Tại di tích Cố đô Huế, một số công trình xây bằng gạch vữa trang trí theo lối truyền thống, vữa bả màu, các họa tiết được thực hiện bằng các kỹ thuật khảm sành sứ, vẽ màu sống và phù điêu đắp nổi... mang phong cách tiêu biểu của kiến trúc Huế đang được phục hồi.
Bà Andrea Teufel - thạc sĩ, Giám đốc dự án bảo tồn, trùng tu và đào tạo Đức (GCREP) tại Việt Nam, Trưởng nhóm phục hồi các bức tranh tường ở cung An Định cho biết, có 6 bức tranh tường lớn ở tiền sảnh cung An Định bị hư hại nằm trong dự án phục hồi. Màu trên tranh đã bị bong tróc vì bề mặt vữa gốc của tường vỡ ra, một số khác bị quét các lớp vôi đè lên làm cho màu gốc bị phai mờ.
Phương pháp mà nhóm chuyên gia người Đức đặt ra trong việc phục hồi các bức tranh tường là tiến hành một cách chu toàn việc nghiên cứu, phân tích các lớp sơn (vữa), thành phần hóa học của các lớp bột màu và chất dung môi. Từ những kết quả thu thập được, việc phục hồi các bức tranh tường được thực hiện theo thứ tự các công đoạn, đầu tiên là gia cố lớp sơn (vữa) mỏng bằng keo polyacrylic, tiến đến chùi sơ bằng cọ mềm và bọt biển chuyên dụng, dùng xà phòng trung tính anionictensid làm rõ lớp sơn gốc còn lại trên tường.
Sau khi hoàn tất các công đoạn này, các chuyên gia sẽ dùng một lớp keo acrylic tô vào những chỗ màu bị mất, rồi dùng màu nước chấm sửa lên bề mặt theo phương pháp kỹ thuật rigatino.
Mới đây, vôi vữa truyền thống còn được sử dụng để phục hồi Bửu Thành Môn và Bình phong khu mộ lăng Tự Đức. Đây là cụm di tích được xây bằng gạch vữa, trang trí theo lối truyền thống, nhưng đã bị hư hỏng do thời gian xây dựng quá lâu cộng với khí hậu khắc nghiệt.
Quốc Việt