Phú Thọ: Du lịch tâm linh, hướng về cội nguồn

Cách Hà Nội khoảng 70 km về phía tây bắc, du lịch Phú Thọ có nhiều lợi thế để phát triển. Bên cạnh định hướng du lịch hướng về cội nguồn với tâm điểm là Đền Hùng, ngành du lịch Phú Thọ đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Chúng tôi đã có dịp trao đổi với ông Trần Văn Khai (ảnh), Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Phú Thọ xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, Phú Thọ sẽ xây dựng những điểm nhấn nào để hình thành sản phẩm du lịch chủ đạo trong liên kết 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng?

Phú Thọ có nhiều điểm du lịch đặc trưng. Trước hết là du lịch tâm linh hướng về cội nguồn; thứ hai là di tích lịch sử văn hóa; thứ ba là nghỉ dưỡng; thứ 4 là danh lam thắng cảnh.

Đặc trưng nhất của Phú Thọ là du lịch tâm linh, hướng về cội nguồn. Phú Thọ là vùng đất cổ, cái nôi của nền văn hóa Lạc Việt, trung tâm sinh tụ của người Việt cổ, có kinh đô Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Tỉnh Phú Thọ xác định xây dựng Việt Trì thành thành phố lễ hội, trong đó có Đền Hùng và một số di tích lịch sử liên quan đến thời đại Hùng Vương.

Cán bộ Khu Di tích Đền Hùng đang hướng dẫn khách tham quan.


Trong chương trình liên kết 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, chúng ta thấy thiên nhiên cảnh quan có nét tương đồng giống nhau. Theo tôi, Phú Thọ có sản phẩm du lịch lễ hội, sản phẩm du lịch tâm linh hướng về cội nguồn là sản phẩm rất đặc sắc. Ngoài ra, chúng tôi còn có mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy và Vườn quốc gia Xuân Sơn là sản phẩm du lịch phục vụ nghỉ dưỡng, sinh thái tạo điểm kết nối tour để khách lưu lại Phú Thọ lâu hơn.

Để góp phần tạo dựng Đền Hùng là điểm nhấn trong tuyến du lịch, tỉnh Phú Thọ đã hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận hát xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa. Ông cho biết công việc này tiến triển đến đâu?

Phú Thọ đã xây dựng hai hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa. Thứ nhất là Hồ sơ hát xoan đệ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Thứ hai là Hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đề nghị UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa đại diện nhân loại. Theo tôi biết, vào tháng 10, UNESCO xem xét Hồ sơ hát xoan và năm 2012 sẽ xem xét Hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Ngay từ khi lập hồ sơ, Sở VH,TT&DL Phú Thọ đã xúc tiến tổ chức thành lập các CLB hát xoan để phổ biến hát xoan cổ. Sau này hát xoan có thể phổ biến phục vụ du khách. Ngoài ý nghĩa hát xoan là hát mùa xuân, hát cửa đình, hát lễ hội, hát xoan còn có thể hát phục vụ khách tại các điểm du lịch, khu du lịch và trình diễn tại nước ngoài. Khi UNESCO công nhận hát xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sản phẩm văn hóa phi vật thể thì đây cũng là nỗ lực đánh giá thương hiệu du lịch cho Phú Thọ; góp phần đẩy mạnh tuyên truyền khắp thế giới biết đến điểm đến du lịch Đền Hùng nhờ danh hiệu UNESCO công nhận.

Vậy Phú Thọ đã có chính sách như thế nào để đầu tư hạ tầng du lịch cũng như đào tạo nguồn nhân lực?

Năm 2010, Phú Thọ đón khoảng gần 6 triệu lượt khách tham quan, trong đó có 400 ngàn lượt khách lưu trú. Số lượng này sẽ còn tăng trong các năm tiếp theo với điểm nhấn là Đền Hùng. Trong chiến lược phát triển du lịch, Phú Thọ sẽ xây dựng hệ thống khách sạn 4-5 sao, vì khách du lịch nghỉ dưỡng có nhiều đối tượng khách chi trả cao.

Bên cạnh đó, Phú Thọ vẫn là tỉnh miền núi nghèo, nguồn lực của Phú Thọ hạn chế, do đó Phú Thọ ban hành chính sách ưu đãi thu hút đầu tư và mong muốn Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, tuyên truyền quảng bá thu hút đầu tư và thu hút khách.

Để kéo dài ngày lưu trú, Phú Thọ đang hình thành tuyến du lịch tới Vườn quốc gia Xuân Sơn. Ông có thể cho biết việc đầu tư hình thành tuyến này đến đâu?

Năm 2009, tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt quy hoạch chung về khu du lịch vườn quốc gia Xuân Sơn. Theo quy hoạch vườn có trên 43.000 ha, trong đó có 15.000 ha vùng lõi, vùng nguyên sinh. Rừng trên núi đá vôi có nhiều hang động, có hang động dài 7km và đã tìm thấy 36 hang động trong Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Bên cạnh đó, vườn còn có suối và thác đẹp như thác Lưng Trời và suối Cỏn. Quanh khu vực này có bản dân tộc như Dao, Mường sinh sống và vẫn giữ được những giá trị nguyên sơ của đồng bào. Những bản làng này có thể khai thác phát triển du lịch
Theo quy hoạch, Vườn quốc gia Xuân Sơn gồm các tuyến thăm rừng, thăm hang động, thăm núi, thăm thác, thăm suối và thăm bản làng dân tộc. Ngoài ra chúng tôi quy hoạch khu nuôi và săn bắn động vật bán hoang dã, khu ẩm thực, khu nghỉ dưỡng và khu vui chơi giải trí khác.

Hiện đã có doanh nghiệp Xuân Trường đang tiến hành đầu tư như làm đường từ bản Cỏi, bậc lên hang Thổ Thần; trong dự kiến còn xây chùa, tạc Phật ngọc, làm hệ thống cáp treo, thăm hệ thực vật.

Dù vậy, Vườn quốc gia Xuân Sơn vẫn là điểm đến sơ khai. Tại các bản dân tộc có một số hộ phục vụ khách dịch vụ ăn uống, lưu trú nhưng chất lượng dịch vụ chưa được tốt, vẫn cần phải đào tạo nghiệp vụ. Lượng khách đến vườn tập trung vào cuối tuần, nhất là học sinh, sinh viên từ Hà Nội lên thăm hang động, rừng. Trung bình 300-400 khách/ngày vào những ngày cuối tuần.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Bài và ảnh: Hồng Lĩnh- Quý Ngọc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN