Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lân, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững (STDe) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN
Phát biểu khai mạc, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lân, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững (STDe) cho biết, sau 15 năm nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để nghiên cứu và ứng dụng hàng loạt các dự án du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu vào thực tế Việt Nam, Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững đã góp phần mở ra một cánh cửa mới, một lối đi hoàn toàn khác biệt cho con đường sáng tạo và phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam…
Với khát vọng thay đổi tư duy xã hội để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam, những năm qua, STDe đã đầu tư trọng điểm cho các công trình nghiên cứu có “tư duy đột phá”, giải quyết các thách thức lớn nhất của du lịch Việt Nam hiện nay như: Vấn đề cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu...
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững, tư duy đột phá là lối tư duy vượt khung, thậm chí phá bỏ hoàn toàn lối tư duy cũ trong các giai đoạn kinh tế- xã hội trước đây. Thế giới hiện nay là một thế giới phát triển hỗn độn, đầy những biến động phức hợp của thiên nhiên và xã hội, con người nếu không chịu trang bị cho mình một tư duy hoàn toàn mới, sẽ khó mà thích ứng để tồn tại…
Vì vậy, những năm qua, STDe đã nghiên cứu và liên tục công bố “35 bộ sản phẩm du lịch đột phá”, tạo được nhiều tiếng vang lớn trong dư luận như: Sản phẩm Du lịch “Mưa, bão, lụt” miền Trung; Sản phẩm Du lịch “Gió Bạc Liêu”; Sản phẩm Du lịch “Khách sạn Bóng đêm”; Sản phẩm Du lịch “Rơm Đường Lâm”... Đặc biệt, Dự án “Biến mưa, bão, lụt miền Trung thành sản phẩm du lịch” đã thay đổi tư duy ứng xử với biến đổi khí hậu. Thay cho “trốn chạy” và “chống lại” các yếu tố thời tiết bất lợi, dự án đề xuất các giải pháp để du lịch có thể “sống chung” và tìm kiếm cơ hội từ chính những yếu tố bất lợi đó. Dự án hiện đang được một số doanh nghiệp du lịch ứng dụng triển khai tại thành phố Huế và thành phố Hội An.
Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN
Ngoài ra, dự án mô hình "Khách sạn Bóng đêm” là mô hình khách sạn tiết kiệm năng lượng điện ở mức tối đa nhưng lại khai thác được nhiều giá trị và vẻ đẹp của bóng tối để giúp khách du lịch có những trải nghiệm hoàn toàn mới và tạo được doanh thu cho du lịch. Dự án này được trao tặng giải thưởng cống hiến của cuộc thi “Ý tưởng Kinh tế Xanh 2011” và đã ký được hợp đồng chuyển giao công nghệ cho 3 doanh nghiệp tại Hội chợ Techmart Quốc tế 2013.
“Thời gian tới, STDe sẽ vẫn tiếp tục đi trên con đường sáng tạo của mình để thúc đẩy và lan tỏa các dự án du lịch đột phá, thích ứng với biến đổi thiên nhiên và xã hội, góp phần đưa du lịch Việt Nam lên một tầm cao mới, xứng đáng với những gì mà thiên nhiên và di sản cha ông đã trao tặng...”, Tiến sỹ Nguyễn Thu Hạnh nhấn mạnh.
Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi và đóng góp cho các dự án du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu của STDe. Từ đó, các đại biểu đề xuất một số giải pháp quy hoạch - kiến trúc và hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu. Có thể kể đến như: giải pháp quy hoạch chuỗi đảo thích ứng linh hoạt với hệ sinh thái ngập nước ven sông, tạo kênh rạch, hồ điều hòa, hồ tích nước mưa; giải pháp kiến trúc công trình tiến tới xây dựng nhà trên cột, nhà trên cây, nhà trên phao, nhà trên bè, nhà di động, nhà nổi; giải pháp năng lượng thúc đẩy sử dụng điện mặt trời, điện gió; giải pháp vật liệu hướng tới vật liệu xốp thấm nước, cây xanh lợp mái trong tương lai. Ngoài ra, giải pháp hạ tầng kỹ thuật sẽ tập trung xây dựng đường giao thông kết hợp kè chắn sóng để phòng xói lở; xây dựng hành lang cầu liên kết các khu chức năng; xây dựng các cầu dẫn từ cầu Long Biên xuống công viên; sử dụng điện gió, điện mặt trời; xây dựng hệ thống kênh rạch và hệ thống thoát nước ngầm.