Phát triển xanh 'chìa khóa' nâng tầm du lịch Bình Thuận - Bài cuối: Trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển

Xác định mục tiêu phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bình Thuận triển khai các giải pháp đa dạng sản phẩm, tăng cường quảng bá, đưa địa phương trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, quốc tế, một trong những điểm đến hàng đầu khu vực và quốc tế.

Chú thích ảnh
Lướt ván diều trên bãi biển Mũi Né - môn thể thao biển được khách quốc tế yêu thích khi nghỉ dưỡng tại Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Động lực lan tỏa từ Khu Du lịch Quốc gia Mũi Né

Được mệnh danh là “thủ đô resort”, “thiên đường du lịch tạo nên từ những cồn cát”, từ năm 2020, Khu Du lịch Mũi Né trải dài theo dải đất ven biển từ thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong) đến phường Phú Hài (thành phố Phan Thiết) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Khu Du lịch Quốc gia. Đây là một trong những đòn bẩy, động lực quan trọng để du lịch Bình Thuận phát triển có trọng điểm, trong đó lấy Khu Du lịch Quốc gia Mũi Né làm trọng tâm, động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển du lịch tới các khu vực khác trong tỉnh.

Vì vậy, đối với loại hình du lịch biển, thể thao, giải trí, Bình Thuận tập trung thu hút đầu tư các dự án tổ hợp du lịch, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, xanh - sạch - đẹp gắn với dịch vụ vui chơi, giải trí, thương mại, dịch vụ, thể thao, casino... Tỉnh đăng cai tổ chức các giải thi đấu thể thao cấp quốc gia và quốc tế; trong đó xây dựng và phát triển Giải Lướt ván buồm Cúp thế giới PWA Mũi Né - Việt Nam, nằm trong hệ thống giải đấu hàng năm của Hiệp hội Lướt ván buồm thế giới PWA.

Bình Thuận tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm với các sản phẩm du lịch - thể thao biển đặc trưng tại các khu du lịch dọc bãi biển từ Khu Du lịch Bình Thạnh - Cù lao Câu (huyện Tuy Phong) đến Khu Du lịch Cam Bình (thị xã La Gi) với trung tâm là Khu Du lịch Quốc gia Mũi Né và các khu du lịch vệ tinh như Khu Du lịch Bình Thạnh - Cù lao Câu (huyện Tuy Phong), Khu Du lịch Hòa Thắng (huyện Bắc Bình), Khu Du lịch Hòn Rơm - Mũi Né, Khu Du lịch Phú Quý…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh, hiện nay, đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Mũi Né đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đang được tỉnh hoàn chỉnh, với mục tiêu quan trọng đưa Mũi Né trở thành điểm đến quốc tế. UBND tỉnh đã ban hành Đề án quản lý, đầu tư, khai thác tuyến, điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố Phan Thiết (Phan Thiết city tour) giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu xây dựng, phát triển, hình thành các tuyến, điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố một cách đồng bộ, có giá trị và thật sự hấp dẫn du khách.

Tỉnh từng bước nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch, đặc biệt chú trọng khai thác và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, cảnh quan thiên nhiên... Trên địa bàn thành phố Phan Thiết, các tuyến, điểm tham quan du lịch đề xuất khai thác gồm tuyến du lịch nội thành, tuyến du lịch nội thành mở rộng, tuyến du lịch ngoại thành đi qua Phan Thiết và các tuyến liên kết như tuyến ngắm cảnh trên sông Cà Ty hoặc ngắm cảnh, khám phá, câu cá trên biển. Cùng với đó, các điểm đến nổi bật đang được khai thác: Khu Di tích Trường Dục Thanh, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận, di tích Tháp Pô Sah Inư, làng chài Mũi Né, đồi cát bay, Bảo tàng nước mắm; các chợ và điểm mua bán hải sản, đặc sản; các điểm thể thao biển cùng nhiều điểm du lịch có tiềm năng khai thác khác.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh, đối với cả ba lĩnh vực kinh tế trụ cột của tỉnh, trong đó có du lịch, Bình Thuận nhất quán quan điểm phát triển nhanh, xanh và bền vững, phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng hiệu quả, hình thành các sản phẩm đặc thù của địa phương, kết hợp hài hòa với các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, góp phần nâng cao trình độ dân trí và chất lượng cuộc sống của người dân.

Nghị quyết về phát triển du lịch Bình Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tỉnh đón 8,9 triệu lượt khách và đến năm 2030 sẽ đón 16 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm từ 15 - 20%. Du lịch đóng góp vào GRDP của tỉnh 12 - 13%. Tỉnh quy hoạch và xây dựng nền tảng pháp lý, chính sách để Khu Du lịch Quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Phát triển sản phẩm, tăng cường quảng bá

Chú thích ảnh
Đặc sắc bay dù lượn mạo hiểm tại Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Đề cập về phát triển bền vững du lịch Bình Thuận, nhiều chuyên gia cho rằng, không thể thiếu giải pháp phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo được đưa vào sử dụng đang tạo thuận lợi lớn cho kết nối, mở rộng không gian, hợp tác phát triển du lịch nói riêng, kinh tế xã hội nói chung giữa Bình Thuận và các địa phương. Cùng với đó, tuyến Quốc lộ 28B có nút giao với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư nâng cấp sẽ góp phần kết nối giao thông thuận lợi hơn giữa các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ với Tây Nguyên, tăng lợi thế trục tam giác Thành phố Hồ Chí Minh - Phan Thiết - Đà Lạt, kết nối Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Dự án Cảng Hàng không Phan Thiết được quy hoạch là Cảng Hàng không quốc nội cấp 4E với vai trò là sân bay lưỡng dụng được kỳ vọng sẽ tạo nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo bứt phá mới cho hoạt động du lịch.

Tiến sĩ La Nữ Ánh Vân (Trường Đại học Phan Thiết) cho rằng, từ những lợi thế về hạ tầng đồng bộ, tài nguyên đa dạng, du lịch Bình Thuận cần tiếp tục phát triển đa dạng các sản phẩm, loại hình đi đôi với nâng cao chất lượng lượng trên cơ sở phát huy tối đa các lợi thế so sánh về thiên nhiên, văn hóa. Tỉnh ưu tiên các dự án đầu tư tạo các sản phẩm du lịch thân hiện môi trường, sản phẩm xanh, gắn kết giữa hoạt động du lịch với gìn giữ, phát huy giá trị các tài nguyên du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường, xây dựng điểm đến nổi bật của Việt Nam với văn hóa, nghỉ dưỡng biển, sinh thái rừng - biển - đảo, là trung tâm du lịch thể thao giải trí biển, du lịch văn hóa Chăm…

Nhấn mạnh định hướng phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận Bùi Thế Nhân cho biết: Hiện nay, địa bàn tỉnh có 5 cơ sở lưu trú du lịch đạt Nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh (nhãn hiệu cấp cho các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, góp phần bảo vệ các di sản) cấp độ 3 và 4. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở đã ứng dụng công nghệ mới, sử dụng các năng lượng thay thế nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực tới môi trường.

Đối với các sản phẩm du lịch, thời gian tới, Bình Thuận phát triển đa dạng loại hình, sản phẩm, mở rộng địa bàn du lịch trên cơ sở khai thác tốt tài nguyên du lịch lợi thế của từng địa phương. Các đơn vị chức năng tăng cường hướng dẫn các cơ sở lưu trú, lữ hành, đơn vị kinh doanh dịch vụ thực hiện tái đầu tư đổi mới trang thiết bị, nhân lực đúng tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng phục vụ. Tỉnh khuyến kích phát triển ngành nghề sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng mang đặc trưng riêng của địa phương, góp phần tạo dấu ấn cho điểm đến vừa tạo việc làm, gắn với phát triển du lịch có trách nhiệm, tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Bình Thuận Nguyễn Linh Vũ, tỉnh tăng cường giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, thế mạnh riêng có của địa phương cho phát triển du lịch gắn với những loại hình, sản phẩm du lịch mới lạ, đặc trưng và hấp dẫn, theo hướng chuyên nghiệp, thu hút đầu tư. Cụ thể như nghỉ dưỡng biển, thể thao biển, MICE (du lịch kết hợp sự kiện), Wellness (sức khỏe), mua sắm, giải trí, tâm linh, sinh thái biển, rừng, hồ thác. Đơn vị đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến các dòng sản phẩm du lịch “xanh”; gắn du lịch với giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, tài nguyên và môi trường; phát triển sản phẩm du lịch hướng về thiên nhiên (cắm trại, ngủ lều, du lịch dã ngoại, biển, đảo…), trải nghiệm cuộc sống cư dân bản địa, thưởng thức ẩm thực, tăng sức hút cho điểm đến Bình Thuận.

Trà Thanh Hiếu (TTXVN)
Phát triển xanh 'chìa khóa' nâng tầm du lịch Bình Thuận - Bài 2: Tạo giá trị lâu bền
Phát triển xanh 'chìa khóa' nâng tầm du lịch Bình Thuận - Bài 2: Tạo giá trị lâu bền

Phát triển du lịch xanh có trách nhiệm với môi trường thông qua hoạt động du lịch góp phần bảo tồn, gìn giữ văn hóa bản địa, đồng thời tạo việc làm và cải thiện sinh kế cho người dân là hướng đi bền vững, tạo giá trị lâu bền cho chuỗi sản phẩm du lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN