Sản phẩm du lịch Việt Nam - làm mới chính mình: Bài 3: Quà lưu niệm: Vẫn loay hoay

Khi đến bất kỳ một quốc gia hay một điểm du lịch nào, tâm lý du khách rất muốn mua quà lưu niệm mang tính đặc trưng về giới thiệu và tặng bạn bè. Nhu cầu là vậy nhưng thực tế chúng ta đang bỏ lỡ một thị trường tiềm năng và đang thua ngay trên sân nhà.

 

Tràn ngập hàng lưu niệm Trung Quốc


Khi được hỏi ông Bernard Francois Curralle (Pháp) mua quà lưu niệm gì khi đến Việt Nam? “Thực tình tôi cũng không biết mua gì vì tìm hiểu trên sách báo, sách hướng dẫn đều giới thiệu Việt Nam có nhiều hàng thủ công nhưng biểu trưng cụ thể thì không chỉ rõ. Tuy nhiên hình ảnh đập vào mắt tôi là hình ảnh áo dài, nón lá nên tôi và vợ quyết định mua áo dài tại Huế, còn nón lá quá to và cồng kềnh khi đi máy bay nên không mang theo được”, ông Bernard tâm sự.


Còn khi được hỏi mua những gì tại Hà Nội, ông Bernard chỉ mua được mấy cái áo, còn đồ lưu niệm theo kinh nghiệm thì toàn là đồ… Trung Quốc. Anh Phạm Hoàn Tấn, HDV cho biết: “Khi khách hỏi mua hàng lưu niệm mang đậm chất Việt Nam, thường thì tôi vẫn khuyên họ mua một số đồ khảm trai, thêu, tranh sơn dầu.

Khách chọn mua hàng lưu niệm tại Nha Trang.

 

Những đồ này thì có thể đảm bảo có nguồn gốc từ Việt Nam, còn những thứ khác thì phần lớn xuất xứ từ Trung Quốc, thậm chí đến cả làng nghề du lịch nổi tiếng Bát Tràng và lụa Hà Đông còn lẫn hàng Trung Quốc và thông tin này khá phổ biến trên các diễn đàn du lịch thì khó có thể lấy được lòng tin của khách quốc tế”.


Đi khắp các điểm du lịch trên cả nước, việc tìm mua được quà lưu niệm mang đặc trưng của địa phương đó rất khó. “Chính vì vậy, đối với nhiều du khách nội địa, để chắc ăn họ thường mua đặc sản của địa phương làm quà, trong khi đồ lưu niệm chỉ mua quần áo in biểu tượng và tên danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, giá trị kinh tế đồ này thường thấp trong khi Việt Nam nổi tiếng với nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ. Sự chậm trễ trong việc không định ra ngay biểu tượng du lịch và quà lưu niệm tại các điểm đến ở từng địa phương cũng như ở tầm quốc gia đang làm mất đi nguồn thu ngoại tệ không nhỏ, đó là chưa kể việc bỏ lỡ cơ hội quảng bá hình ảnh du lịch thông qua chính những đồ lưu niệm này”, ông Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho hay.


Trên thực tế, do chưa có mẫu chung về quà lưu niệm mang tính biểu tượng chung nên mỗi ngành, mỗi địa phương chọn một biểu tượng riêng. “Từ năm 2009, Tổng cục Du lịch có khuyến khích các địa phương trọng điểm về du lịch tổ chức các cuộc thi mẫu thiết kế để chọn biểu tượng về quà, đồ lưu niệm du lịch mang tính gọn nhẹ và làm nổi bật đặc trưng, truyền thống, con người, danh thắng tại địa phương. Trong số này, chỉ có tỉnh Quảng Nam làm khá tốt”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Vụ phó Vụ Lữ hành cho biết.


Ông Trần Nhất Hoàng, Giám đốc Trung tâm xúc tiến văn hóa, thể thao và du lịch cho biết: “Du lịch Việt Nam đang rất thiếu các mẫu quà tặng, đồ lưu niệm mang tính đặc trưng. Các mẫu quà tặng thời gian qua chủ yếu dựa vào lực lượng tư nhân vừa thiết kế, vừa sản xuất nên thực sự chất lượng chưa được đảm bảo. Ở nhiều nước trên thế giới, quà tặng du lịch dù to hay nhỏ, tinh xảo hay đơn giản đều thể hiện được nét đặc trưng nhất của đất nước đó, khiến du khách rất thích thú và nhớ lâu. Ví dụ như quà của Paris (Pháp) là tháp Effel; Đan Mạch có nàng tiên cá; Bỉ là tượng cậu bé đang tè; Mianma có rối tay...”.

 

Sự chuyên nghiệp của Thái Lan


Trong khu vực, việc quảng bá hình ảnh du lịch địa phương thông qua quà tặng có lẽ nổi bật hơn cả là Thái Lan. Để du khách nhớ lâu và chi tiêu mạnh tại các điểm đến, Thái Lan đề ra chiến lược "Mỗi làng nghề một sản phẩm du lịch". Trong chuyến khảo sát du lịch Thái dành cho doanh nghiệp lữ hành và báo chí Việt Nam, điều khá thú vị khi chúng tôi đến Chanthaburi là món quà lưu niệm mà ngành du lịch Thái gửi tới khách là những chiếc hộp xinh xắn được làm từ cói và nghề dệt cói tại đây lại do chính người Việt Nam mang sang từ đời vua Rama III (khoảng năm 1832). Nay dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân Thái, các sản phẩm thủ công làm từ cói như: Chiếu, thảm, hộp đựng khăn giấy, hộp đựng đồ trang sức… mang đặc trưng truyền thống của Thái Lan và đang trở thành những món quà lưu niệm được khách du lịch yêu thích. Tại các điểm đến, đại diện du lịch địa phương Thái Lan luôn chú trọng những đồ lưu niệm mang tính truyền thống và được giới thiệu chi tiết trong tờ rơi về ý nghĩa, tạo sức hấp dẫn với du khách.


Các địa phương và ngành du lịch của Việt Nam cũng nhận thấy điểm yếu này nên trong khoảng hai năm trở lại đây đã tổ chức các cuộc thi thiết kế mẫu quà tặng, chọn biểu tượng du lịch để làm căn cứ cho các cơ sở sản xuất thủ công chế tác. Đơn cử như Hà Nội, sau nhiều lần phát động cuộc thi, chọn mẫu, Sở VH,TT&DL Hà Nội đã chọn biểu tượng “Khuê văn các” tại Văn Miếu làm biểu tượng du lịch Hà Nội. “Tuy nhiên, do kinh phí còn hạn hẹp nên nhiều đơn vị làm du lịch tại Thủ đô chưa biết biểu tượng này, chính vì vậy cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, nhất là ở các làng nghề để xây dựng đồ lưu niệm bằng các chất liệu sao cho vừa đẹp, vừa gọn nhẹ và đặc biệt là có tính đặc trưng để du khách có thể mang thuận tiện khi xuất cảnh. Bên cạnh đó cần phải đẩy mạnh truyền thông, để du khách có thể nhận diện đó là đặc trưng của Hà Nội và sẵn sàng chi tiền để mua sản phẩm đó làm quà”, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội cho biết.


Sự yếu kém trong vấn đề đồ lưu niệm còn do tính manh mún của từng địa phương mà chưa có đề án quy mô cấp quốc gia về vấn đề này tạo sự thống nhất và huy động sức mạnh quảng bá. Thực tế, hiện địa phương nào mạnh địa phương đó làm. Do ngân sách hạn hẹp nên Tổng cục Du lịch mới chỉ hỗ trợ phát động cuộc thi tại 4 tỉnh, thành: Quảng Nam, Lâm Đồng, TP.HCM, Lào Cai để chọn ra mẫu tiêu biểu. Mới đây Văn phòng UNESCO Hà Nội vừa phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức khởi động dự án “Hỗ trợ phát triển sản phẩm thủ công dấu ấn tại điểm di sản thế giới” dự kiến chọn tại 5 làng nghề (Kim Bồng, Thanh Hà, đất nung Lê Đức Hạ, Duy Quá, lồng đèn) để phát triển thành sản phẩm có dấu ấn và định hướng sơ bộ về mạng lưới đầu ra cho sản phẩm tại các điểm di sản Hội An, Mỹ Sơn. Việc chậm chọn mẫu biểu tượng đồ lưu niệm khiến ngành du lịch Việt Nam thiếu những sản phẩm đặc trưng và bỏ lỡ nguồn thu không nhỏ từ việc bán hàng thủ công tại các điểm du lịch.

 

Bài và ảnh: Xuân Cường
Bài cuối: Sử dụng logo và slogan mới sao cho hiệu quả

Sản phẩm du lịch Việt Nam - làm mới chính mình: Bài 2: Hướng dẫn viên: Thiếu và yếu
Sản phẩm du lịch Việt Nam - làm mới chính mình: Bài 2: Hướng dẫn viên: Thiếu và yếu

Theo Tổng cục Du lịch, tính đến nay, cả nước có gần 10.000 hướng dẫn viên du lịch (HDV); trong đó HDV quốc tế hơn 6.300 người, HDV nội địa hơn 3.600 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN