Làng gốm cổ Bát Tràng, huyện Gia Lâm, nằm mạn bắc sông Hồng là một trong những làng nghề nổi tiếng bậc nhất Hà Nội với những sản phẩm gốm sứ nổi tiếng từ bao đời nay. Đây là một điểm du lịch thu hút số lượng không nhỏ khách tham quan trong và ngoài nước. Tuy nhiên những năm gần đây số lượng khách du lịch tới đây đang có xu hướng giảm. Nguyên nhân là chưa có sự quan tâm và đầu tư thích đáng cho làng nghề làm du lịch.
Chỉ dừng lại ở tham quan chợ gốm
Bát Tràng nằm trong danh sách được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết, và chọn làm điểm đầu tư phát triển làng nghề, bảo tồn làng gốm cổ. Điều này song song với việc Bát Tràng có nhiều cơ hội hơn để làm du lịch. Không chỉ có nghề gốm nổi tiếng, làng còn gắn với những điểm di sản văn hóa tạo nên một mảnh đất màu mỡ để phát triển du lịch.
Nghệ nhân làng gốm Bát Tràng đang hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: Quỳnh Như |
Trong những thế kỷ tồn tại và phát triển của làng, nhiều đời nghệ nhân đã làm ra những sản phẩm có giá trị, tạo lập danh tiếng cho làng nghề. Các mặt hàng gốm men ngọc, men hoa lan, men rạn của Bát Tràng rất đặc biệt. Như bát, đĩa, đôn, chậu, thống, chân đèn... của Bát Tràng từ xưa đã có một phong cách đặc biệt, không lẫn với gốm sứ Thổ Hà, Phủ Lãng, Hương Canh...Với các sản phẩm phong phú và đa dạng về mẫu mã bao gồm việc sản xuất gốm sứ xây dựng, dân dụng, gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu,… Bát Tràng đã được biết đến là một làng nghề nổi tiếng bậc nhất ở Hà Nội. Bởi vậy khách du lịch tới tham quan Hà Nội ít khi bỏ qua Bát Tràng.
Tuy nhiên đến thăm làng nghề Bát Tràng mới thấy để phát triển được du lịch ở đây thì còn nhiều điều cần phải bàn. Việc tổ chức các dịch vụ du lịch mới chỉ mang tính tự phát. Cho dù hằng năm nơi đây thu hút một lượng khách du lịch khá lớn với hơn 10.000 lượt khách quốc tế và 70.000 lượt khách trong nước. Tuy nhiên những năm gần đây số lượng khách tới thăm có chiều hướng giảm xuống. Nguyên nhân đơn giản là vì khách tới đây không biết làm gì khác ngoài việc tham quan chợ gốm chung chung. Các tour du lịch còn đơn điệu và chưa có chiều sâu tạo ra sự nhàm chán khi khách quay lại lần thứ 2.
Cũng có một số dịch vụ do các doanh nghiệp tự tổ chức để hấp dẫn khách như sáng tạo ra xe trâu để khách đi tham quan quanh làng, tổ chức các xưởng gốm để khách được tự tay vẽ, nặn, tạo ra sản phẩm rất thú vị. Tuy nhiên những hoạt động này cũng chỉ là tự phát, họ chỉ tổ chức nếu đoàn khách nào có yêu cầu chứ chưa phải là hoạt động thường xuyên.
Trong khi đó các dịch vụ như ngủ, nghỉ, ăn uống cho khách tại làng cũng rất hạn chế. Khó tìm được một nhà nghỉ hay một quán ăn giữa bạt ngàn các gian hàng trưng bày sản phẩm. Ông Đào Xuân Hùng- Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết: “ Việc phát triển dịch vụ thương mại ở đây chủ yếu là các dịch vụ phục vụ cho sản xuất chứ chưa đầu tư cho dịch vụ du lịch nhiều nên chưa đáp ứng được nhiều nhu cầu cho khách du lịch”.
Cũng theo ông Hùng, doanh thu từ khách du lịch hiện nay cũng còn thấp, khách tới đây chủ yếu là tham quan chứ rất ít mua hàng, hoặc chỉ mua những sản phẩm lưu niệm có giá trị thấp. Việc mở rộng đầu tư cho dịch vụ du lịch có thể thu lợi nhuận nhiều hơn từ nguồn khách du lịch.
Cần sự đầu tư đúng tầm
Theo ông Hùng, cần phải có những tour du lịch mang tính quy mô hơn hiện nay mới có thể giữ chân và hút khách du lịch tới đây. “Hiện nay việc tổ chức các tour du lịch cho khách là do các công ty du lịch tổ chức, chúng tôi chưa tự làm được. Hướng dẫn viên của họ dẫn khách tới làng cũng chỉ biết giới thiệu qua loa về chợ gốm chứ cũng chưa hiểu hết được giá trị của từng sản phẩm cũng như lịch sử của làng để diễn giải cho khách hiểu”. Việc tổ chức và xây dựng tour du lịch chuyên nghiệp cần phải có sự hợp tác giữa các công ty du lịch và địa phương. Có thể tận dụng lực lượng tại địa phương được đào tạo về văn hóa du lịch lại vừa hiểu biết văn hóa của làng để hướng dẫn cho khách là một biện pháp hợp lý. Đặc biệt, hiện nay, làng có 26 nghệ nhân được công nhận. Đây là một lực lượng tốt có thể làm du lịch, giới thiệu tới khách quy trình sản phẩm mình làm, giới thiệu về men gốm, cách chế tác,… Tuy nhiên đội ngũ thợ lành nghề mới chỉ dừng lại ở truyền nghề cho con em trong làng.
Cơ sở hạ tầng ngay tại làng cũng chưa đủ sức để làm du lịch trong khi khách du lịch ngày càng “khó tính” như hiện nay. Điều đơn giản nhất là cần một hệ thống biển báo, chỉ dẫn các điểm tham quan trong làng cho khách để khách biết điểm đến, điểm đi cũng chưa được quan tâm. Do vậy có nhiều khách du lịch phàn nàn đi vào trong làng như mê cung không còn biết đường nào để ra, nếu không hỏi sẽ bị lạc đường. Bên cạnh đó, cần phát triển hơn nữa các dịch vụ như nghỉ ngơi, ăn uống cho khách du lịch tại làng mới giữ chân được khách. Điều này đặt ra việc cần phải có một hệ thống nhà nghỉ, các quán ăn bố trí hợp lý đan xen trong làng để khách có thể dừng chân nghỉ ngơi khi tới tham quan. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ khách như hiện nay tại Bát Tràng chưa đủ để làm du lịch.
Cũng theo ông Hùng, “Ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng tốt, cần quy hoạch các khu vực thương mại, dịch vụ, sản xuất bên cạnh đầu tư các di tích để trùng tu, tôn tạo lại mới có thể hấp dẫn khách du lịch”.
Một điểm đặc biệt để tạo ra bộ mặt riêng cho Bát Tràng đó là thương hiệu của làng nghề. Thế nhưng việc này hiện nay đang bị bỏ dở, mang tiếng là làng gốm Bát Tràng nhưng lại bày bán các sản phẩm của địa phương khác, thậm chí của các nước lân cận như Trung Quốc. Điều đặc biệt là hiện nay, tại làng đang trưng bày nhiều sản phẩm có sự mập mờ về nguồn gốc. Do vậy phải có sự phân hóa rõ ràng xuất xứ của sản phẩm. Một số sản phẩm nhập từ nơi khác về tuy chất lượng không thực sự tốt nhưng vẫn được dán mác Bát Tràng khiến cho thương hiệu của làng bị giảm sút trong con mắt khách du lịch. Muốn làm được điều này cần sự vào cuộc của chính những người sản xuất sản phẩm và trưng bày nó.
Tạ Nguyên