Phát huy tiềm năng du lịch cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long

Là địa phương nằm trong khu vực sông Tiền, cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang đang phát huy tiềm năng du lịch, giải quyết công ăn việc làm và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - văn hóa chung của tỉnh.

Chú thích ảnh
Du khách trải nghiệm hoạt động tự bơi xuồng trên sông trong Nông trại dê sữa du lịch Đông Nghi (Tiền Giang). Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của ngành du lịch tỉnh Tiền Giang là nâng cao hiệu quả điều hành, đa dạng hóa các loại hình, liên kết phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình OCOP và xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại các địa phương.

Thế mạnh miệt vườn

Bà Đồng Thị Mười, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Cai Lậy cho biết, nằm trong vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh, Cai Lậy quan tâm khai thác thế mạnh về phát triển du lịch miệt vườn sông nước, tạo sức hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, đưa du lịch Cai Lậy phát triển bền vững, hiệu quả.

Theo bà Đồng Thị Mười, huyện coi trọng đầu tư phát triển du lịch gắn với tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, đem lại hiệu quả tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Vừa qua, huyện Cai Lậy đầu tư trên 230 tỷ đồng đầu tư phát triển du lịch xã cù lao Tân Phong kết hợp phòng, chống sạt lở bảo vệ sản xuất và đời sống người dân. Trong giai đoạn 2025 - 2030, Cai Lậy tiếp tục đầu tư thêm 35 tỷ đồng làm 2 công trình hạ tầng giao thông kết nối phát triển du lịch Tân Phong gồm: tuyến đường nhựa kết nối cồn Tân Phong - cồn Tân Thiện và đường Nam cồn Trít nhằm từng bước khai thác tốt tiềm năng du lịch sông nước, đưa Tân Phong trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Phong Trần Văn Nhịn vui mừng cho biết, hiện nay, toàn xã có hàng chục điểm du lịch nông nghiệp, tham quan cồn bãi và các thắng cảnh cù lao sông nước trên sông Tiền, mỗi năm thu hút từ 25.000 đến 30.000 lượt du khách.

Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang) Võ Văn Lập nhận xét, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái cảnh quan của khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững, là hướng đi đúng của tỉnh Tiền Giang.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang sẽ hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành giới thiệu sản phẩm, tài liệu, sản phẩm OCOP; hình ảnh về du lịch địa phương qua các kênh thông tin du lịch trong ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố, thị xã cũng cần xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn cũng như tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển du lịch nông thôn; quảng bá điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn đặc thù vùng miền trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh bố trí lồng ghép các nguồn lực, tăng cường xã hội hóa để đa dạng nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật cho các điểm du lịch nông thôn.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân cho biết, Tiền Giang hiện có 185 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng đang được đưa vào khai thác, phát triển du lịch gắn với giáo dục truyền thống cách mạng địa phương. Những nơi này đang trở thành các điểm tham quan hấp dẫn du khách trong và ngoài nước trong khuôn khổ các tour du lịch sinh thái miệt vườn.

Liên kết điểm đến

Chú thích ảnh
Khách du lịch trải nghiệm hoạt động cào nghêu tại một bãi nuôi trên biển Gò Công (Gò Công Đông, Tiền Giang). Ảnh: Hữu Chí/TTXVN

Tiền Giang quan tâm đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá trên các trang thông tin điện tử. Việc phát triển sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn luôn được tỉnh chú trọng theo hướng gắn kết các loại hình du lịch đặc thù địa phương như: các tour du lịch sông nước miệt vườn, du lịch biển Tân Thành (Gò Công Đông), tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, các làng nghề truyền thống, thưởng thức trái cây đặc sản vùng miền, ẩm thực phương Nam, nghe đờn ca tài tử…

Trong năm 2025, Tiền Giang có thêm nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm và hình ảnh du lịch địa phương trên các kênh thông tin. Việc quan tâm khai thác tốt các tour du lịch mới thu hút khách du lịch được tăng cường và thực hiện thường xuyên thông qua sự kết nối, tổ chức của các doanh nghiệp lữ hành trong, ngoài tỉnh; hoạt động hợp tác liên kết ngày càng được mở rộng và thiết thực hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành còn chủ động xây dựng tour, tuyến và mở rộng thị trường du lịch giữa Tiền Giang với các vùng, miền trong cả nước.

Mặt khác, địa phương chú trọng kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng du lịch, tạo tiện nghi tốt nhất phục vụ du khách cũng như nhu cầu mua sắm, vui chơi, sinh hoạt trong thời gian lưu lại địa phương.

Chú thích ảnh
Du khách vui chơi tại bãi biển Gò Công. Ảnh: Hữu Chí/TTXVN

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang Võ Phạm Tân nhấn mạnh, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour - tuyến du lịch hợp lý, khoa học, tạo thuận lợi nhất cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan tại Tiền Giang cũng như liên kết với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm phát triển du lịch bền vững, hiệu quả.

Ông Huỳnh Kim Bình, Giám đốc Công ty du lịch lữ hành VietStar (Tiền Giang) phấn khởi cho biết, việc liên kết khai thác các tour du lịch lữ hành đang mang lại hiệu quả, tạo sức hấp dẫn và thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu về đất và người Tiền Giang.

Trong các ngày cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ, từ 25/1 đến 31/1 (26 tháng Chạp đến ngày mùng 3 tháng Giêng), ngành Du lịch địa phương đã đón gần 130.000 lượt du khách, tăng 40,7% so với cùng kỳ (trong đó có trên 15.000 lượt khách quốc tế, tăng 31,1%); doanh thu du lịch đạt trên 92,2 tỷ đồng, tăng 43%.

Tiền Giang phấn đấu trong năm 2025 đón khoảng 2,1 triệu lượt du khách, trong đó có 700.000 khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt 1.507 tỷ đồng.

Minh Trí (TTXVN)
Tháng đầu năm, Kiên Giang đón trên 897.000 lượt khách du lịch
Tháng đầu năm, Kiên Giang đón trên 897.000 lượt khách du lịch

Theo Sở Du lịch Kiên Giang, tổng thu du lịch tháng đầu năm 2025 của tỉnh hơn 2.900 tỷ đồng, đạt 10,4% kế hoạch năm. Tỉnh đón trên 897.160 lượt khách du lịch, đạt 8,4% kế hoạch năm; trong đó khách quốc tế đón 126.175 lượt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN