Tại hội thảo, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Cách mạng công nghiệp 4.0 tận dụng sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin với sự đột phá của trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn… đang tạo ra sự thay đổi to lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có ngành du lịch. Ngành du lịch có cơ hội cải tiến công tác quản lý Nhà nước về du lịch, gia tăng trải nghiệm của du khách tại điểm đến. Nếu các địa phương nắm bắt cơ hội tối ưu hóa hiệu quả và mở rộng công tác xúc tiến qua thương mại điện tử, đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn hơn sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng được thương hiệu du lịch.
Với tiềm năng và thế mạnh của Thành phố Hồ Chí Minh, phát triển du lịch thông minh sẽ thúc đẩy ngành du lịch bền vững, nhưng đây cũng là vấn đề mới đòi hỏi nâng cao nhận thức và có sự triển khai đồng bộ. Do đó, những đơn vị liên quan trong ngành du lịch Thành phố cần hiểu đúng về du lịch thông minh, nhất là học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến trên thế giới, nhằm đưa ra mô hình và giải pháp triển khai một cách hiệu quả.
Theo các chuyên gia, mặc dù mang lại cơ hội mới, nhưng du lịch thông minh cũng đặt ra cho ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thách thức trước yêu cầu chuyển đổi số phù hợp. Đặc biệt, trong bối cảnh du lịch thông minh đã trở thành tiêu chí hướng tới phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phải từng bước đảm bảo 4 chủ thể du lịch thông minh gồm: Cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, du khách và người dân tham gia làm du lịch. Trong đó, hệ sinh thái du lịch thông minh là sự hợp lực của các chủ thể nhằm tạo sự tương tác để đạt những mục tiêu riêng của mỗi chủ thể, đồng thời hướng đến mục tiêu chung là tăng trưởng cao của toàn ngành du lịch.
Hiện nay, ngành du lịch nhiều nước trên thế giới đã phát triển hệ sinh thái thông minh nhanh chóng như: Thành phố Tokyo (Nhật Bản) với mức tăng trưởng trên 30%/năm; thành phố Seoul (Hàn Quốc) 15%/năm… Từ yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thương mại tự do, quy luật điều chỉnh của thị trường theo hành vi khách hàng, vấn đề hướng đến đô thị thông minh, trong đó có phát triển du lịch thông minh tại Thành phố Hồ Chí Minh là một cấu phần không thể thiếu cho sự phát triển bền vững.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Thành phố là một trong những địa phương công bố Đề án đô thị thông minh sớm nhất cả nước. Sau 18 tháng triển khai, đến nay Thành phố đã chuẩn bị những bước đầu quan trọng như: Xây dựng kho dữ liệu dùng chung; phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, tích hợp và chia sẻ; xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội… Đây là những cơ sở dữ liệu quan trọng không chỉ trong công tác quản lý hành chính Nhà nước mà cho nhiều ngành nghề, trong đó có ngành du lịch.
Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, muốn phát triển du lịch thông minh, Thành phố Hồ Chí Minh cần có cái nhìn tổng quan, toàn diện và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới. Cùng với đó, các sở, ngành thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức, chuyên gia toàn cầu và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp thực hiện những giải pháp cần thiết để phục vụ đô thị thông minh, trong đó có ngành du lịch thông minh. Qua đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển du lịch thông minh trên “bệ phóng” của nền tảng đô thị thông minh.
Để hướng đến phát triển du lịch thông minh, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh sớm hoàn thiện chiến lược phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trong cuối năm 2019, có kết nối hợp tác với 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long để khai thác tiềm năng du lịch khu vực phía Nam. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần đưa vấn đề phát triển du lịch thông minh vào chiến lược phát triển du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, phát triển du lịch thông minh phải đảm bảo kết nối thông minh, chú trọng liên kết giao thông đô thị, tạo môi trường cho doanh nghiệp hợp tác và cơ quan nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp… Đặc biệt, các sở, ngành quy hoạch chiến lược phát triển du lịch đảm bảo lợi ích và nâng cao chất lượng đời sống người dân, khuyến khích họ tham gia làm du lịch.