Tạo sức bật để du lịch Việt Nam đạt mục tiêu của năm 2025

Ngành Du lịch Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp, tăng tốc phát triển du lịch từ đầu năm, hướng đến mục tiêu đạt doanh thu triệu tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Du khách quốc tế đến thành phố Huế bằng đường tàu biển tăng cao trong những năm gần đây. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Tháng 1/2025, nhiều địa phương trong cả nước đạt doanh thu nghìn tỷ đồng từ hoạt động du lịch. Thống kê từ 25/1- 2/2/2025, ngành Du lịch cả nước ước đón và phục vụ 12,5 triệu lượt khách nội địa, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2024. Năm 2025, với mục tiêu đón từ 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế, ngành Du lịch Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp, tăng tốc phát triển du lịch từ đầu năm, hướng đến mục tiêu đạt doanh thu triệu tỷ đồng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Doanh thu nghìn tỷ đồng từ du lịch

Theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ kéo dài trong 9 ngày, nhiều địa phương trong cả nước ghi nhận lượng khách du lịch tăng cao, mang đến nguồn thu "khủng" ngay trong tháng đầu tiên của năm 2025. Đáng nói, có nhiều tỉnh, thành phố đã công bố đạt tổng thu nghìn tỷ đồng từ du lịch trong những ngày nghỉ lễ. Theo báo cáo nhanh của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đứng đầu là Thành phố Hồ Chí Minh ước đón 2,1 triệu lượt (tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2024), tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 7.690 tỷ đồng, tăng 17,4%. Tiếp đến là Hà Nội với khoảng 1 triệu lượt khách (tăng 6%), tổng thu ước đạt 3.530 tỷ đồng (tăng 7,85%); Quảng Ninh đón 969.000 lượt khách, tổng thu ước đạt 2.665 tỷ đồng (tăng 71%); Kiên Giang ước đón 471.191 lượt khách (tăng 19,9%), tổng thu ước đạt hơn 1.886 tỷ đồng (tăng 49,5%). Đà Nẵng ước đón 469.000 lượt khách (tăng 16,7%), tổng thu ước đạt khoảng 1.887 tỷ đồng (tăng 19,4%). Khánh Hòa đón 825.195 lượt khách (tăng 30,6%), tổng thu ước đạt hơn 1.246 tỷ đồng (tăng 41,7%). Lào Cai ước đón 331.382 lượt khách (tăng 24,96%), tổng thu ước đạt 1.201 tỷ đồng (tăng 33%).

Đánh giá về kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết: Với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công tác chuẩn bị đón khách dịp Tết Nguyên đán 2025 đã được triển khai kịp thời. Sở quản lý nhà nước về du lịch tại các địa phương đã chỉ đạo doanh nghiệp du lịch trên địa bàn nghiêm túc chấp hành, quán triệt chỉ đạo của các cơ quan chức năng, bảo đảm phục vụ nhân dân và du khách đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Năm nay, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025 kéo dài 9 ngày được công bố sớm cùng với thời tiết thuận lợi ở hầu hết các địa phương trong cả nước nên nhu cầu đi du lịch của người dân tăng hơn so với kỳ nghỉ năm 2024. Các hoạt động du lịch ngoài trời diễn ra sôi nổi, an toàn, mang đến không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân và khách du lịch. Bên cạnh đó, hệ thống doanh nghiệp lữ hành trong cả nước đã có sự chuẩn bị từ sớm, chủ động xây dựng và mở bán đa dạng tour du lịch trong nước và quốc tế; áp dụng nhiều chương trình khuyến mại kích cầu du lịch mùa Tết Nguyên đán 2025. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú du lịch chủ động đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi. Các tỉnh, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện hấp dẫn để phục vụ người dân và du khách.

Năm 2025 với động lực mới, sức bật mới

Chú thích ảnh
Suối Yến (Quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Hương Sơn - chùa Hương, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) tấp nập dòng thuyền chở khách trẩy hội vui Xuân. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Những con số mà ngành Du lịch Việt Nam đạt được trong tháng 1/2025 cho thấy, sau hơn 2 năm Việt Nam mở cửa hoạt động du lịch trở lại (15/3/2022), lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã phục hồi tích cực. Năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 17,5 triệu lượt, trở lại dấu mốc năm 2019 (thời kỳ trước dịch COVID-19, du lịch Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất).

Theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, kết quả của năm 2024 có được là nhờ sự quan tâm của chỉ đạo Đảng, của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc đưa ra các định hướng, quyết sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho du lịch. Các giải pháp đồng bộ của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực của hệ thống doanh nghiệp du lịch, cộng đồng du lịch trong việc thúc đẩy du lịch; trong đó, cần nhấn mạnh các chính sách về thị thực, xuất nhập cảnh. Đồng thời, sự đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và các hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam tại nhiều thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng đã tác động rất mạnh đến việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

"Với tốc độ tăng trưởng của du lịch thời gian qua cùng những ghi nhận của quốc tế, những chuyển động mạnh mẽ từ nội tại, có thể tin tưởng vào sức bật của du lịch Việt Nam. Thời gian tới, du lịch Việt Nam luôn sẵn sàng tâm thế bước vào thời kỳ phát triển mới với động lực mới, sức bật mới", Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết.

Du lịch Việt Nam đang đứng trước vận hội mới để khẳng định vị thế là ngành kinh tế mũi nhọn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu của Ðảng, Nhà nước và kỳ vọng của nhân dân. Năm 2025, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đầy "tham vọng": Đón từ 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 120 - 130 triệu lượt khách nội địa, đạt tổng thu từ du lịch khoảng 980 - 1.050 nghìn tỷ đồng, vươn đến mốc thu triệu tỷ đồng. Năm 2025 được kỳ vọng là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của ngành Du lịch sau những biến động lớn.

Để đạt được những mục tiêu trên, ngành Du lịch Việt Nam định hướng tập trung vào chiều sâu, chất lượng, chuyên nghiệp, bền vững, thương hiệu. Du lịch Việt Nam sẽ chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ; tập trung xây dựng các sản phẩm ngày càng đẳng cấp để mang lại những giá trị trải nghiệm thực sự đặc sắc, ấn tượng cho du khách. Đồng thời, ngành Du lịch sẽ triển khai đồng bộ những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nêu tại Nghị quyết 82/NQ-CP và Chỉ thị 08/CT-TTg của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành, thích ứng với điều kiện trong giai đoạn phát triển mới. Ngành sẽ tập trung thực hiện từ đổi mới phương thức xúc tiến quảng bá du lịch đến việc đề xuất những cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho hoạt động du lịch… Bên cạnh đó, tất cả các giải pháp được ưu tiên để phát huy các lợi thế của Việt Nam hướng đến tăng cường thu hút khách quốc tế, nâng cao hiệu quả đóng góp từ hoạt động du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.

Để phát triển du lịch xanh, bền vững, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cũng nhấn mạnh đến 2 yếu tố là con người và công nghệ. Trong đó, đội ngũ nhân lực du lịch Việt Nam cần được đào tạo bài bản hơn, từ kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp đến năng lực chuyên môn, để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, cần chú trọng đến ứng dụng công nghệ để gia tăng giá trị du lịch. Bởi lẽ trong xu thế công nghệ đang làm thay đổi toàn diện cách khách du lịch tiếp cận và trải nghiệm dịch vụ, công nghệ đang là công cụ tối ưu nhất giúp ngành Du lịch Việt Nam tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng, từ việc đặt vé qua ứng dụng di động, tham quan ảo các điểm đến trước khi đi, đến thanh toán không dùng tiền mặt, phản hồi, đóng góp ý kiến…

Hiện, Việt Nam được đánh giá là có dư địa lớn về phát triển du lịch, nhất là các tài nguyên thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản được UNESCO công nhận… Các đơn vị du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, mang tầm của điểm đến để giới thiệu với bạn bè quốc tế, góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm và năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam trong khu vực và vươn ra thị trường quốc tế.

Ngọc Bích (TTXVN)
Du lịch xứ Nghệ khởi sắc đầu Xuân
Du lịch xứ Nghệ khởi sắc đầu Xuân

Những ngày đầu năm mới Ất Tỵ 2025, ngành Du lịch Nghệ An đã đón những tín hiệu tích cực với lượng khách tăng cao, chất lượng dịch vụ đảm bảo, đa dạng các sản phẩm độc đáo, hấp dẫn. Qua đó, tạo đà tăng trưởng bứt phá, hoàn thành mục tiêu đón 6,1 triệu lượt du khách năm 2025, trong đó có 130.000 lượt khách quốc tế, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 11.800 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN