Những ngày này Khu danh thắng Tây Thiên, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc tấp nập du khách thập phương. Cho dù nửa tháng nữa mới vào hội chính (15/2 âm lịch) nhưng mỗi ngày đã có từ 5 - 10 ngàn du khách "đến với Phật, về với Mẫu". Xuân về, Tây Thiên khoác một màu áo mới bởi nhiều hoa rừng khoe sắc, nhiều cây rừng đang thay lá, hàng loạt công trình đã và đang hoàn thiện. Niềm vui của cán bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc như được nhân đôi vì ngành "công nghiệp không khói" hứa hẹn nhiều triển vọng.
Khu di tích danh thắng Tây Thiên. |
* Tọa lạc trong khung cảnh đẹp Thiên nhiên đã ban tặng cho dãy núi Tam Ðảo khung cảnh đẹp tuyệt vời, khí hậu mát mẻ, trong lành với nhiều hoa rừng khoe sắc và tỏa hương thơm ngát. Trong dãy núi Tam Đảo còn có Vườn quốc gia Tam Đảo rộng 34.995 ha, trong đó có 26.163 ha rừng, chủ yếu là rừng tự nhiên xanh tốt với độ che phủ cao...
Khu di tích danh thắng Tây Thiên có diện tích khoảng 148 ha, tọa lạc trên sườn ngọn núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo. Tương truyền từ xa xưa, ngài Khương Tăng Hội - một nhà tu hành Ấn Độ trong chuyến viễn du sang phía Đông, thấy cảnh núi rừng u tịch và trang nhã đã chọn nơi đây dựng lều làm chốn nghỉ chân và truyền bá đạo Phật.
Ông Phan Văn Phóng, Trưởng Ban Tuyên giáo Vĩnh Phúc cho biết: Để phát huy và gìn giữ các giá trị văn hóa, các công trình tôn giáo tín ngưỡng, những năm gần đây Vĩnh Phúc tập trung nguồn lực đầu tư cho du lịch tâm linh và tạo thêm bước đột phá cho du lịch nghỉ dưỡng, nhất là đối với địa bàn Tam Đảo. Tây Thiên là một quần thể di tích lịch sử - văn hoá nổi tiếng, bao gồm hệ thống các đền chùa có giá trị văn hoá và khảo cổ.
Bên cạnh những ngôi đền nổi tiếng như đền Thượng, đền Thỏng thì Tây Thiên còn có đền Cậu, đền Cô,…bí ẩn và linh thiêng. Hiện nay, Tây Thiên đã được trùng tu tôn tạo hệ thống đền chùa, từng bước khẳng định vị trí của một trung tâm tín ngưỡng giao thoa giữa văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu. Chốn linh thiêng này gần đây trở thành điểm thu hút du khách thập phương đến hành hương.
* Du lịch tâm linh ấn tượng
Cách vài trăm mét từ chân núi nhìn lên, khu Tây Thiên có một khoảng không gian rộng lớn với hàng trăm ha, hàng chục công trình tôn giáo, tín ngưỡng uy nghi. Một trong những công trình gây chú ý là Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử - là một trong những thiền viện lớn nhất của Việt Nam.
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên xây dựng ngay bên cạnh Khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự (chùa Tây Thiên, đền Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, đền Cô, đền Cậu, đền Thỏng, Thác Bạc). Đây là nơi đào tạo về Phật giáo một cách có hệ thống, tạo điều kiện để Phật giáo Việt Nam phát triển cả về bề rộng cũng như chiều sâu và đẩy mạnh giao lưu với Phật giáo các nước khác. Đây cũng là một trong những nơi phát tích sớm nhất của Phật giáo Việt Nam.
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được khởi công từ ngày 4/4/2004 (15/2 Âm lịch). Khi làm lễ khởi công, trên nền ngôi chùa cổ các nhà sư đã tìm được vô số các viên gạch và mảnh ngói vỡ có hoa văn mang dấu ấn của thời Trần. Sau hơn 15 tháng xây dựng, công trình mang tầm cỡ quốc gia này đã chính thức hoàn thiện và được khánh thành ngày 25/11/2005. Công trình nằm trên quả đồi với diện tích rộng khoảng 4,5ha, rừng ngoại vi rộng 50ha, trên độ cao khoảng 300 m so với mực nước biển.
Nằm bên phía tay trái cổng Tam Quan dẫn vào Khu trung tâm lễ hội là Đại Bảo tháp Tây Thiên – một kiệt tác nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Kim Cương Thừa đang dần hoàn thiện để chào đón Phật tử và du khách về tham dự Lễ hội Văn hóa Tây Thiên năm 2013. Đại Bảo tháp Tây Thiên được thiết kế ba tầng, cao 37m, có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì là nơi chứa đựng tâm giác ngộ của chư Phật, thể hiện ngũ đại thanh tịnh (đất, nước, gió, lửa, không khí).
Đền Thỏng được coi là “cửa ngõ” dẫn lên khu di tích đền Thượng. Ngôi đền hiện tại được xây dựng vào năm 1998 theo kết cấu chữ đinh trên nền ngôi đền cũ, hướng ra không gian rộng lớn với cây đa chín cội sừng sững trước cửa đền như một chứng nhân lịch sử linh thiêng. Tiếp theo cuộc hành trình, từ đền Cậu đi thêm khoảng 2km nữa sẽ đến đền Cô. Đền Cô được xây dựng từ rất lâu đời và hiện thờ Cô Bé. Theo như lời kể lại, Cô Bé là con nhà trời, tọa lạc tại đây cùng Mẫu Thiên giúp dân, giúp nước. Bên cạnh đền là suối Giải Oan và một chiếc giếng cổ.
Ông Trần Văn Soạn, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai - một du khách đến với Tây Thiên chia sẻ: Tây Thiên thay đổi nhiều và đáp ứng được nhu cầu của du khách bởi nhiều công trình quy mô và đảm bảo tính thẩm mỹ. Các công trình, dịch vụ phụ trợ hoạt động tốt, giá vừa phải, vệ sinh môi trường được quan tâm.
Để "tiếp sức" du khách lên đền Thượng, một tuyến cáp treo do Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng Tây Thiên đầu tư và đi vào hoạt động đầu năm 2012, với thiết bị được cung cấp bởi hãng POMA của Pháp. Tuyến cáp treo này chạy dọc theo con suối dốc đứng, du khách ngồi trên cáp treo sẽ có điều kiện trải nghiệm một Tây Thiên kỳ thú lướt qua tầm mắt với những thác, suối, những ngôi đền, chùa nằm chen lẫn giữa núi rừng trùng điệp…Công ty còn tiến hành thảm nhựa asphalt đường vào nhà ga cáp treo Tây Thiên với chiều dài 1.600 m, đầu tư 20 xe điện hiện đại, tạo thuận lợi cho du khách trên hành trình “Đến với Phật về với Mẫu”.
Nguyễn Trọng Lịch