Tuy nhiên, việc phát triển du lịch thông minh cũng gặp không ít thách thức, đòi hỏi được tháo gỡ bằng nhiều giải pháp đồng bộ hơn trong thời gian tới.
Đảm bảo 4 yếu tố
Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay để phát triển du lịch thông minh ở nhiều địa phương, theo các chuyên gia, đó là mức độ sẵn sàng cho phát triển du lịch thông minh.
Du lịch thông minh được phát triển trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin-truyền thông, đây được coi là điều kiện mang tính tiên quyết. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng về công nghệ để phát triển du lịch thông minh ở nhiều địa phương lại chưa cao và là trở ngại cần được khắc phục trong thời gian ngắn nhất. Bởi vì, muốn có du lịch thông minh trước tiên cần có các nền tảng hạ tầng về viễn thông điện tử và các trang thiết bị hiện đại đi kèm một cách đồng bộ.
Tiến sỹ Đào Thị Thu Hằng, Trường Đại học Kinh tế-Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, để được gọi là du lịch thông minh, nhất thiết phải đảm bảo bốn yếu tố: Công nghệ thông minh, người tiêu dùng thông minh (sử dụng điện thoại thông minh và có kết nối), doanh nghiệp du lịch thông minh và điểm đến thông minh. Trong đó, về phía du khách, phải là khách du lịch thông thái, có hiểu biết về trải nghiệm du lịch một cách toàn diện, quan tâm đến sự phát triển bền vững và có trách nhiệm với điểm đến du lịch; sẵn sàng sử dụng công nghệ thông minh để chia sẻ, đổi mới, tương tác linh hoạt với các bên liên quan và sẵn sàng sáng tạo những trải nghiệm du lịch của bản thân. Nếu có công nghệ thông minh, doanh nghiệp thông minh và điểm đến cũng đáp ứng những tiện ích, gia tăng giá trị trải nghiệm để được gọi là điểm đến thông minh, nhưng lại không có kết nối tương tác, đổi mới tức thời của du khách thông minh thì cũng không thể có du lịch thông minh đúng nghĩa.
Về phía doanh nghiệp kinh doanh du lịch, để hướng tới du lịch thông minh cần đầu tư để có các thiết bị thu thập, chia sẻ dữ liệu, chia sẻ tài nguyên tức thời. Chẳng hạn, doanh nghiệp trang bị những hệ thống cảm biến để thu thập thông tin về thời tiết nhằm có phương án phục vụ du khách một cách phù hợp nhất hoặc tiếp nhận kịp thời thông tin từ các mạng xã hội. Điều này sẽ làm tăng sự liên kết chuỗi giá trị, tăng khả năng cạnh tranh, hiệu quả phối hợp tập thể và tính linh hoạt trong hệ sinh thái kinh doanh du lịch. Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần có sự đảm bảo hỗ trợ dữ liệu mở cho các bên liên quan, quản lý quyền riêng tư dữ liệu và hỗ trợ quan hệ đối tác công tư trong kinh doanh du lịch một cách hiệu quả.
Đồng bộ các giải pháp
Phát triển du lịch thông minh đạt hiệu quả như mong muốn không gì khác chính là mang lại những trải nghiệm tốt hơn cho du khách, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, điểm đến, góp phần phát triển du lịch bền vững, do đó cần có những giải pháp đồng bộ với sự tham gia của nhiều chủ thể liên quan tới hoạt động du lịch.
Tiến sỹ Lê Quang Đăng, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch ( Bộ Văn hóa- Thể thao và du lịch) cho rằng, để phát triển du lịch thông minh cần nâng cao nhận thức của người dân về du lịch thông minh, tuyên tuyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của cộng đồng về các hoạt động du lịch trực tuyến, những ưu điểm và cả những tồn tại, bất cập của nó để khách du lịch và người dân hiểu, có những hoạt động tích cực, “thông minh”, tránh bị lợi dụng, lừa đảo. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong kinh doanh, tiếp cận du lịch thông minh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý nhà nước về du lịch, nâng cao hiệu quả quản lý, từng bước hiện đại hóa ngành du lịch.
Đề cập cụ thể về các giải pháp phát triển du lịch thông minh tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sỹ Bùi Thị Ngọc Trang- Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh và Tiến sỹ Tạ Duy Linh-Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và du lịch (Hội Trí thức khoa học và công nghệ trẻ Việt Nam), Thạc sỹ Dương Đức Minh- Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đều nhận định: Thành phố là một trong những trọng điểm du lịch của cả nước, có nhiều thuận lợi rất căn bản trong phát triển du lịch thông minh, như đang triển khai đề án đô thị thông minh, có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, là thị trường nhận và gửi du khách sôi động.
Song, để phát triển du lịch thông minh đạt hiệu quả cao, Thành phố Hồ Chí Minh cần chú ý nhiều hơn đến việc tăng cường kết nối các giá trị tương ứng, liên quan giữa một số điểm đến, chẳng hạn giữa các bảo tàng, các khu di tích trên địa bàn thành phố để chuyển tải một cách ấn tượng hơn giá trị của các điểm đến du lịch tới du khách, giúp du khách có những trải nghiệm đa dạng, thông minh hơn tại các điểm đến.
Trong thời đại công nghệ phát triển với tốc độ rất nhanh chóng, khoảng cách địa lý không còn là rào cản to lớn để hạn chế sự kết nối các thị trường kinh tế, trong đó có thị trường kinh doanh du lịch, các đơn vị, các doanh nghiệp du lịch cần tận dụng và khai thác triệt để mạng lưới kinh doanh du lịch dựa vào các ứng dụng công nghệ thông tin để từ đó "tranh thủ" được các dòng dịch chuyển du khách vào Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Thành phố cũng cần tăng cường việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển một cách lâu dài, căn cơ của ngành du lịch.
Liên quan đến các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như phát triển du lịch thông minh, Thạc sỹ Phan Thị Ngàn - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, xu hướng phát triển cho thấy du khách sẽ mua vé, đặt phòng hay gọi thức ăn... thông qua hệ thống điện tử. Các robot hay hệ thống công nghệ sẽ thay con người làm các nghiệp vụ đòi hỏi đào tạo nguồn nhân lực du lịch phải “tinh” hơn. Các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu, đào tạo những vị trí việc làm mới thay thế những vị trí truyền thống mà hệ thống công nghệ đã đảm nhiệm. Khi thế giới đang theo xu hướng công nghệ 4.0, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo cũng không thể nào trang bị như đào tạo theo hướng truyền thống, mà đòi hỏi cơ sở đào tạo phải có trang thiết bị bắt kịp với xu thế.