Lo lắng dịch bệnh COVID-19, khách liên tục hoãn - hủy tour

Ngay sau khi Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện các ca COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng, nhiều đoàn khách đã yêu cầu hoãn, hủy các tour nội địa đi Tuy Hòa (Phú Yên), Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Sa Pa (Lào Cai)... dù các điểm đến này không nằm trong vùng dịch.

Hoãn, hủy tour do tâm lý

Gia đình chị Phạm Thu Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) dự kiến đi Phú Quốc ngày 1/8, nhưng trước tình hình có ca bệnh COVID-19 tại Hà Nội nên quyết định hủy tour. Vé máy bay, tiền phòng khách sạn gần 20 triệu đồng đã được chị Thủy thanh toán chuyển khoản 100% cách đây cả tháng.

Chú thích ảnh
Hội An dừng hoạt động đón khách. Ảnh: TTXVN

“Cân nhắc đến sự an toàn của gia đình, nhất là trẻ nhỏ nên tôi quyết định hủy chương trình. Dù bị đối tác phạt 50% số tiền đặt cọc, nhưng tôi cũng chấp nhận”, chị Thủy cho biết.

Tương tự, chị Nguyễn Mai Linh (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) dự định cùng nhóm bạn sẽ đi Sa Pa vào tuần sau nhưng cũng quyết định hoãn chuyến đi. Chi phí cả chương trình này 35 triệu đồng và đã đặt cọc 10 triệu đồng. Sau khi thương lượng giữa hai bên, đối tác đồng ý gia hạn chương trình tour hết năm nay. Số tiền đặt cọc sẽ được bảo lưu.

Ông Lương Duy Doanh, Giám đốc Fivestar Travel chia sẻ, ngay sau khi Đà Nẵng, tiếp đến là Hà Nội xuất hiện các ca COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng, nhiều khách đã yêu cầu hoãn, hủy các tour nội địa dù các điểm đến này không nằm trong vùng dịch. "Với các trường hợp hủy tour, chúng tôi cũng cố gắng đưa ra các phương án các chương trình khác, nhưng hầu hết khách không chấp nhận, mà đòi hoàn tiền. Điều này là rất khó cho doanh nghiệp", ông Doanh nói.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours cho biết: “Việc khách hàng đề nghị hoãn, hủy tour thời điểm này do tâm lý đảm bảo an toàn. Hiện với những tỉnh thành chưa xuất hiện ca nhiễm COVID-19, các tour du lịch vẫn triển khai bình thường, nên khó có cơ sở để đơn vị cung cấp dịch vụ hủy và hoàn tiền, nhất là vé máy bay giá rẻ. Do đó, phương án các đơn vị du lịch đề xuất là hoãn tour để đi vào thời điểm thích hợp”.Với các đoàn khách vẫn khởi hành ở thời điểm này, các doanh nghiệp đều tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch.

Để có giá tour ưu đãi, phía lữ hành thường phải đặt cọc, thanh toán tiền với đối tác từ nhiều tháng. Việc hoàn hủy tour lâu nay vẫn được thực hiện theo quy định. Các đối tác hàng không, khách sạn hầu hết đều chỉ chấp nhận cho đổi ngày, bảo lưu tiền cọc chứ không hoàn tiền. “Do đó, khách hủy dịch vụ phải đọc kỹ các điều kiện trong hợp đồng và sự thương thảo giữa các bên để đảm bảo quyền lợi trong thời điểm có dịch này”, ông Hoan chia sẻ.

Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, trong hai ngày 28-29/7, đã có có 6.734 khách hủy tour nội địa tại 19 doanh nghiệp lữ hành của Hà Nội. Đồng thời, có 28 doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn báo cáo  đã đưa 6.681 khách đến Đà Nẵng  trong thời gian qua (tính từ ngày 1/7 đến hết ngày 27/7) và đang rà soát để thông báo cách ly, phòng dịch.

Du khách hợp tác phòng dịch

Khảo sát từ các doanh nghiệp lữ hành cho thấy, việc đăng ký tour mới dừng hẳn từ 29/7; còn hủy, hoãn tour chiếm tới 50-70% số đoàn khách.

Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ lữ hành (Tổng cục Du lịch), trong bối cảnh này, du khách cần bình tĩnh trước các thông tin liên quan đến COVID-19. Du khách tham gia chương trình tour hợp tác với đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an toàn phòng chống dịch, tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế. Đối với các trường hợp hủy và bồi hoàn tour, thì đều đã có các quy định cụ thể, du khách cần đọc kỹ hợp đồng trước khi mua tour để đảm bảo quyền lợi.

Theo khảo sát, mỗi một đơn vị du lịch sẽ có những chính sách hoàn hủy tour riêng. Nếu hủy tour từ phía khách hàng, thông thường nếu khách hủy trước 5-10 ngày khởi hành sẽ chịu phạt từ 30-50% giá tour, từ 3-5 ngày là 75%. Trong trường hợp hủy chuyến du lịch trong vòng từ 0-3 ngày trước khởi hành sẽ chịu phí 100% giá tour. Nếu việc hủy tour do phía đơn vị lữ hành thì đơn vị này phải có trách nhiệm hoàn tiền 100% cho khách. Trường hợp bị hủy bỏ do bất khả kháng thiên tai, dịch bệnh... thì hai bên sẽ cố gắng tối đa thương lượng các phương án để cùng chia sẻ, giảm thiệt hại.

Hiện nay, ưu tiên hàng đầu vẫn là đảm bảo an toàn, vì thế các cơ sở lưu trú, lữ hành, vận chuyển, các khu điểm du lịch dù không nằm trong vùng có dịch vẫn phải thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch theo quy định.

Còn theo ông Phạm Trung Lương, chuyên gia du lịch, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, từ sự việc của phòng vé Anh Anh (Hà Nội) hoặc trường hợp Công ty Sentourist (Bình Dương) cho thấy nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch nhưng không có giấy phép trong khi tổ chức tour du lịch là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, cơ quan chức năng cần thanh kiểm tra để chấn chính tình hình ra bán tour hoặc combo du lịch như thời gian vừa qua.

XC
Hà Nội yêu cầu khai báo sức khoẻ của du khách đã từng đi qua vùng có dịch
Hà Nội yêu cầu khai báo sức khoẻ của du khách đã từng đi qua vùng có dịch

Theo các doanh nghiệp du lịch Hà Nội, sau khi Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội, nhiều khách đoàn đã gọi điện đề nghị hủy, hoãn tour. Sở Du lịch Hà Nội cũng yêu cầu các công ty lữ hành khai báo y tế, báo cáo tình hình các đoàn khách du lịch đã đến hoặc đi qua các vùng dịch trong thời gian từ 8/7 đến nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN