Thúc đẩy đầu tư
Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030 đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ đối với từng ngành, lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực du lịch được định hướng ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh (du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo gắn với phát triển kinh tế biển xanh, du lịch thể thao mạo hiểm đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh...), phát triển sản phẩm du lịch xanh.
Nhiều chuyên gia đã khẳng định, để phát triển du lịch theo định hướng tăng trưởng xanh, cần có sự đầu tư thỏa đáng vào cơ sở hạ tầng, nhân lực và công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như từng sản phẩm du lịch. Tại Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh vừa diễn ra với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không” các chuyên gia đã đề xuất ý kiến thúc đẩy đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh, trong đó có du lịch.
Theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, Thành phố đang hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm xây dựng thành phố trở thành đô thị văn minh, hiện đại, là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư và du khách. Khung chiến lược cũng xác định các trụ cột chính trong phát triển xanh là nguồn lực xanh, hạ tầng xanh, hành vi xanh và lĩnh vực tiên phong. Vì vậy, du lịch xanh nên là một trong những lĩnh vực mà Thành phố hướng tới.
Cùng quan điểm cần thúc đẩy đầu tư hạ tầng, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch xanh, đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thạc sĩ Bùi Văn Hà (Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng, một trong những giải pháp là các doanh nghiệp cần đầu tư vào các công nghệ xanh để giảm chi phí và cải thiện hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, cần phát triển các dịch vụ du lịch xanh chất lượng cao nhằm thu hút du khách, tăng doanh thu, giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học là những nguồn lực quan trọng cho du lịch bền vững; cần bảo vệ và tôn trọng tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học bằng cách thực hiện các hoạt động du lịch xanh, khai thác du lịch theo cách bền vững, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế trong cộng đồng địa phương.
Các tour du lịch xanh tại vùng có thể được đầu tư, xây dựng theo hướng kết hợp tham quan các vườn cây ăn trái hữu cơ và các trang trại nuôi động vật hữu cơ để khách du lịch trải nghiệm, học hỏi về nông nghiệp hữu cơ. Để thu hút đầu tư du lịch xanh cần tăng cường hợp tác giữa các địa phương với các nhà đầu tư, từ đó phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân, phát triển du lịch theo định hướng xanh, tỉnh có thế mạnh du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch sinh thái. Tỉnh có sông Tiền trải dài từ huyện Cái Bè đến thành phố Mỹ Tho, với hai nhánh sông Cửa Đại và Cửa Tiểu, hợp lưu ở cửa biển Gò Công tạo thành 3 vùng sinh thái tự nhiên, rất thuận lợi để phát triển du lịch xanh gồm: vùng du lịch hệ sinh thái nước ngọt, vùng du lịch hệ sinh thái ngập mặn và vùng du lịch hệ sinh thái nước ngập phèn. Ngoài ra, Tiền Giang có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề. Phát triển du lịch theo định hướng xanh, tỉnh đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, ưu đãi đầu tư phát triển du lịch bằng nhiều chính sách như hỗ trợ về vốn, thuế, đào tạo nhân lực... Giai đoạn 2020-2025, Tiền Giang thu hút đầu tư phát triển các cụm du lịch trọng điểm là cụm du lịch Cái Bè, cụm du lịch cù lao Thới Sơn, cụm du lịch biển Tân Thành và khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười.
Cùng chia sẻ về giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hạ tầng và sản phẩm du lịch, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho hay, tỉnh chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông, kết nối thuận lợi đến các điểm du lịch. Phát triển du lịch theo định hướng phát triển xanh, tỉnh tăng cường đầu tư các sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng thân thiện với môi trường, du lịch làng nghề, du lịch văn hóa... Trong đó, Đồng Tháp chú trọng phát triển các tour, tuyến, sản phẩm đặc trưng là các làng hoa, cây kiểng, trồng cây ăn trái đặc sản như xoài, quýt, các làng nghề trồng sen, dệt choàng, dệt chiếu, gia tăng trải nghiệm cho du khách. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, thu hút khoảng 5 triệu lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Tăng cường liên kết
Liên kết các điểm, tuyến du lịch sẽ tạo sự đa dạng cho sản phẩm, thu hút du khách với thời gian lưu trú và chi tiêu nhiều hơn. Liên kết du lịch cũng thúc đẩy lẫn nhau giữa các địa phương, vùng, miền, mang đến cho du khách những chuỗi sản phẩm dịch vụ tốt nhất có thể, giúp các địa phương tăng trưởng, phát triển du lịch bền vững trong mọi thời gian và không gian.
Theo thông tin từ Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, Thành phố đóng vai trò là “hạt nhân” vùng Đông Nam Bộ, là cực tăng trưởng của cả nước. Đối với lĩnh vực du lịch, thành phố còn đóng vai trò dẫn dắt hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch ở Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Phục hồi và phát triển du lịch giai đoạn hậu COVID-19, liên kết, hợp tác giữa ngành du lịch và các ngành khác trên cùng địa bàn Thành phố được thực hiện thông qua việc liên kết phát triển sản phẩm, xây dựng các chính sách phát triển du lịch. TP Hồ Chí Minh đã chuyển từ ký kết hợp tác phát triển du lịch song phương với ngành du lịch của các tỉnh, thành sang hợp tác, ký kết theo hướng đa phương và theo vùng, khu vực ở cấp độ chính quyền với gần 50 tỉnh, thành trong cả nước. Việc triển khai thực hiện các liên kết này là hướng đi phù hợp xu thế phát triển bền vững, tạo sức lan tỏa cho cộng đồng, cho hệ sinh thái du lịch cùng cộng hưởng phát triển, góp phần phát triển du lịch bền vững theo định hướng tăng trưởng xanh. Qua các chương trình hợp tác, các doanh nghiệp lữ hành đã khai thác hiệu quả khoảng100 chương trình tour liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành.
Tiếp tục đề cao giải pháp liên kết, hợp tác, TP Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Thành phố trở thành trung tâm du lịch hàng đầu khu vực Đông Nam Á, là điểm đến du lịch đẳng cấp, hấp dẫn có tính cạnh tranh cao bằng những sản phẩm du lịch chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh đón khoảng 15,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế và và 55,6 triệu lượt khách du lịch trong nước.
Cũng là tỉnh phát triển mạnh về du lịch, Bà Rịa-Vũng Tàu với thế mạnh du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, trải nghiệm văn hóa, du lịch gắn với sự kiện cũng đang đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, liên kết phát triển. Theo Giám đốc Sở Du lịch Trịnh Hàng, Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh, thành, doanh nghiệp lữ hành trong vùng Đông Nam Bộ đã cùng khảo sát và hình thành các tour liên tỉnh, liên vùng mới, thu hút du khách bằng những sản phẩm du lịch gắn với tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa, góp phần phát triển du lịch xanh, thân thiện môi trường. Đó là các hành trình TP Hồ Chí Minh - Hồ Tràm - Bình Châu (Bà Rịa -Vũng Tàu), TP Hồ Chí Minh-Côn Đảo, trung tâm TP Hồ Chí Minh - Củ Chi - Núi Bà Đen (Tây Ninh), TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa -Vũng Tàu…
Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế trụ cột của tỉnh, phát triển thành phố Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư hoàn thiện hạ tầng, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch với nguyên tắc phát huy hiệu quả tài nguyên du lịch thiên nhiên và văn hóa, gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị sinh thái, nâng cao đời sống cộng đồng, đảm bảo tính bền vững của kinh tế du lịch theo định hướng tăng trưởng xanh.