Trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam, khách đến bằng đường hàng không chiếm đa số với hơn 14,8 triệu lượt người (84,4%), bằng đường bộ gần 2,5 triệu lượt người (14,2%) và bằng đường biển là 248.100 lượt người (1,4%).
Về khu vực, khách quốc tế đến từ châu Á chiếm tỷ trọng lớn nhất (79,6%), tiếp đến là châu Âu (11,3%), châu Mỹ (5,7%) và châu Phi (0,3%). Hàn Quốc vẫn giữ vững vị trí thị trường lớn nhất gửi khách tới Việt Nam với 4,5 triệu lượt (chiếm 25,98%). Trung Quốc xếp thứ hai với 3,7 triệu lượt (21,26%), Đài Loan (1,29 triệu lượt), Mỹ (780.000 lượt)...
Đáng chú ý, thị trường Ấn Độ đã trở thành điểm nhấn với sự tăng trưởng đột phá. Từ 138.000 lượt khách năm 2022, đã tăng lên 501.000 lượt năm 2024, tăng gần 2,6 lần chỉ sau 2 năm. Có thể nói, Ấn Độ là thị trường tiềm năng, góp phần đáng kể vào sự đa dạng hoá thị trường nguồn khách.
Về mức độ phục hồi so với năm 2019, khu vực châu Âu đạt 92%, trong khi châu Mỹ và châu Úc vượt mức, tương ứng đạt 103% và 125%. Tại châu Á, Ấn Độ đánh dấu mốc tăng trưởng ngoạn mục với 297% so với trước dịch. Các thị trường gần như Indonesia (173%), Lào (151%) và Philippines (148%) cũng có kết quả tích cực. Tuy nhiên, nhóm thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản chỉ mới phục hồi được 64% và 75%.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã triển khai hàng loạt chiến dịch quảng bá hiện đại, tập trung vào các thị trường trọng điểm và tiềm năng. Các chiến dịch truyền thông trên nền tảng số, kết hợp với hình thức quảng bá trực tiếp qua các sự kiện quốc tế như hội chợ du lịch và các chương trình giao lưu văn hóa đã góp phần nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Dù đạt được nhiều thành tựu, ngành Du lịch Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức, từ việc nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện hạ tầng đến phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, việc phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa địa phương cũng cần được ưu tiên để đảm bảo du lịch không chỉ tăng trưởng mà còn phát triển lâu dài.
Năm 2025, ngành Du lịch sẽ tập trung vào việc khai thác sâu hơn các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, tăng cường liên kết với các hãng hàng không để mở thêm đường bay thẳng, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong quảng bá và xúc tiến du lịch. Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đạt 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế.