Với diện tích khoảng 148 ha, Quần thể di tích danh thắng Tây Thiên nằm trong vùng đa dạng sinh học của Rừng Quốc gia Tam Đảo với gần 500 loài thực vật và 300 loài động vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Đây cũng được coi là một trong những nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam và là nơi thờ tự chính Quốc Mẫu Tây Thiên, một trong hai vị Quốc Mẫu được sắc phong từ thời Hùng Vương dựng nước. Những mái đình, ngôi chùa cổ kính cùng với thiên nhiên kỳ thú đã tạo nên một Quần thể di tích danh thắng Tây Thiên không chỉ có giá trị văn hóa, tâm linh sâu sắc mà còn là một chốn bồng lai với phong cảnh sơn thủy hữu tình, hấp dẫn du khách và Phật tử thập phương.
Ngọc phả thời Hùng Vương và những câu chuyện lịch sử chép lại rằng: “Hùng Chiêu Vương thứ 7 nghe tin ở núi Tam Đảo thường có quần tiên về hội họp nên tìm tới nơi đây để ngự lãm. Nhân thấy cảnh trí gấm hoa, hàng nghìn sắc màu nối nhau tựa các lâu đài, suối xanh chằng chịt, muôn loài hoa cỏ tranh thơm, đầu núi có một am nhỏ với bốn chữ đề “Tây Thiên Cổ Tự”, vua bèn lập tân tràng cử hành chay lễ. Vua và các quan đều vào lễ bái rồi mở một trường công đức ở trong chùa, cầu đảo 7 ngày 7 đêm. Sau đó, nhà vua xuống núi và gặp bà Lăng Thị Tiêu, sắc phong làm Hoàng phi và tạo nên một mối tình đẹp nhất trong 18 đời vua Hùng. Tương truyền bà là con của trời đất, do khí thiêng sông núi sinh ra. Bà đã giúp vua đánh giặc, mở mang bờ cõi, dạy dân trồng lúa, chăn tằm và chăm lo cho dân chúng trong vùng. Xong công việc, bà lại trở về quê hương tại thôn Đông Lộ (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo ngày nay), rồi “hóa” tại nơi đây”. Các triều đại về sau, từ Đinh, Lý, Trần, Lê đều sắc phong bà là “Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu tối linh đại vương - Đệ nhất thượng đẳng phúc thần”, hàng năm cử các quan đại thần lên cúng tế. Bà còn được coi là hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn, một trong những Thánh Mẫu Tứ Phủ chuyên trách cai quản và sáng tạo vũ trụ.
Lễ hội Tây Thiên (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) là một trong những lễ hội lớn của Việt Nam. Lễ hội Tây Thiên năm nay được tổ chức với phần tế lễ trang trọng, đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc. Phần lễ năm nay gồm có lễ cáo, lễ rước và lễ dâng hương. Lễ rước theo hành trình từ đền Mẫu Sinh đến đền Thỏng với đường hành rước lên đến 4.200 m và hoạt cảnh chèo mô tả lại truyền thuyết Quốc Mẫu Tây Thiên đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất giang sơn. Ngoài phần lễ là phần hội với các trò diễn dân gian như vật dân tộc với cách thách đấu giữ giải, thi làm bánh chưng, bánh dày; các trò chơi dân gian như kéo co, chọi gà, múa sư tử, cờ người; các hình thức diễn xướng dân ca như hát soọng - cô của người dân tộc Sán Dìu, giao lưu hát chèo, hát chầu văn và liên hoan văn nghệ hội trại. |
Khu đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên nằm trên đỉnh núi Thạch Bàn, thuộc dãy Tam Đảo, có 5 đền lớn được xây từ thế kỷ XVI - XVII, giữa khung cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, nguyên sơ, quanh năm có mây mù, thông reo, chim hót. Dưới đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên có hệ thống: Miếu - đền Cô, miếu - đền Cậu, đền Trình và rất nhiều hệ thống đền thờ khác tại các làng - xã. Ngày nay, để tưởng nhớ công ơn của bà, cứ vào ngày 15/2 Âm lịch hàng năm, nhân dân khắp nơi lại đổ về Tây Thiên dâng hương cúng lễ và cầu xin sự chở che của Quốc Mẫu Tây Thiên.
Không chỉ có cảnh trí gấm hoa và một sự tích mang nhiều ý nghĩa, Quần thể di tích danh thắng Tây Thiên còn là một trong những trung tâm Phật giáo lớn và ra đời sớm nhất ở Việt Nam. Trong phạm vi chiều dài 11 km, chiều ngang 1 km của khu di tích tập trung 8 ngôi đền, chùa cổ, nằm ẩn mình dưới những cánh rừng già dọc theo những con suối của Tây Thiên từ trên núi cao đổ xuống đồng bằng. Tên gọi Tây Thiên, tức “bầu trời Tây”, mang ý nghĩa là “nơi các nhà sư Tây Thiên (Ấn Độ) tu hành”, được đặt để ghi nhớ giáo đoàn đầu tiên từ Ấn Độ vào Việt Nam truyền đạo. Vào thế kỷ III trước Công nguyên, phái bộ thứ tám của vua A Dục đã tới nơi đây hoằng dương Phật pháp. Bị thu hút bởi cảnh sắc núi non liên hoàn, hùng vĩ và u nhã, có suối chảy nước trong, thác ghềnh, non cao, rừng thẳm, giáo đoàn đã dừng chân tu hành, xây dựng thành Nê Lê và chùa Địa Ngục. Tới thời Trần, đây là trung tâm Phật giáo thâm uy giống như Yên Tử và Đông Triều. Các địa danh khác như suối Giải Oan, suối Trường Sinh, chùa Đồng Cổ, rừng thông già đại thụ là nơi nhiều đời cao tăng tu tập, hành trì và viên tịch. Người ta cũng đã tìm được 3 bia mộ đá và di cốt của Giác Linh Ngã Thiền Sư, Võng Sơn Thiền Sư, Cúc Khê Thiền Sư từng tu hành tại nơi đây. Ngoài ra, còn nhiều nền chùa cổ và các di chỉ hiếm hoi dưới nền đất rừng Tây Thiên được ghi lại trong sách Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn. Tây Thiên cũng là nơi ẩn tu nghiêm cẩn của các sư cô tại Tịnh thất Tây Thiên theo Phật giáo Mật tông, truyền thừa Drukpa.
Nắm bắt được tầm quan trọng đó của mảnh đất Tây Thiên, từ cuối năm 2009, Khu Trung tâm Văn hóa - Lễ hội Tây Thiên đã bắt đầu được xây dựng theo chủ đề văn hóa tâm linh “Đến với Phật, về với Mẫu”. Khu Trung tâm Văn hóa - Lễ hội Tây Thiên rộng 163 ha bao gồm trục hành lễ, sân lễ hội, khán đài, các công trình phục vụ công cộng và khu tái định cư. Đặc biệt trong đó có Đại Bảo tháp Tây Thiên được Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng khởi công xây dựng từ quý II/2011, dự kiến hoàn thành vào quý IV /2012, với tổng diện tích 2.397 m2, cao 22.380 m, được xây dựng trên một chân đế uy nghi rộng 60 m, cao 37,7 m, tượng trưng cho Pháp thân của Phật theo lối kiến trúc Mật tông. Trung tâm Văn hóa - Lễ hội Tây Thiên sẽ là một trong những trung tâm văn hóa tâm linh quan trọng nhất của tỉnh Vĩnh Phúc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong vùng và du khách thập phương.
Huy Hoàng