Trong đó, các địa phương sẽ dựa trên tiềm năng, tài nguyên du lịch và điều kiện liên quan để phát triển du lịch của mỗi địa phương và từng bước xây dựng thương hiệu du lịch vùng, hướng đến sự bền vững và phát triển.
Cơ chế điều hành liên kết
Để thực hiện kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020, Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã được thành lập. Đây là đơn vị nền tảng cơ sở cho việc tổ chức những hoạt động hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị (Famtrip) giới thiệu Chương trình du lịch liên kết đặc trưng giữa Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể, mỗi tỉnh, thành sẽ có ít nhất một đoàn Famtrip đến khảo sát và xúc tiến thương mại du lịch. Còn doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành, dịch vụ du lịch, hiệp hội du lịch... phát huy vai trò then chốt trong xây dựng sản phẩm, chương trình du lịch liên kết hấp dẫn, độc đáo, khác biệt của mỗi địa phương và cả khu vực. Ngoài ra, các bên liên quan cùng "bắt tay" thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch, tạo cơ hội hợp tác, liên kết phát triển của doanh nghiệp 14 địa phương.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, 14 tỉnh, thành sẽ tổ chức khảo sát điểm đến, sản phẩm và dịch vụ trên tuyến, đề xuất danh sách một số di tích văn hóa lịch sử đã được công nhận đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ chuẩn hóa, nâng cấp để kết hợp phát triển du lịch. Song song đó, Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trao đổi với doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phác thảo Chương trình tour, tuyến du lịch dự kiến kết nối 14 tỉnh, thành, cũng như thống nhất cụm địa phương liên quan theo từng tuyến như: Tuyến du lịch "Những nẻo đường phù sa", "Non sông hữu tình"...
Còn theo ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực trọng điểm sản xuất lương thực, hoa quả, thủy sản của cả nước. Đồng thời, khu vực này cũng là một trong 7 trung tâm du lịch với tài nguyên đặc thù cảnh quan thiên nhiên sông nước miệt vườn, đất ngập nước, du lịch biển và lễ hội. Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là trung tâm thu hút khách du lịch của cả nước mà còn là trung tâm trung chuyển, đưa khách du lịch đến Đồng bằng sông Cửu Long, chính vì vậy, vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc liên kết phát triển du lịch của khu vực là rất quan trọng.
"Việc liên kết giữa 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh để cùng phát triển bền vững là tất yếu, bởi trong những năm qua việc liên kết đã hình thành nhưng chưa đi vào chiều sâu do đó hiệu quả không cao. Về phía tỉnh Đồng Tháp sẽ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh cùng triển khai kế hoạch hành động thực hiện các mục tiêu của Chương trình hợp tác, phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành", ông Đoàn Tấn Bửu nhấn mạnh.
Quảng bá, xúc tiến đầu tư
Đại diện nhiều địa phương tại khu vực phía Nam cho rằng, kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 cần tập trung quảng bá, xúc tiến du lịch đến các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng, giữ ổn định thị trường truyền thống. Cùng với đó, các địa phương phối hợp tổ chức sự kiện chung để tăng cường liên kết, quảng bá xúc tiến sản phẩm mới, tour tuyến liên vùng.
Mặt khác, các địa phương nên chủ động lựa chọn, giới thiệu doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng và dự án trọng điểm về phát triển du lịch nhiều tỉnh, thành liên kết hợp tác phát triển du lịch cùng tham gia giới thiệu, xúc tiến đầu tư. Từ đó, Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long phát huy vai trò phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận thông tin, chính sách, quy trình thủ tục hành chính... trong đầu tư phát triển du lịch.
Thêm một vấn đề nữa, hướng đến triển khai thành công những mục tiêu của Chương trình liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, thì vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh rất quan trọng, cũng như là điểm kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Với số lượng doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành đứng đầu về cả số lượng và chất lượng, các tỉnh, thành khu vực phía Nam có lợi thế phát triển những chương trình du lịch hướng đến việc xây dựng thương hiệu du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long có sức hấp dẫn cao và phát triển bền vững.
Cụ thể, đại diện Công ty du lịch Vietravel cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long cần phát huy lợi thế có nhiều di sản văn hóa, ẩm thực để xây dựng sản phẩm du lịch riêng của từng tỉnh, sau đó tìm ra điểm chung để xây dựng loại hình du lịch chung, thương hiệu chung cho toàn vùng. Trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay, xu hướng tiếp cận thông tin du lịch thông qua kênh online ngày càng phổ biến, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cần xây dựng và triển khai cổng thông tin chung của du lịch toàn vùng, thông qua website, ứng dụng di động, cập nhật thông tin du lịch, xúc tiến du lịch đến với du khách trong và ngoài nước.
Liên quan đến kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, liên kết phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện nhiều năm qua, song chưa có những giải pháp cụ thể, hành động đồng bộ, dẫn đến những kết quả đạt được còn rất hạn chế. Do đó, các tỉnh, thành cần những giải pháp thiết thực khai thác được tiềm năng, lợi thế của một vùng giàu văn hóa, tài nguyên du lịch, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển bền vững của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, trong năm 2020 các địa phương phải phối hợp hoàn thành mục tiêu xây dựng cho rõ thương hiệu du lịch vùng thông qua những chương trình hành động cụ thể như tổ chức hội nghị về hiệu quả liên kết vùng và xây dựng thương hiệu du lịch vùng; xây dựng phim quảng bá về thương hiệu du lịch vùng và ứng dụng công nghệ thông tin để hình thành cộng đồng trực tuyến của thương hiệu du lịch vùng. Riêng với mỗi địa phương, muốn kêu gọi đầu tư đạt hiệu quả cụ thể thì nên rà soát và lựa chọn 1 hoặc 2 dự án tiêu biểu gắn với phát triển lợi thế cạnh tranh của địa phương, ưu tiên thu hút đầu tư trong giai đoạn 2020 - 2022.
Trong đó, các địa phương chú trọng tổ chức cho nhà đầu tư khảo sát dự án tiêu biểu mà 13 tỉnh, thành mong muốn được đầu tư để đánh giá hiện trạng và khả năng thu hút mời gọi đầu tư. Ngoài ra, Trung tâm xúc tiến du lịch của các tỉnh, thành phải tăng cường mối liên kết, hợp tác trong việc phối hợp với Hiệp hội Du lịch, doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành cung cấp hình ảnh, sản phẩm du lịch đặc sắc, thông tin điểm đến cho du khách.
Bài cuối : Định vị thương hiệu, chất lượng du lịch vùng