Sản phẩm du lịch Việt Nam - làm mới chính mình: Bài 2: Hướng dẫn viên: Thiếu và yếu

Theo Tổng cục Du lịch, tính đến nay, cả nước có gần 10.000 hướng dẫn viên du lịch (HDV); trong đó HDV quốc tế hơn 6.300 người, HDV nội địa hơn 3.600 người. Trên thực tế, số lượng HDV còn lớn hơn nhiều do nhiều doanh nghiệp sử dụng HDV không thẻ và một số người nước ngoài ở Việt Nam đang làm HDV “chui”. Tuy nhiên, lực lượng HDV của ngành du lịch Việt Nam vẫn bị đánh giá là vừa thiếu và yếu.

 

HDV được coi là đại diện của doanh nghiệp lữ hành


Với nhiều khách quốc tế, HDV là đại diện cho doanh nghiệp lữ hành đón khách từ sân bay hay cửa khẩu. Họ sẽ theo khách suốt hành trình, vừa giới thiệu về điểm đến vừa lo công tác tổ chức các dịch vụ sao cho suôn sẻ. Do đó, sự chuyên nghiệp của HDV ảnh hưởng lớn đến uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp du lịch.
Trước nhu cầu về lượng khách đến Việt Nam tăng trong thời gian qua, đội ngũ HDV đã tăng nhanh về số lượng và đa dạng hơn về ngôn ngữ, tuy nhiên vẫn không đáp ứng đủ, đặc biệt trong mùa du lịch và với những thị trường đòi hỏi ngôn ngữ hiếm như Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Thái Lan... Điều này đã đẩy các công ty lữ hành vào 2 sự lựa chọn: Chỉ sử dụng những HDV có chất lượng hoặc sử dụng tất cả lực lượng có trong tay (kể cả những người chưa có sự chuẩn bị kỹ càng cho chuyến đi). Trên thực tế, chỉ một số các công ty lữ hành lấy uy tín, chất lượng làm tiêu chí hoạt động mới đủ bản lĩnh để lựa chọn phương án đầu tiên.


 

HDV hướng dẫn du khách tham gia hoạt động trò chơi team building.

 

Phần lớn các công ty lữ hành hiện nay, vì lý do hiệu quả kinh tế nên chủ yếu sử dụng đội ngũ cộng tác viên. Xu thế này dẫn đến tình trạng gia tăng nhanh chóng lực lượng HDV hành nghề tự do (Free - lance Guide) không chịu sự quản lý của bất kỳ tổ chức nghề nghiệp nào. Điều này đồng nghĩa khó kiểm soát được chất lượng.
Ông Đỗ Đình Cương, Công ty Travel Support, cho rằng: “Loại trừ những trường hợp không được đào tạo nghiệp vụ thì ngay cả những HDV được đào tạo cơ bản ở các cơ sở đào tạo chuyên ngành cũng chỉ mới có những kiến thức, kỹ năng cơ bản chưa đủ đảm bảo chất lượng hoạt động hướng dẫn du lịch trên thực tế. Sự đa dạng của đối tượng khách du lịch với những nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao; không gian hoạt động, chủ đề khác nhau của mỗi chuyến đi luôn là những thách thức lớn đối với người hướng dẫn, đòi hỏi họ phải luôn chủ động bổ sung, cập nhật thông tin và tích lũy kiến thức, hoàn thiện kỹ năng. Chính vì vậy, một khi kiến thức đã thiếu thì việc cung cấp thông tin sai lệch và xử lý tình huống không chuẩn để xảy ra sự cố là điều không tránh khỏi. Tình trạng này là phổ biến và bị khách phàn nàn nhiều nhất”.


“Mặt trái của cơ chế thị trường tác động không nhỏ đến cách hành xử của HDV. Hiện tượng “chăn dắt” khách, bớt xén tiêu chuẩn, cắt xén hoặc thay đổi chương trình tour đã thỏa thuận, thậm chí tổ chức những dịch vụ ngoài luồng (kể cả những tour du lịch) mà không tính đến hậu quả xảy ra không ít và là một phần của nguyên nhân khách hàng khiếu kiện cũng như của một số sự cố đáng tiếc trong thời gian vừa qua”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Vụ phó Vụ Lữ hành cho biết.


Trên thực tế, trước sức ép về lượng khách mùa cao điểm, nên dù không phổ biến nhưng một số công ty lữ hành nhỏ vẫn sử dụng HDV chưa có thẻ và một số trường hợp đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt. Nguyên nhân của tình trạng này có khi do thiếu kiến thức pháp luật, cũng có khi do biết nhưng cố tình vi phạm và cũng một phần do bất cập nằm trong bản thân qui định luật pháp.

 

 

HDV giới thiệu những thông tin điểm đến trên xe.

 

Cần giám sát và thường xuyên bồi dưỡng

 

Hiện nay đội ngũ HDV tự do chỉ bị ràng buộc bởi hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp trong một thời hạn nhất định với những điều khoản (đặc biệt là chế tài) chưa đủ chặt chẽ để đảm bảo chất lượng của hoạt động hướng dẫn, càng không thể xử phạt một khi có sự cố xảy ra trong chuyến đi. Mặt khác, do phải di chuyển thường xuyên nên đội ngũ HDV không được thường xuyên định hướng, hướng dẫn và bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ hướng dẫn du lịch. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đội ngũ HDV.


Để bổ sung nguồn nhân lực cho đội ngũ HDV còn thiếu, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng: Đối tượng sinh viên cao đẳng chuyên ngành hướng dẫn cần đưa vào điều kiện cấp thẻ. Hiện họ chỉ được cấp thẻ HDV nội địa nhưng nếu đạt chuẩn ngoại ngữ có thể cấp thẻ HDV quốc tế. Chính sách chưa rõ ràng với đối tượng được đào tạo chuyên ngành này đang làm lãng phí nguồn nhân lực vốn đang thiếu hụt trong ngành du lịch”.


“Xét về bản chất, người HDV giỏi trước hết là một “người thợ” giỏi nghề hướng dẫn chứ không phải là một nhà nghiên cứu. Mà trong lĩnh vực đào tạo “thợ” thì các trường cao đẳng luôn có ưu thế”, ông Đỗ Đình Cương cho biết.


Trên thực tế, các cơ quan quản lý mới chỉ giám sát và xử phạt được một số vi phạm như hành nghề không có thẻ, không có hợp đồng tour... hoặc khi có khiếu nại của khách. Những yếu kém liên quan đến kiến thức, kỹ năng và một phần của đạo đức nghề nghiệp thì khó có thể giám sát và xử phạt. Hiện ngành du lịch mới chỉ giải quyết vấn đề “ngọn”, nghĩa là khi sự việc đã xảy ra. Còn vấn đề cốt lõi là hình thành một đội ngũ HDV có chất lượng (thông qua cơ chế giám sát hiệu quả, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp) để hạn chế vi phạm vẫn chưa giải quyết được và với lực lượng và cơ chế quản lý như hiện nay thì điều này là không thể.

 

Bài và ảnh: Xuân Minh

Bài 3: Quà lưu niệm: Vẫn loay hoay

Sản phẩm du lịch Việt Nam - làm mới chính mình-Bài 1: Nhà vệ sinh: Chuyện nhỏ hóa lớn
Sản phẩm du lịch Việt Nam - làm mới chính mình-Bài 1: Nhà vệ sinh: Chuyện nhỏ hóa lớn

Khách du lịch đến Việt Nam đều chung nhận xét: Phong cảnh thiên nhiên thật đẹp, có bề dầy lịch sử văn hóa. Tuy nhiên, dịch vụ nghèo nàn, rất ít đồ để mua sắm, cơ sở hạ tầng yếu kém.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN