Lên hồ Ba Bể nhớ thuyền độc mộc

Nằm giữa một vùng rừng núi ngút ngàn màu xanh, hồ Ba Bể ngập tràn trong mát lành, trong trẻo, khiến lữ khách như lạc vào cõi mơ khi gặp chốn sơn thủy hữu tình. Từng bị ám ảnh bởi hình ảnh bóng thuyền mảnh mai rẽ màn lam thăm thẳm của mặt nước in bóng mây trời, bóng núi như thể đã trở thành đặc sản văn hóa của hồ Ba Bể nhưng lần này, về Ba Bể một ngày, thấy nhớ sao những con thuyền độc mộc...


Thuyền độc mộc, “đặc sản” của hồ Ba Bể


Ba Bể cách Hà Nội khoảng 300 km, cách thị xã Bắc Kạn chừng 50 km, được biết đến là 1 trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất của thế giới. Hồ được bao quanh bởi những dãy núi đá vôi cổ, với chiều dài chừng 8 km, rộng 3 km, nằm ở độ cao 14 5m so với mặt nước biển. Sở dĩ nó được gọi là “Ba Bể” là do hình thành bởi ba nhánh sông lớn hợp lưu. Ba nhánh sông này là Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng (trong tiếng Tày, “pé” có nghĩa là hồ).


Xung quanh hồ là quần thể du lịch Ao Tiên, đảo Pò Giả Mải (đảo Bà Gúa), động Puông, thác Đầu Đẳng... Hồ nằm trong khu vực Vườn quốc gia Ba Bể. Vườn Quốc gia này rộng 7.611 ha, có khoảng trên 3.000 người thuộc các dân tộc Tày, Mông, Dao, sống trong 15 thôn, bản thuộc vùng lõi của vườn. Các bản Pác Ngòi, Pó Lù nằm sát ngay khu vực lòng hồ nên cư dân ở đây sống chủ yếu là dựa vào nguồn thủy sản đánh bắt trong hồ và làm các dịch vụ du lịch.


Du khách sẽ không thể nào quên được hình ảnh thuyền độc mộc trên hồ Ba Bể.


Thuyền độc mộc trước đây là phương tiện đi lại phổ thông của người dân sinh sống ven sông Năng và lòng hồ Ba Bể. Con thuyền đi từ truyền thuyết, từ đời thường mưu sinh của người dân bản địa đã “ăn” sâu vào những bức tranh, bức ảnh… Quả thật, chiếc thuyền giống như một “vỏ trấu” khổng lồ mà truyền thuyết về hồ nhắc đến, vừa bé vừa dài một cách lạ lùng. Thuyền độc mộc khi xưa là phương tiện chủ yếu để đưa nông sản và người dân qua sông. Trước kia, mỗi nhà ở thôn Nam Mẫu thường có một chiếc thuyền độc mộc.


Một góc hồ Ba Bể.


Mỗi chiếc thuyền độc mộc làm bằng thân cây gỗ có chiều dài từ 3 - 5 m, rộng khoảng 0,5 m mà không sử dụng kỹ thuật đóng, ghép. Loại gỗ dùng làm thuyền này là gỗ đinh hương rắn chắc lâu mục, mọc ở núi cao. Tuổi thọ của thuyền độc mộc từ 15 - 20 năm. Với dáng hình nhỏ nhắn, thuyền độc mộc toát lên vẻ đẹp tưởng như mong manh nhưng lại rất cơ động và vô cùng tiện dụng, nó có thể lướt nhanh hơn những loại thuyền thông thường, có thể ngược dòng mà người điều khiển không quá mất nhiều sức. Theo người dân địa phương, những lúc cần đi nhanh hoặc đánh bắt cá nhỏ trên hồ thì không có loại thuyền nào thay thế được thuyền độc mộc.


Vẻ đẹp của hồ Ba Bể khiến lữ khách như lạc vào cõi mơ.


Ngày nay, để có thể đi lại trên hồ, vận chuyển du khách hay hàng hóa, xe cộ của người dân ngang qua mặt hồ, người ta sử dụng thuyền sắt, thuyền máy. Nguyên nhân sự mai một của thuyền độc mộc không chỉ do người dân không có gỗ để làm thuyền, mà còn là do con người đã tạo ra được phương tiện hữu ích hơn. Bởi thế, bây giờ khoảng 15 nhà thì may ra còn một chiếc thuyền độc mộc. Nếu có ngồi thuyền máy du lịch trên mặt hồ thì suốt cả 3 tiếng hành trình cũng chỉ có thể bắt gặp một, hai lần bóng chiếc thuyền độc mộc vắt qua lòng Ba Bể. Nghe nói từ vài năm trở lại đây giá mỗi chiếc thuyền độc mộc thường đã vào khoảng 30 - 40 triệu đồng... mức giá tương đương với việc đóng mới một chiếc thuyền sắt.


Xứng danh “đệ nhất hồ”


Ba Bể đẹp không chỉ bởi cảnh sắc của hồ mà còn vì nó nằm giữa không gian của khu rừng quốc gia Ba Bể. Thảm thực vật xanh khiến khách du lịch như lạc vào một không gian trong lành, tươi mát bậc nhất miền Bắc.


Truyền thuyết kể lại: Vùng Bắc Kạn xa xưa có tục mỗi năm đều tổ chức lễ cúng Phật rất lớn, gọi là lễ Vô giá. Có một bà tiên giả làm người ăn mày để thử lòng người trần gian. Đi đến đâu bà cũng bị xua đuổi.

Mãi gần tối, đến cuối một làng nhỏ, người ăn mày mới được mẹ con một bà góa cho vào nhà ăn cơm và ngủ qua đêm. Ăn xong, người ăn mày trao cho mẹ con bà góa một hạt thóc, một túm tro và dặn khi nào có lụt thì rắc tro quanh nhà, bóc vỏ trấu ra làm thuyền.

Nửa đêm, bỗng nhiên mặt đất rung chuyển, sụt lở ầm ầm. Mẹ con bà góa thức dậy không thấy người ăn mày đâu cả. Nhớ lời dặn, bà góa đem gói tro ra rắc xung quanh nhà.

Sau cơn mưa kéo dài suốt bảy ngày, bảy đêm. Nước bắt đầu ngập, bà góa bóc hạt thóc lấy vỏ trấu thả xuống nước, vỏ trấu biến thành chiếc thuyền độc mộc. Và cũng lúc đó, mặt đất tụt xuống, ngôi nhà bà góa trở thành hòn đảo giữa mênh mông nước, đó là Pò Giả Mải bây giờ, còn hồ ấy được gọi là hồ Ba Bể (ba hồ)…

Đi thăm hồ, chúng tôi qua động Puông. Cửa động mở ra như miệng một con cá lớn đang như muốn nuốt chửng những con thuyền theo dòng sông Năng chảy về vùng lòng hồ. Trong cái “tranh tối tranh sáng” mờ ảo của lòng động, những khối nhũ đá óng ánh với muôn vàn hình thù cho du khách mặc sức tưởng tượng mà “gán” cho nó những ý nghĩa khác nhau…


Ra khỏi động, một khung cảnh thần tiên của vùng sơn cước vỡ òa. Những bản làng mờ ảo hai bên bờ sông. Những gốc cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi uốn mình, ngả nghiêng bên dòng Năng như một bức tranh thủy mặc hiển hiện giữa trần gian. Có những đoạn hai bên là vách núi đá dựng đứng cao hàng trăm mét như những tòa tháp nơi thành phố.


Đi một đoạn nữa thì đến lối rẽ vào hồ, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước khung cảnh mênh mang mở ra trước mắt. Giữa mênh mang trời - nước - đảo - đá, màu xanh ở đây có vô vàn sắc thái khác nhau, thẫm nhạt đủ cả. Đó là do thảm thực vật nguyên sinh tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm góp phần làm nên vẻ đẹp cho hồ. Rồi mặt hồ một màu xanh nhưng có chỗ chuyển lam, có chỗ sẫm màu xanh pha sương khói, thêm bóng núi, bóng cây cứ mỗi lúc về chiều càng tăng thêm độ huyền ảo…


Tới Ba Bể, ấn tượng lớn nhất trong tôi có lẽ là con người nơi đây. Những người dân tộc Tày nhiệt tình, thật thà, chất phác và hiền hậu. Họ cũng làm kinh doanh, mua bán nhưng không hề có những xô bồ của chốn phường thị. Những cô bán hàng nước ở bên thuyền cứ túc tắc mời khách ăn những món ăn truyền thống như cơm lam, cá hồ nướng, bánh dày ngải cứu…; những người chèo thuyền cứ nhẹ nhàng mời khách lên thuyền thăm hồ, thủng thẳng mà đẩy đưa con thuyền đi; chị chủ khu nhà sàn Suối Mơ cứ áy náy mãi vì đang sửa sân sau sợ làm ồn khách cứ nhất mực mời khách sang ở trọ ngôi nhà sàn của hàng xóm. Có cảm giác như những bon chen đời thường bị sóng mặt hồ, bị gió của rừng gạt ra khỏi cuộc sống đời thường của người dân nơi đây.


Thấy Ba Bể đẹp, mến những người dân nơi đây, càng mong muốn trong quá trình phát triển các dịch vụ du lịch, người dân luôn nhanh nhạy nắm bắt, tiếp thu cái mới nhưng cũng cần biết giữ cái “cốt cách” đặc sản địa phương mình. Hãy để sự hồn hậu trở thành nét đẹp không thể mất đi của người dân Ba Bể, hãy để thuyền độc mộc sống lại với tư cách là cái hồn của Ba Bể, đó sẽ chính là cách mà ba hồ hút hồn khách gần xa.



Bài và ảnh: Lê Sơn

 

 

 

Thuyền độc mộc trên sông Pô Kô chỉ còn là hoài niệm
Thuyền độc mộc trên sông Pô Kô chỉ còn là hoài niệm

Thuyền độc mộc là phương tiện truyền thống gắn bó với đồng bào Tây Nguyên và cũng là hình ảnh gắn với những chiến công oanh liệt thời kháng chiến nhưng hiện nay, những chiếc thuyền độc mộc này chỉ còn trong hoài niệm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN