Mỏ vàng chưa được khai thác đúng tầm
Những ngày gần đây, chị Nguyễn Mai An (ngụ ở quận 4, TP Hồ Chí Minh) thường cho các con đến Quận 7 để trải nghiệm trò chơi chèo SUP (Standup Paddle Board - lướt ván đứng) để ngắm sông Sài Gòn và vui chơi giải trí dịp hè.
“Dòng sông Sài Gòn hàng ngày qua lại nhưng hôm nay, tôi và các con mới được chèo thuyền lướt đi trên mặt sông và ngắm cảnh quan hai bên. Khi ngắm sông và chèo thuyền trên sông Sài Gòn, tôi thấy một cảm giác hoàn toàn mới, thú vị khi không phải đi đâu xa mà ngay tại Sài Gòn, tôi cũng có thể trải nghiệm cảm giác bình yên lênh đênh trên mặt nước; điều này cũng khiến tôi nhớ đến chuyến đi thăm miền Tây sông nước trước đây không lâu. Đặc biệt trong dịp hè, các con tôi vừa có thể vận động tăng cường sức khỏe vừa được vui chơi, đối với người lớn thì được xả stress rất hiệu quả để bắt đầu ngày làm việc mới hiệu quả hơn”, chị Mai An cho biết thêm.
Không chỉ tham gia chèo thuyền SUP, du khách trong và ngoài nước khi đến TP Hồ Chí Minh còn có thể trải nghiệm tour du lịch mới trên sông Sài Gòn có tên “Trải nghiệm du thuyền ngắm Sài Gòn - hòn ngọc Viễn Đông” với giá tầm hơn 2 triệu đồng/khách. Đây là sản phẩm du lịch mới được TP Hồ Chí Minh đưa vào khai thác trong giai đoạn bình thường mới và xem là điểm nhấn của sản phẩm du lịch đường sông TP Hồ Chí Minh hiện nay. Lộ trình tour du lịch "Trải nghiệm du thuyền ngắm Sài Gòn - hòn ngọc Viễn Đông" diễn ra khoảng 2 tiếng và bắt đầu khởi hành từ bến Bạch Đằng (16 giờ 15 phút) đến cầu Phú Mỹ - khu Mũi Đèn Đỏ (quận 7) và ngược lại về cầu Thủ Thiêm 2, cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh).
Là đơn vị lữ hành đầu tiên đưa vào khai thác tour du lịch ngắm sông Sài Gòn bằng du thuyền trong giai đoạn bình thường mới, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông - marketing của Công ty TST tourist cho biết: "Để tour du lịch ngắm sông Sài Gòn bằng du thuyền đi vào hoạt động thuận lợi như hiện nay, chúng tôi phải chạy đôn chạy đáo làm các thủ tục hành chính, liên tục đi cùng ngành du lịch khảo sát các điểm đến dọc hai bên bờ sông Sài Gòn. Dù rất khó khăn nhưng chúng tôi thấy vui vì tour du lịch này được đưa vào hoạt động, điều này cũng góp phần giúp TP Hồ CHí Minh khai thác được lợi thế của sông Sài Gòn. Sau hơn 1 tháng đi vào hoạt động, sản phẩm này đang được hàng trăm du khách đăng kí mua tour và hàng tuần, chúng tôi đều có tour khởi hành từ bến Bạch Đằng, Quận 1".
Mặt khác, người dân còn có thể lựa chọn phương tiện buýt sông với mức giá chỉ 15.000 đồng/người để ngắm khung cảnh thiên nhiên trên sông Sài Gòn. Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, chủ đầu tư dự án SaiGon Waterbus cho biết, để thu hút du khách và khai thác mỏ vàng trên sông Sài Gòn, vào chiều thứ bảy hàng tuần, đơn vì đều triển khai dự án nghệ thuật cộng đồng “Có hẹn với Saigon”. Tại chương trình này, du khách khi đi buýt sông có thể thưởng thức “bữa tiệc” âm nhạc sôi động, chất lượng ngay tại bến Bạch Đằng, sau đó tham gia hành trình khám phá trên sông Sài Gòn.
Chia sẻ về lợi thế của sông Sài Gòn, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du Ngoạn Việt, một đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm tổ chức các tour du lịch đường sông cho biết: “Nếu so với các dòng sông đi qua các thành phố khác trong cả nước, có thể nói TP Hồ Chí Minh có được dòng sông Sài Gòn vừa đẹp, vừa có khả năng tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách của thành phố. Một điều khác biệt mà các thành phố khác không có được, là cảng Sài Gòn dành cho tàu viễn dương du lịch đậu ngay bến Nhà Rồng, một di tích lịch sử nổi tiếng, tạo nét riêng và sang trọng của thành phố. Ngoài ra, ở đoạn cuối sông Sài Gòn cũng là kết thúc có hậu với rừng ngập mặn Cần Giờ, khu sinh quyển thế giới, là lá phổi của thành phố, là nơi có những di tích lịch sử và khu du lịch có tiếng”.
Tuy nhiên, theo đại diện các công ty lữ hành, mặc dù đã có nhiều cố gắng để phát triển du lịch đường sông nhưng kết quả du lịch đường sông của các doanh nghiệp trong những năm qua chưa đạt như kỳ vọng ban đầu. Cụ thể, với du lịch đường sông tại thành phố, lượng khách đến ăn uống trên các tàu nhà hàng ban đêm vẫn chiếm nhiều hơn du khách đi theo các tour du lịch đường sông. Trong đó, có nhiều nguyên nhân khiến hoạt động du lịch đường sông chưa thể phát triển: do hệ thống cầu tàu, bến bãi, cảnh quan môi trường vệ sinh sông nước chưa thật sự hoàn thiện, sự kết hợp của các đơn vị liên quan trong việc khai thác sản phẩm cũng có những hạn chế nhất định khi phải dựa theo thời tiết, con nước lên xuống…
Khai thác đa dạng sản phẩm
Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, tại TP Hồ Chí Minh đang có nhiều công ty du lịch lớn như Công ty lữ hành Saigontourist, Công ty Vietravel, công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, công ty TST tourist… đang đẩy mạnh khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch đường sông TP Hồ Chí Minh theo hướng trọn gói hoặc từng phần cho nhóm khách gia đình, khách đoàn. Đa số các sản phẩm du lịch của các công ty lữ hành đều tập trung vào mục tiêu làm mới sản phẩm theo hướng hấp dẫn, có nhiều trải nghiệm hơn (tour du thuyền cao cấp đêm, chèo thuyền đứng - SUP, tour du thuyền…). Tuy nhiên, để du khách quay trở lại nhiều hơn, tham quan liên tục, thường xuyên thì vẫn là một bài toán khó giải cho các doanh nghiệp lữ hành và ngành du lịch TP Hồ Chí Minh.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, để kéo du khách quay trở lại du lịch đường sông trong giai đoạn bình thường mới, đơn vị đã có các chùm tour liên tuyến thay vì chỉ ngắm Sài Gòn rồi về như từ TP Hồ Chí Minh khởi hành đến TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) hoặc Phan Thiết (Bình Thuận)… Trong đó, gói tour thưởng thức ẩm thực cùng gia đình, ngắm hoàng hôn trên sông đang được khách quan tâm nhiều hơn trong giai đoạn bình thường mới. Tuy nhiên, muốn níu chân du khách với sản phẩm du lịch đường sông, thành phố cần có chính sách thu hút vốn đầu tư ngoài công lập, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khai thác mặt nước nhằm hình thành các sản phẩm du lịch mang dấu ấn đặc trưng "Trên bến dưới thuyền", chợ nổi, ngắm sông… Ðồng thời, cần liên kết với các tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai và các tỉnh lân cận để cùng kết hợp tạo thêm điểm nhấn thăm quan hay nối dài những tour du lịch liên vùng, liên tỉnh để cho du khách có nhiều trải nghiệm hơn.
"Việc phát triển các sản phẩm du lịch mới, trong đó có du lịch đường sông thật sự cần thiết và cấp bách ngay lúc này đối với ngành du lịch TP Hồ Chí Minh. Nếu không làm mới sản phẩm du lịch đường sông thì chúng ta sẽ đánh mất hàng trăm triệu USD hằng năm, quan trọng hơn hết là đánh mất hàng triệu lượt khách đến thành phố. Tuy nhiên, muốn tạo sự khác biệt, điểm nhấn cho loại hình du lịch đường sông, chúng ta cần có sự phối hợp hài hòa, đồng bộ từ cơ quan quản lý nhà nước, sở, ngành, doanh nghiệp du lịch khi nghiêm cứu, xây dựng các sẩn phẩm du lịch đường sông mới", ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Saigontourist Group phân tích thêm.
Xác định du lịch đường sông là sản phẩm chiến lược trong định hướng phát triển sản phẩm du lịch TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, tiềm năng sản phẩm du lịch đường sông của TP Hồ Chí Minh rất lớn với hàng loạt tuyến điểm nội đô kết nối với các quận huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi hay đến các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vĩnh Tàu, Tiền Giang… Vì vậy, ngay lúc này Sở cũng đang tập trung, khẩn trương tham mưu UBND thành phố thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm để phát triển du lịch đường sông như: đẩy mạnh công tác tổ chức đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước về du lịch đường thủy nội địa; nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch đường sông đối với đội ngũ cán bộ, chuyên viên, nhân viên… ngành du lịch; tập trung cải thiện nâng cao chất lượng môi trường nước trên các tuyến đường thủy, nhất là tuyến nội đô kênh Nhiêu Lộc, kênh Tàu Hủ, rạch Bến Nghé, rạch Lò Gốm, tạo thuận lợi cho các phương tiện du lịch thủy lưu thông trên thượng lưu sông Sài Gòn.
Ngoài ra, ngành du lịch cũng phối hợp với các đơn vị, quận, huyện dọc sông Sài Gòn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao tính tự giác của cộng đồng dân cư sống ven sông, kênh rạch trong việc giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường. Sở còn phối hợp các đơn vị liên quan là ngành giao thông vận tải tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đường sông như xây dựng một số bến tàu, nâng cấp và xây dựng các cầu tàu, nhà chờ đón khách đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; xây dựng các trạm dừng kết hợp đường bộ và đường sông; thúc đẩy và hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kêu gọi vốn đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch..
“Đối với các doanh nghiệp lữ hành, về lâu dài Sở đã phối hợp các địa phương, doanh nghiệp hoàn thiện thêm điểm đến mới trên dòng sông Sài Gòn để nâng chất các sản phẩm tour đường thủy hấp dẫn. Ví dụ, có thể kết hợp âm nhạc với du lịch sông, ẩm thực với du lịch đường sông... để khiến du khách quay trở lại trải nghiệm nhiều lần hơn. Thực tế, từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện đến nay, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh vẫn luôn nỗ lực từng ngày, chỉnh chu từng sản phẩm để đón khách nội địa cũng như quốc tế đến với mình nhiều hơn nhằm hồi phục lại ngành công nghiệp không khói và mũi nhọn của TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết thêm.
Bài 3: Làm mới sản phẩm du lịch MICE