Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam theo hướng là ngành kinh tế mũi nhọn

Ngày 9/8 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo “Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để đưa ra những giải pháp quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam theo hướng là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững.

Chú thích ảnh
Các đại biểu đóng góp cho "Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045" trong ngày 9/8 tại TP Hồ Chí Minh.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch cho biết, báo cáo "Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045" được triển khai trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng đơn vị thực hiện đã nhận được sự phối hợp của nhiều địa phương trên cả nước. Báo cáo này bao gồm nội dung đánh giá thực trạng hiện tại của ngành du lịch; quan điểm, mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới; định hướng phát triển sản phẩm dịch vụ, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực... nhằm đưa ra những giải pháp phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững.

Theo đó, quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam lần này có nhiều điểm mới, hướng tới phát triển bền vững, chất lượng, có hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh. Mục tiêu của quy hoạch là đến năm 2025 sẽ phục hồi hoàn toàn ngành du lịch như trước đại dịch COVID-19; đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Theo đó, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng cơ bản các yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.

Sau tổng hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu tại buổi hội thảo, ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, đơn vị tư vấn cần tiếp thu, bổ sung nghiên cứu nhiều vấn đề mà các đại biểu đưa ra thảo luận; trong đó có vấn đề đô thị du lịch, đô thị di sản, bởi Việt Nam có quỹ đô thị di sản ở các địa phương rất quý giá cần phải được giữ gìn, tôn tạo và phát triển. Đối với các nhóm sản phẩm chính được đưa vào quy hoạch, nên chú trọng đến những loại hình du lịch mới, đặc biệt là du lịch cộng đồng cũng cần được làm rõ hơn để phát huy. Ngoài ra, ngành du lịch cũng cần làm đậm nét hơn quy hoạch phát triển du lịch gắn với bảo vệ giá trị, bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng miền. Đây không chỉ là nét riêng của các địa phương mà còn là nét riêng của du lịch Việt Nam đối với du khách quốc tế.

Chú thích ảnh
Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội thảo.

Theo ông Đoàn Văn Việt, việc quy hoạch ngành du lịch Việt Nam sắp tới cũng cần được thực hiện theo vùng và theo hướng mở, gắn với thế mạnh và vai trò, động lực trong liên kết, hợp tác phát triển du lịch; đồng thời làm rõ hơn các giải pháp chuyển đổi số để phát triển du lịch phù hợp theo lộ trình. Đối với khu du lịch quốc gia, cần rà soát lại các tiêu chí, bởi địa phương nào cũng muốn có khu du lịch quốc gia, thế nhưng cả nước hiện chỉ mới công nhận được 7 khu du lịch quốc gia.

Ngoài ra, ngành du lịch Việt Nam muốn phát triển bền vững cũng cần nắm bắt cơ hội và vượt qua các khó khăn. Du lịch Việt Nam cần thiết phải được định hướng quy hoạch phát triển với tầm nhìn dài hạn, lấy đó làm cơ sở để xây dựng các chương trình, kế hoạch và chính sách phát triển du lịch phù hợp với nhu cầu phát triển của giai đoạn mới; đồng thời làm cơ sở vững chắc cho các định hướng phát triển du lịch tại các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để các địa phương có “kim chỉ nam” cho việc hoạch định, quản lý du lịch trên địa bàn. 

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Du lịch vaccine trở lại châu Âu trong làn sóng dịch đậu mùa khỉ
Du lịch vaccine trở lại châu Âu trong làn sóng dịch đậu mùa khỉ

Du lịch tiêm vaccine đậu mùa khỉ đã trở lại khi người dân châu Âu tìm cách tự bảo vệ mình trước bệnh tật và sự kỳ thị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN