Ngày 4/2, Sở Du lịch Hà Nội đã họp với đại diện các đơn vị lữ hành, lưu trú, điểm đến trên địa bàn Thủ đô để tiếp tục triển khai những cách ứng phó trong công tác phòng, chống dịch nCoV và các giải pháp để giữ ổn định thị trường du lịch thời gian tới.
Phó Tổng giám đốc Công ty vận chuyển đường bộ Minh Việt, bà Nguyễn Thị Phương Lan cho biết: Dòng khách Trung Quốc giảm 40% và đến cuối tháng 1 gần như dừng hẳn; trong khi lượng khách Hàn Quốc giảm 40% và dự báo tiếp tục giảm. Bà Nguyễn Việt Hà, Giám đốc kinh doanh của khách sạn Metropol Hà Nội cũng cho hay, dù không có nhiều nguồn khách Trung Quốc, nhưng trước thông tin về dịch, tháng 1, lượng khách đặt phòng giảm 20% và không có đăng ký đặt mới; sang tháng 2 giảm tiếp 30 - 40%. Nhiều khách đến từ các thị trường khác như châu Âu, Australia... sau khi hỏi thông tin tư vấn cũng chuyển chương trình. Theo quy luật, những tháng đầu năm thường là cao điểm của đặt phòng, nhưng tháng đầu năm mới nay giảm mạnh.
Đại diện Công ty lữ hành Kim Liên, đơn vị chuyên đón khách và tổ chức đưa khách tham quan Trung Quốc cũng cho biết: Tổng số khách hủy chương trình là hơn 10.000 khách. Từ ngày 27/1, phía Trung Quốc đã yêu cầu dừng hẳn hoạt động tổ chức đưa khách đi du lịch nước ngoài, thậm chí kể cả chào bán tour online. Công ty đã hoàn trả lại tiền 100% cho khách đặt tour và xác định doanh thu quý I bằng không. Tạm thời, đơn vị cho nhân viên nghỉ việc 2 tuần vì không có khách.
Theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Hanoi Redtour, sắp tới, Hà Nội có giải đua F1, nhưng hiện đã có đoàn xin báo hủy. Do đó, rất cần biện pháp hỗ trợ từ cơ quan quản lý, vì các dịch vụ về cơ bản đã đặt.
Còn ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Vietravel Hà Nội chia sẻ, nhiều đoàn khách hủy tour tháng 2 và tháng 3, thậm chí lùi thời gian tới tận tháng 4, tháng 5. Các điểm đến như Nha Trang, Đà Nẵng cũng bị khách hạn chế đặt tour do liên quan đến dịch bệnh. Công ty đang chia thành 3 giai đoạn, gồm từ nay đến 25/3 là thời điểm xử lý quyền lợi cho khách hàng khi hủy tour; từ 25/3 - 25/4 là giai đoạn tiền khởi động lại các chương trình và từ 30/4 sẽ là giai đoạn phục hồi kích cầu dịp hè nếu dịch bệnh được khống chế.
Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhận định, hoạt động của các đơn vị vận chuyển giảm 30 - 50%; số lượng khách tới các điểm đến giảm 30 - 50%. Những tổn thất của ngành Du lịch nói chung và du lịch Thủ đô nói riêng có thể sẽ còn tăng, khi tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp hơn. Hà Nội hiện có hơn 1.300 doanh nghiệp lữ hành, hơn 3.000 cơ sở lưu trú. Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở này đều xác nhận khó khăn, thách thức lớn khi dịch bệnh nCoV tiếp diễn.
Đại diện Vietnam Airlines tại Hà Nội thông tin, không chỉ các chuyến bay tới Trung Quốc bị hủy mà tất cả các chuyến bay quá cảnh (transit) từ tác quốc gia khác đến Việt Nam phải qua một số vùng như Bắc Kinh, Hong Kong… đều được hủy để bảo đảm tối đa cho công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV. Vietnam Airline đang nỗ lực cùng các đơn vị lữ hành nghiên cứu khai thác, thực hiện những tour tuyến mới đến những nơi không có dịch, để khách có thể yên tâm du lịch.
Theo Phó Giám đốc Vietravel Hà Nội Phạm Văn Bảy, ngành du lịch từng đối diện với những khó khăn tương tự khi dịch SARS lan tới Việt Nam, thời điểm đó nhiều hướng dẫn viên, nhân viên du lịch phải chuyển nghề khác, dẫn đến những khó khăn sau này khi phục hồi. Để tránh tình trạng này, các đơn vị du lịch cần ổn định đội ngũ nhân viên, đặc biệt là đội hướng dẫn viên yên tâm làm việc trong thời gian này.
Ông Trần Đức Hải cho biết thêm, số khách du lịch Trung Quốc chỉ chiếm 6,6%, nhưng khách quốc tế đến Hà Nội trong hơn 1 tháng qua giảm 24%, cho thấy tác động của dịch nCoV tới du lịch sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến cả các thị trường nguồn khách khác. Tuy vậy, để đảm bảo an toàn cho du khách, các đơn vị kinh doanh lữ hành, dịch vụ du lịch trên bàn thực hiện triệt để công tác phòng dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế. Đồng thời, vào giai đoạn thấp điểm này, các đơn vị có thể nghiên cứu đầu tư về công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực và lên kế hoạch kích cầu, phục hồi.