Mồng 1 Tết, người xe như nêm đi lễ đền, chùa ở Huế

Ngày Mùng 1 Tết Mậu Tuất, các con đường Điện Biên Phủ, Phan Bội Châu ngược lên phía Tây thành phố Huế, nơi có nhiều lăng mộ vua chúa, chùa chiền, chật kín dòng xe cộ và người đến viếng, đi lễ chùa.

Huế vốn được mệnh danh là thành phố phật giáo của Việt Nam. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Huế vốn được mệnh danh là thành phố phật giáo của Việt Nam. Mảnh đất này thu hút du khách không chỉ ở bề dày lịch sử, các điểm du lịch độc đáo mà còn ở vẻ cổ kính, linh thiêng và giá trị tâm linh của rất nhiều chùa chiền nơi đây. Chùa ở Huế có thể không lớn về diện tích nhưng bề dày lịch sử, văn hóa tâm linh lại in đậm vào từng nét riêng của mỗi công trình. Các tuyến du lịch tâm linh thu hút ngày càng đông du khách là lễ hội điện Hòn Chén, lễ vía Phật Bà, lễ hội đền Huyền Trân, lễ Phật Đản hằng năm...

Tại Huế, ngoài hệ thống lăng tẩm triều Nguyễn, hiện có hơn 300 ngôi chùa và niệm phật đường lớn nhỏ. Nhiều ngôi tổ đình, cổ tự nổi tiếng từ lâu như: Chùa Thiên Mụ, Từ Đàm, Báo Quốc, Từ Hiếu, Quốc Ân, Trúc Lâm, Thiền Tôn, Trà Am, Vạn Phước… Mỗi ngôi chùa ở Huế không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo hòa quyện giữa con người với cảnh quan thiên nhiên, mà còn là một địa chỉ lịch sử, văn hóa, tâm linh đặc sắc. Nhiều ngôi chùa đã trở thành biểu tượng đặc trưng trong đời sống văn hóa tâm linh Huế.

Du khách đến Huế không thể không ghé thăm chùa Thiên Mụ, bởi đây là ngôi chùa đẹp và linh thiêng thường được nhắc đến nhiều nhất khi đến Huế. Ngôi chùa này được xem là "đệ nhất cổ tự" ở đất cố đô xưa. Buổi đầu sơ khai ngôi chùa này do chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng vào 1961 đặt tên là "Thiên Mụ Tự" và trải qua các giai đoạn lịch sử lâu đời đều được trùng tu xây dựng cho đến ngày nay. Ngôi chùa này tọa lạc tại đồi Hà Khê nằm bên dòng sông Hương thơ mộng, cách thành phố Huế chỉ 5 km và du khách có thể ghé thăm nơi đây bằng thuyền trên dòng sông Hương hoặc đi xe đường bộ ở địa phận xã Hưng Long.

Ngôi chùa cổ này đã được Dương Văn An (tác giả cuốn sách Ô Châu cận lục) ví von là chốn "non bồng nước nhược". Đến đây du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp nên thơ, cổ kính, trầm mặc, hòa lẫn trong cảnh sắc thiên nhiên núi - mây trời. Vẻ đẹp của ngôi chùa không chỉ ở giá trị lịch sử, tâm linh mà còn là giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo. Ngôi chùa này có những hiện vật và công trình kiến trúc đặc trưng, độc đáo như Tháp Phước Duyên, nền đình Hương Nguyện, Đại Hồng Chung, bia đá của các vị vua như Khải Định, Thành Thái, Thiệu Trị, cửa Tam Quan...

Một ngôi chùa khác là Huyền Không Sơn Thượng, nổi tiếng là một cảnh quan hiếm có ở đất Cố đô. Nằm cách thành phố Huế chừng 10 km về hướng Tây, thuộc thôn Đồng Chầm, xã Hương Hồ, thị xã Hương Trà, ngôi chùa này được khai sơn vào năm 1989 do thượng tọa Giới Đức chủ trì. Chùa nằm giữa lưng chừng núi, địa hình đồi tiếp đồi nên đường vào khá quanh co uốn lượn. Ngôi chùa mang vẻ đẹp huyền ảo, tựa lưng vào núi, trước mặt là hồ với hàng ngàn bông súng đua sắc. Khuôn viên chùa cực kì hữu tình với cây cối xanh mát mắt, những loài cây hoa quý hàng trăm năm tuổi. Đến đây, du khách sẽ thăm Chánh Điện, am Mây Tía, Tăng Xá, Chúng Hòa Đường... Nét độc đáo ở chùa này là cửa Tam Quan giản dị như cổng một ngôi nhà nông thôn bình thường. Du khách vừa viếng phật, vừa hòa mình vào thiên nhiên đất trời và gạt bỏ mọi ưu tư muộn phiền trong cuộc sống. Vì thế, không chỉ ngày thường mà ngày Tết, đông đảo du khách gần xa đến viếng và vãn cảnh chùa.

Anh Huỳnh Khiêm, một du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh có những hiểu biết rất sâu sắc về chùa Từ Hiếu. Chia sẻ với những người đi du lịch cùng, anh Khiêm cho biết: Từ Hiếu là ngôi chùa đặc biệt ở đất cố đô, được xây dựng dựa trên lòng hiếu hạnh của một vị tổ sư đối với mẹ mình và cái tên Từ Hiếu cũng ra đời từ đó. Ngôi chùa nằm cách thành phố Huế khoảng 5km về phía Tây Nam, ở địa bàn thôn Dương Xuân Thượng 3, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, giữa cánh đồng thông rộng lớn. Khuôn viên chùa rộng hơn 8 mẫu, trong chùa có hồ bán nguyệt và nhiều ao hồ để trồng sen nuôi cá. Gian giữa của chùa thờ Đức Thánh Quan, bên trái thờ Hương Linh phật tử tại gia và bên phải thờ các vị thái giám. Điểm đặc biệt là trong chùa có tới 24 ngôi mộ của thái giám triều Nguyễn, nên bước vào đây sẽ cảm nhận được vẻ u tịch trầm buồn và gợi màu thời gian. Đến chùa, ngồi giữa không gian linh thiêng nghe tiếng chuông chùa, ngửi mùi hương sen và nhìn đàn cá tung tăng bơi lượn, du khách sẽ cảm nhận được sự thanh tịnh trong tâm hồn.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, du lịch tâm linh đang bắt đầu phát triển mạnh ở các quốc gia có thế mạnh về du lịch tâm linh, nhất là một số quốc gia trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Myanmar và Malaysia. Theo ông Phúc, ở nước ta, không nhiều địa phương có thế mạnh về du lịch tâm linh. Huế là một trong số ít địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch này. Một loại hình du lịch hấp dẫn, đem lại giá trị kinh tế và có tác động tích cực đến môi trường, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an sinh xã hội.


Lâu nay, các điểm đến tâm linh ở Huế được hình thành do sự tích hợp lâu dài của quá trình phát triển lịch sử, của đời sống xã hội, tín ngưỡng và tôn giáo. Đây là yếu tố cơ bản để định hình nên giá trị tâm linh của Huế. Đi cùng với đó là ẩm thực chay, hầu hết phụ nữ Huế đều biết nấu món chay và những món chay giả mặn. Mâm cỗ chay thanh đạm cũng là cách để người Huế bày tỏ sự chân tình, quý mến với bạn bè đến chơi nhà. Dường như, Huế là nơi duy nhất có nét văn hóa độc đáo này. Thậm chí trước đây, ngày Tết ở xứ Huế không thể thiếu mâm cỗ chay. Ngày nay, truyền thống ấy có phần mai một nhưng trong mâm cỗ Tết cũng phải có vài ba món chay để dâng lên tổ tiên.

Du khách ghé thăm bất cứ ngôi chùa nào ở Huế trong ngày rằm, mùng một sẽ được nhà chùa mời cỗ chay. Các hàng quán đồng loạt đổi sang bán món chay để phục vụ người dân và du khách thập phương bởi họ không sát sinh trong ngày này. Ngay cả một khu chợ quê hay một sạp hàng nho nhỏ cũng có ít nhất 30 - 50 món chay làm từ rau, củ, quả, đậu phụ, mì căng… phục vụ thực khách. Đặc biệt, xứ Huế còn có những món chay giả mặn như nộm, bánh chưng, bánh tét, bánh canh, bún, phở… Nhiều nhất là vùng phụ cận phía tây Huế, dọc theo các phố cổ Phan Bội Châu, Điện Biên Phủ, Thủy Xuân... món chay phổ biến và phong phú, giá cả phải chăng, trung bình 20.000 - 30.000 đồng một món.

Nếu biết khai thác tốt các thế mạnh về du lịch tâm linh, du lịch Thừa Thiên - Huế còn có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Quốc Việt (Tin tức/TTXVN)
Bốn mùa du lịch Sa Pa
Bốn mùa du lịch Sa Pa

Nếu Bà Nà được ví như chốn bồng lai tiên cảnh của miền Trung thì Sa Pa đang thực sự trở thành thiên đường du lịch của miền Bắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN