Quy hoạch lễ hội, nên bắt đầu từ đâu?

Theo thống kê, Việt Nam có gần 8.000 lễ hội, tính trung bình 1 ngày có khoảng 20 lễ hội lớn nhỏ khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức lễ hội tràn lan vừa tốn kém gây lãng phí, lại ảnh hưởng đến lao động sản xuất...


Tình trạng thương mại hóa lễ hội cũng khiến dư luận bức xúc. Nhằm giải quyết tình trạng tổ chức lễ hội tràn lan gây lãng phí tiền của Nhà nước và nhân dân, vấn đề quy hoạch tổng thể về lễ hội được các nhà quản lý, các nhà khoa học đưa ra và đặt lên bàn cân. Tuy nhiên, để làm được điều này không phải là chuyện dễ.

Bài 1: Khi lễ hội mất đi nét đẹp truyền thống

Theo các nhà nghiên cứu, Lễ Khai Ấn đền Trần (Nam Định) vốn có ý nghĩa rất đơn giản: Sau kỳ nghỉ Tết, đến ngày 15 tháng giêng (âm lịch), Vua khai ấn để nhập triều làm việc. Lễ Khai Ấn đền Trần là một nghi lễ với ý nghĩa khẳng định vị thế của vương triều nhà Trần, khẳng định sức mạnh đoàn kết của cả triều đại với nhân dân...

Chen lấn nhau đưa tiền để mua ấn đền Trần. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN


Ý nghĩa linh thiêng nhất của lễ Khai Ấn, là ở thời khắc đóng Ấn cầu cho quốc thái dân an, và người ta cũng chỉ đóng một số lượng Ấn có hạn, thậm chí chỉ đóng một lần để khai mở ra những may mắn bắt đầu cho một năm mới...


Lễ khai ấn vốn là một nét đẹp văn hóa tâm linh, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần người Việt như vậy, nhưng giờ đây với việc đóng ấn vô tội vạ để bán, rồi người dân hiểu sai ý nghĩa của lễ Khai Ấn nên kéo đến xin Ấn đền Trần với mong muốn được thăng quan tiến chức... Thực trạng này đã làm hỏng ý nghĩa của việc xin ấn và làm mất đi nét đẹp văn hóa ấy. Du khách dự lễ giờ còn phải đối mặt với những tệ nạn xã hội như trộm cắp, móc túi, chen lấn hỗn loạn, rồi nạn “phe Ấn”, làm Ấn giả để bán... làm mất đi nét đẹp của lễ hội, gây nhiều bức xúc cho du khách...

Đền Trần Thương (Hà Nam) - một trong 3 ngôi đền lớn của cả nước thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và các Bộ tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông (năm 1285). Đền Trần Thương cũng là nơi Trần Hưng Đạo đặt 6 kho lương thực với đội quân thường xuyên canh gác để phục vụ cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2.

Kể từ đó, người dân nơi đây vào mỗi dịp đầu năm mới đều làm lễ phát lương để tưởng nhớ công lao các vị anh hùng xưa kia và giáo dục cho con cháu tinh thần tiết kiệm, xây dựng những kho lương đề phòng khi bất trắc.


Theo các cụ trong làng, những năm trước, lễ phát lương được tổ chức quy mô nhỏ, và chỉ phát khoảng vài chục túi tượng trưng cho người dân trong làng. Hai năm trở lại đây, BTC mới tổ chức phát lương rộng rãi cho du khách. Nhưng ngay trong năm thứ 2 này, những túi lương thảo ấy đã được người của BTC bán với giá 20.000 đồng/túi khiến cho nhiều du khách dự hội bức xúc.

Lễ hội đền bà Chúa Kho, vốn là nơi giáo dục tinh thần tận tụy và liêm chính, trách nhiệm với kho dự trữ của nhà nước thì lâu nay lại thành ra nơi xin, vay của nhiều người...


Với những lễ hội lớn thì như vậy, còn với những lễ hội nhỏ cũng tồn tại nhiều vấn đề phức tạp, nhiều tệ nạn đi kèm như cắm hương vào bất cứ chỗ nào có thể, nhét tiền vào mọi chỗ, đốt đồ mã vô tội vạ gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, các trò cờ bạc trá hình như tôm, cua, cá..., rồi tình trạng bói toán, bán quẻ thẻ, bán những sách mê tín... vẫn hoành hành. Rồi các hàng quán đua nhau hét giá bắt chẹt du khách, đến chuyện nâng giá trông giữ xe máy, xe ô tô với giá quá cao làm người dân bất bình... Những “khoảng tối” này đã làm mất đi vẻ đẹp vốn có các lễ hội.

Đó là những hình ảnh chưa đẹp thường thấy trong các ngày hội dân gian. Còn đối với các lễ hội mới, lễ hội hiện đại được tổ chức nhân dịp chào mừng, kỷ niệm, nhân dịp khai mạc một hoạt động văn hóa nào đó, hoặc những lễ hội gắn với nghề nghiệp như lễ hội trái cây, lễ hội trà, lễ hội cà phê... cũng để lại những ấn tượng không đẹp trong lòng người dân.

Những lễ hội này thường thiếu vắng bản sắc do mô hình tổ chức na ná nhau, từ màn trống hội tưng bừng, đến màn múa tập thể hoành tráng, rực rỡ với hàng trăm, hàng ngàn diễn viên... Du khách xem Ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Bắc, lại thấy na ná như ngày hội văn hóa các dân tộc Đông Bắc. Chương trình nào cũng thấy rõ tính chất hoành tráng, ở khoản kinh phí, dàn dựng công phu, nhưng vẫn không rõ đặc trưng vùng - miền và hầu như không đọng lại trong lòng người xem...

Theo TS Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH, TT&DL Lào Cai, những lễ hội mới, những ngày kỷ niệm đó thực chất không phải lễ hội, mà đó chỉ là một màn nghệ thuật biểu diễn của hàng ngàn diễn viên...


Những màn biểu diễn này thường có kịch bản na ná nhau bởi họ lấy kịch bản của lễ hội này áp vào lễ hội kia, lấy chương trình tỉnh này áp vào tỉnh kia. Đó không phải là lễ hội mà chỉ là những sự kiện, mà những sự kiện này thường xuyên có trên tivi, hầu như tháng nào cũng có với tần suất ngày càng nhiều, xem thấy cái nào cũng giống cái nào... khiến người xem cảm thấy “bội thực”.

Trước tình trạng đó, việc có một quy hoạch lễ hội là cần thiết, để đưa các lễ hội vào khuôn khổ, trở về với bản sắc vốn có của nó, tránh tình trạng các lễ hội tổ chức tràn lan, lãng phí như hiện nay.

Phương Lan

Bài 2: Đưa lễ hội về “cội nguồn”

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN