chính sách, trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét thông qua, để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp này có thể cầm cự đến hết năm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phân tích: Nếu không kịp thời có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh tàu nghỉ đêm trên vịnh, các doanh nghiệp sẽ bị giải thể, phá sản. Như vậy, khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế trở lại, Quảng Ninh sẽ thiếu vắng loại hình dịch vụ du lịch độc đáo này. Hoặc nếu có, chất lượng dịch vụ sẽ bị suy giảm, làm ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Ông Bùi Công Hoan, Phó Chủ tịch Chi hội tàu du lịch Hạ Long đề xuất: Trước khó khăn của đội tàu du lịch nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long, Chi hội mong muốn tỉnh Quảng Ninh sớm có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, trước hết là hỗ trợ về phí tham quan các điểm du lịch trên vịnh, phí nghỉ đêm trên vịnh và giảm thuế với du khách tham quan nghỉ đêm.
Ông Hoan đề nghị, các ngân hàng thương mại xem xét, có chính sách giãn thời gian trả vốn vay gốc và lãi hàng tháng đối với các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch nghỉ đêm. Nếu các ngân hàng không cơ cấu lại việc vốn vay đối với các doanh nghiệp này, chỉ trong thời gian ngắn sắp tới, nguy cơ các doanh nghiệp bị giải thể, phá sản là hiện hữu.
Với cam kết sẽ sớm có chính sách hỗ trợ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kêu gọi các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch cùng hưởng ứng có những chính sách tốt nhất, đồng bộ nhất dành cho khách du lịch khi đến với Quảng Ninh; có nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, trước hết là tập trung vào thị trường khách du lịch nội địa, quảng bá tốt hình ảnh du lịch Quảng Ninh là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn.