Ngăn đà suy giảm du khách quốc tế - Bài cuối

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DU LỊCH

Ngành du lịch Việt Nam trong những năm qua đã có những sự phát triển đáng ghi nhận, nhất là hệ thống hạ tầng du lịch. Lượng khách quốc tế tăng trưởng từ 3,8 triệu lượt năm 2009 lên 7,8 triệu lượt năm 2014. 

Gần đây, trước sự biến động tình hình khu vực và thế giới, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm tháng thứ 13 liên tiếp với mức hơn 11%; trong đó 2 thị trường chính là Trung Quốc (giảm hơn 30%) và khách Nga (giảm 25%). Mới nhất là sự sụt giảm từ các thị trường khách Hàn Quốc, Pháp, Bỉ, Đức... do dịch bệnh MERS-CoV và khó khăn kinh tế. Tuy nhiên, ngoài những nguyên nhân khách quan thì cần nhìn nhận thẳng thắn ngành du lịch Việt Nam luôn bị coi là phát triển dưới tiềm năng do thiếu các sản phẩm chuyên nghiệp để giữ chân du khách, xúc tiến du lịch yếu...

Ông Nguyễn Văn Tuấn.

Việc suy giảm lượng khách quốc tế đang nhận được sự quan tâm của Chính phủ và liên tiếp trong các phiên họp thường kỳ tháng 3, 5 và 6/2015, Chính phủ liên tiếp ban hành Nghị quyết 25/NQ-CP; số 39/NQ-CP và số 46/NQ-CP trong đó nhấn mạnh đến các nội dung, biện pháp nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch. Bên cạnh các giải pháp gỡ khó về thủ tục hành chính trong việc miễn visa với 6 thị trường khách; chấn chỉnh các hoạt động để đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường, vấn đề được nhiều người quan tâm là xây dựng sản phẩm du lịch cạnh tranh, cải thiện chất lượng dịch vụ. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch về định hướng phát triển sản phẩm du lịch:

Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục giảm 13 tháng liên tiếp, vậy Tổng cục Du lịch có những giải pháp đồng bộ nào để ngăn chặn đà suy giảm này, thưa ông?

Muốn thu hút khách du lịch, chúng ta phải có sản phẩm du lịch có sự khác biệt ở cấp độ quốc tế. Hiện chúng ta đã có một số danh thắng tạo được sự khác biệt gồm vịnh Hạ Long, Phong Nha Kẻ Bàng, Sơn Đoòng.

Bên cạnh đó, cần tạo thuận lợi cho khách khi làm visa. Cách tốt nhất là miễn visa, bởi trong bối cảnh cạnh tranh khu vực, các nước trong khu vực đã miễn visa, chúng ta không miễn sẽ khó tạo ra sức hút ở ngay khâu tiếp cận. Tiếp đó là đường bay kết nối tới các thị trường mục tiêu cũng phải thuận lợi. Đây là trở ngại mà Việt Nam đang phải đối mặt vì số lượng đường bay trực tiếp còn hạn chế.

Để tạo sự hài lòng của du khách thì môi trường du lịch và kiểm soát điểm đến là quan trọng. Chất lượng dịch vụ sẽ tạo niềm tin của khách du lịch và họ chính là người quảng bá hiệu quả nhất.

Cốt lõi để thu hút khách là chất lượng sản phẩm du lịch, vậy trong thời gian tới Tổng cục Du lịch sẽ định hướng xây dựng sản phẩm như thế nào?

Về mặt chính sách, năm 2011, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến 2020 và tầm nhìn 2030. Hiện nay, Tổng cục Du lịch đã hoàn thiện quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch vùng miền. Đến năm 2016, Bộ VHTTDL đề xuất bổ sung sửa đổi Luật Du lịch và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực du lịch.

Tổng cục Du lịch có trách nhiệm nghiên cứu thị trường, sản phẩm quốc gia và định hướng sản phẩm từng vùng miền. Các địa phương dựa vào tài nguyên, tiềm năng khác biệt để xây dựng chuỗi sản phẩm của riêng mình. Doanh nghiệp theo định hướng và mục đích kinh doanh để xây dựng sản phẩm giá trị của họ và tổ chức chào bán tới khách hàng thị trường nguồn. Doanh nghiệp hướng tới thị trường nào thì sẽ tổ chức xây dựng gói sản phẩm phù hợp để cạnh tranh bằng sự khác biệt, nổi bật, chất lượng, uy tín, niềm tin. Khi đã tạo dựng niềm tin cho khách du lịch sẽ định vị sản phẩm và thương hiệu, từ đó tạo hiệu quả trong kinh doanh du lịch.

Xúc tiến quảng bá du lịch luôn là khâu yếu kém, vậy ngành du lịch có giải pháp nào khắc phục khâu yếu kém này?

Hiện chúng tôi đã nghiên cứu 15 thị trường mục tiêu về các mặt kinh tế, văn hóa, xu hướng, đặc tính, nhu cầu của từng thị trường. Từ nghiên cứu này sẽ hình thành hoạt động quảng bá như thế nào, sản phẩm gì họ quan tâm. Chúng ta cần khắc phục tình trạng chỉ quảng bá cái chúng ta có, phải chuyển sang quảng bá sản phẩm khách yêu cầu. Nghiên cứu thị trường là tiền đề để hoạt động quảng bá theo hướng chuyên nghiệp.

Trong thời gian tới, hoạt động quảng bá xúc tiến sẽ tập trung vào thị trường phục hồi nhanh, thị trường gần. Hoạt động quảng bá sẽ huy động các nguồn lực Bộ VHTTDL và phối hợp với các doanh nghiệp, các hãng hàng không.

Cần đổi mới cơ bản hoạt động xúc tiến du lịch trên cả hai phương diện: Cách tiếp cận huy động nguồn lực và cách tổ chức thực hiện. Có thể tổ chức đấu thầu quốc tế đối với việc tổ chức sự kiện lớn, như gói truyền thông thương hiệu quốc gia trên CNN hoặc BBC. Nếu đơn vị nào đưa ra giải pháp hiệu quả, chi phí và cam kết tốt nhất thì sẽ được chọn.

Nhiều ý kiến cho rằng sản phẩm giá du lịch Việt Nam đắt hơn so với các nước trong khu vực, theo ông có nên xây dựng sản phẩm du lịch giá rẻ để cạnh tranh?

Theo tôi có hai vấn đề, có sản phẩm giá rẻ cung ứng cho số đông và sản phẩm thực sự đẳng cấp, chất lượng cho một bộ phận chi tiêu cao với dịch vụ chất lượng cao.

Thực tế, các nước đang áp dụng giải pháp giảm giá gói tour, chứ không giảm giá dịch vụ cụ thể. Thái Lan đang giảm giá tới mức không tưởng, nhắm tới từng nhóm đối tượng cụ thể. Tuy nhiên, giá giảm do Thái Lan có chính sách vĩ mô điều tiết từ việc mua sắm, giải trí để bù đắp giá rẻ.

Việt Nam không quá chú trọng dịch vụ giá rẻ, mà hướng tới dịch vụ chất lượng cao. Quan điểm phát triển du lịch trong thời gian tới là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, gắn với thương hiệu và cạnh tranh. Quan trọng là giá trị kinh tế do khách mang lại mới quyết định không phải giá rẻ… trong đó tập trung chất lượng và hiệu quả và hướng tới đối tượng lưu trú dài ngày, chi tiêu cao.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xuân Minh (thực hiện)
Ngăn đà suy giảm du khách quốc tế-Bài 2
Ngăn đà suy giảm du khách quốc tế-Bài 2

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra "6 nỗi sợ" của du khách nước ngoài khi đi du lịch Việt Nam là chặt chém, làm giá; giao thông không an toàn; ăn xin và ăn cắp vặt; an toàn thực phẩm; vệ sinh môi trường và có những nơi không thể hiện sự tôn trọng khách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN