Điều này cho thấy kết quả từ những nỗ lực xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch của vùng đất Cố đô hướng đến các thị trường du lịch nước ngoài cũng như việc nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ để giữ chân du khách.
Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ ngày 1 - 4/9, khách du lịch đến địa phương ước đạt 100.000 lượt khách, tăng hơn 40% so với cùng kỳ; doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 78 tỷ đồng. Lượng khách lưu trú ước đạt 36.570 lượt; trong đó có 10.690 lượt khách quốc tế, tăng gần 230% so với cùng kỳ năm 2022.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phúc cho biết, lượng khách quốc tế đến địa phương chủ yếu từ Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, các nước châu Âu. Dịp nghỉ lễ năm nay, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài mỗi ngày cũng có từ 28 - 30 chuyến bay đi và đến với khoảng 6.000 lượt khách.
Du lịch di sản vẫn là thế mạnh riêng có của Thừa Thiên - Huế, hấp dẫn du khách quốc tế đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa truyền thống của Việt Nam, nơi từng là Kinh đô cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn tồn tại 143 năm (1802 - 1945). Thừa Thiên - Huế hiện là tỉnh duy nhất ở Việt Nam cũng như tại khu vực Đông Nam Á có 5 di sản văn hóa thế giới được UNESCO ghi danh.
Dịp nghỉ lễ 2/9 năm nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội hấp dẫn như: Chương trình nghệ thuật diễn ra tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh; giải đua ghe truyền thống lần thứ 34 năm 2023 trên sông Hương thu hút hàng ngàn người dân và du khách tham gia; giải chạy Quảng Điền Half Marathon 2023…
Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, công suất bình quân phòng các khách sạn trên địa bàn tỉnh dịp nghỉ lễ ước đạt khoảng 55%; đặc biệt, các ngày 1 - 3/9, công suất phòng của các khách sạn đạt trên 70%. Riêng ngày 2/9, hầu hết khách sạn ở khu vực nội đô, khách sạn nghỉ dưỡng, nhà nghỉ và homestay trên địa bàn thành phố Huế, hai huyện Phú Lộc và A Lưới đạt công suất tối đa.