Cuộc họp tập trung thảo luận những khuyến nghị về quản lý du lịch và rác thải tại Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long do nhóm tư vấn đánh giá đề xuất.
Tham dự cuộc họp có đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và đại diện của các doanh nghiệp cùng các thành viên trong Liên minh Hạ Long - Cát Bà.
Với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Sáng kiến Liên minh vịnh Hạ Long – Cát Bà được khởi xướng vào năm 2014 nhằm xây dựng cơ chế hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương, từ đó thúc đẩy các hoạt động bảo tồn, bảo vệ môi trường tại vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà.
Năm 2015, Liên minh thành lập Ban lãnh đạo nhằm giải quyết những thách thức về môi trường từ hoạt động của các du thuyền, hỗ trợ kỹ thuật cho UNESCO trong công tác quản lý vịnh Hạ Long cũng như đề xuất mở rộng Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long bao gồm quần đảo Cát Bà.
Năm 2017, USAID tiếp tục hỗ trợ tài chính cho IUCN, trước hết, để tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào Liên minh nhằm thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và bảo vệ Di sản; vận động để Nhà nước ban hành các quy định chính sách thúc đẩy các hoạt động này.
Thứ hai là khẳng định giá trị của việc đề cử Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long mở rộng được thể hiện thông qua mức độ giám sát ở cấp độ quốc tế và từ đó sẽ tác động đến công tác quản lý môi trường của khu di sản trong tương lai.
Tháng 7/2018, theo yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Ninh, IUCN tổ chức đoàn tư vấn đánh giá do hai chuyên gia quốc tế thực hiện nhằm hỗ trợ hoạt động quản lý du lịch bền vững và bảo vệ môi trường tại vịnh Hạ Long.
Theo ý kiến của đoàn tư vấn, những giá trị về địa chất của Di sản hiện chưa bị đe dọa nhưng với số lượng khách du lịch ngày càng gia tăng cùng công tác quản lý du lịch và rác thải chưa hiệu quả đã và đang tác động rất lớn đến những giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản.
Đoàn đã đề xuất một số biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng trải nghiệm của khách du lịch và giảm thiểu những tác động của du lịch thông qua hệ thống đặt chỗ tập trung, nhằm quản lý sức tải của từng khu vực trong Di sản.
Một điểm quan trọng nữa là việc xác định ranh giới của Di sản thiên nhiên thế giới mở rộng bao gồm vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà cần phải được thực hiện cùng công tác quản lý và quy hoạch chặt chẽ, đảm bảo không có thêm những tác động gây ảnh hưởng đến cảnh quan của Di sản thiên nhiên.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã bàn về một số vấn đề khác như sự cần thiết phải có một cơ chế quản lý đồng bộ giữa Hải Phòng và Quảng Ninh về vấn đề ô nhiễm chất thải rắn và ô nhiễm nước; cập nhật tiến độ chuẩn bị hồ sơ tái đề cử Di sản thiên nhiên thế giới mở rộng bao gồm vịnh Hạ Long, quần đảo Cát Bà và giới thiệu sáng kiến mới của IUCN nhằm thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vào công tác bảo vệ môi trường.