Khu di tích Lao Khô: Biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Lào

Khu di tích cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô thuộc xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La là một địa danh, một biểu tượng cao đẹp của tình quân dân Việt Nam – Lào trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Khu di tích Cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô.

Đây cũng là một trong những căn cứ cách mạng đầu tiên dọc biên giới Việt Nam – Lào, nơi để lại dấu ấn đậm nét về sự giúp đỡ của người dân trong vùng đối với Người Chỉ huy của Ban xung phong Lào – Bắc (Lào) là Chủ tịch Kaysone Phomvihane.

Tình đoàn kết lâu đời

Bản Lao Khô được biết đến là nơi đã nuôi dấu Chủ tịch Kaysone Phomvihane trong thời kỳ hoạt động cách mạng. Ngược dòng lịch sử, vào năm 1948, Ban xung phong Lào – Bắc gồm 14 đồng chí Việt Nam và Lào được thành lập, trên đường hành quân để tuyên truyền, mở rộng lực lượng đã dừng chân tại Phiêng Sa, nay là bản Lao Khô. Trong thời gian hoạt động tại đây (từ năm 1948 đến cuối năm 1949), đồng chí Kaysone Phomvihane đã được bố trí đến ở nhà ông Tráng Lao Khô, người dân tộc Mông. Hai người đã cắt máu ăn thề, sống chết có nhau.

Đồng chí Kaysone Phomvihane và Ban xung phong Lào – Bắc đã được đồng bào bản Phiêng Sa nuôi giấu và cho mượn đất để xây dựng cơ sở trong thời gian hoạt động bí mật tại đây. Đặc biệt, ông Tráng Lao Khô - một người Mông trong bản đã trực tiếp dẫn đường, đưa Ban xung phong Lào – Bắc vào rừng hoạt động. Hàng ngày, ông Lao Khô mang lương thực, thực phẩm vào hang Thẩm Mế để nuôi cán bộ Việt Minh và cán bộ nước bạn Lào cũng như Chủ tịch Kaysone Phomvihane.

Đến Lao Khô lần này, chúng tôi may mắn được gặp ông Tráng Lao Lử, con trai của ông Tráng Lao Khô. Năm nay đã gần 90 tuổi nhưng ông Tráng Lao Lử vẫn còn rất khỏe mạnh, minh mẫn. Trò chuyện với chúng tôi, ông bồi hồi nhắc lại những câu chuyện đã được cha mình kể cho nghe về thời kỳ hoạt động của Chủ tịch Kaysone Phomvihane tại bản Lao Khô. Ông kể: Năm đó, ông đã 10 tuổi rồi và nhiều lần đã được theo cha mình mang cơm vào rừng cho Chủ tịch Kaysone Phomvihane. Những kỷ niệm về tình bạn đặc biệt với Chủ tịch Kaysone Phomvihane luôn được cha trân trọng, coi đó là niềm vinh hạnh nhất trong cuộc đời ông. Cha ông thường xuyên kể lại những câu chuyện này cho con cháu nghe và nhắc nhở mọi người luôn phải giữ gìn sự đoàn kết, tình cảm sâu sắc giữa nhân dân Việt Nam và Lào.

Du khách tham quan Khu di tích Lao Khô.

Trong cuộc trò chuyện, ông Tráng Lao Lử đã chia sẻ một kỷ niệm mà đã từng được nghe cha kể lại nhiều lần, đó là vào khoảng năm 1949, thực dân Pháp biết Chủ tịch Kaysone Phomvihane và bộ đội Việt Minh đang ở tại hang Thẩm Mế, thế là chúng liền từ Lào sang nhà ông Tráng Lao Khô để hỏi về việc này. Lúc đó, cha ông đã trả lời là trước thì có ở nhưng giờ họ đi đâu hết rồi. Sau đó gần 3 tháng, nghe tin quân cách mạng vẫn ở khu vực này, chúng tiếp tục quay lại, gặp ông Lao Khô. Lần này, ông Lao Khô nói với thực dân Pháp là chỉ có một con đường vào hang, mà nhỏ lắm, con lợn cũng không đi được, hai bên vách đá dựng đứng. Lực lượng kháng chiến đặt bẫy ở đấy, nếu các ông đi qua, họ sẽ thả đá, thả cây xuống để đè chết. Nghe thế, quân Pháp liền quay trở về Lào và không quay lại nữa. Nhờ đó, lực lượng cách mạng ở đây vẫn an toàn.

Lật giở những bức ảnh, tấm bằng khen của Nhà nước Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào dành tặng cha mình, ông Tráng Lao Lử xúc động nhớ lại một trong những câu chuyện đáng nhớ nhất từng được cha kể lại. Đó là vào năm 1951, Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã cho người liên lạc đến gặp ông Lao Khô. Ông Lao Khô đã đưa 50 đồng bạc trắng cho Chủ tịch để mua súng chống lại quân xâm lược. Sau đó 3 tháng, Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã viết một lá thư gửi lại cho ông Lao Khô, với nội dung xác nhận là đã mua được một khẩu súng cùng với 30 viên đạn. Chủ tịch nói thêm, sau này kháng chiến thành công, đất nước Lào hòa bình sẽ trở lại thăm ông Lao Khô.

Qua những câu chuyện được ông Tráng Lao Lử kể về cha mình, có thể thấy dù điều kiện ở bản biên giới này lúc đó còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng với tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, đồng bảo ở đây đã hết lòng giúp đỡ, cung cấp lương thực, thực phẩm, cũng như tiền của giúp Ban xung phong Lào – Bắc mua sắm vũ khí phục vụ chiến đấu. Đó là những hình ảnh ghi đậm tình đoàn kết, chiến đấu đặc biệt của đồng bào bản Lao Khô nói riêng và nhân dân Sơn La nói chung đối với Cách mạng Lào.

Biểu tượng cao đẹp của tình hữu nghị

Với ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn, năm 2012, di tích lịch sử cách mạng Việt Nam – Lào tại bản Lao Khô đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Lao Khô trở thành một di tích có vai trò quan trọng, gắn kết chặt chẽ với các giá trị văn hóa và truyền thống đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam – Lào. Hiện nay, khu di tích đã được xây dựng khang trang và sẽ khánh thành vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào.

Theo con đường chính từ trung tâm xã Phiêng Khoài đến bản Lao Khô, có thể dễ dàng nhận ra Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam – Lào nằm ngay ở đầu bản. Khu di tích này được đặt tại một thung lũng, bao bọc xung quanh là những cánh rừng nguyên sinh. Khu di tích được chia thành 3 khu vực chính. Khu vực 1 là di tích gốc, gồm toàn bộ nền nhà của gia đình ông Tráng Lao Khô đã sinh sống từ những năm 1930.

Khu vực 2 được xây dựng trên tích 3.500 m2, gồm các hạng mục chính là: Nhà tưởng niệm; bia dẫn tích; nhà trưng bày. Trong đó, tiêu biểu là Đài biểu tượng hữu nghị Việt Nam - Lào được xây dựng với ý tưởng đài hoa hữu nghị mọc trên núi rừng Tây Bắc. Đài biểu tượng được xây dựng trên đỉnh đồi, cao 18m, phần đế tạo hình sóng nước với các cánh hoa sen, hoa chăm pa cách điệu, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của hai nước Việt Nam - Lào. Khu vực 3 bao gồm toàn bộ bản Lao Khô hiện nay với gần 100 hộ gia đình người dân tộc Mông đang sinh sống.

Đi thăm khu di tích, ông Tráng Lao Lử bồi hồi nói, chúng tôi là con cháu của ông Lao Khô rất cảm ơn Đảng và Nhà nước đã xây dựng khu di tích được to đẹp như ngày hôm nay. Đặc biệt, trong khu di tích còn trưng bày rất nhiều hình ảnh và hiện vật quý, đây là minh chứng cụ thể cho việc tình cảm gắn bó trước đây giữa ông Lao Khô và Chủ tịch Kaysone Phomvihane. Điều này thể hiện sự đoàn kết, hữu nghị của nhân dân hai nước Việt Nam và Lào dù trải qua khó khăn, gian khổ vẫn luôn sát cánh bên nhau. Với chúng tôi, là những người con, người cháu sẽ tiếp tục giáo dục, tuyên truyền cho nhân dân để tình hữu nghị giữa hai nước ngày càng sâu đậm, bền vững hơn.

Một niềm vinh dự khác mà người dân ở bản Lao Khô cũng như gia đình ông Tráng Lao Khô hết sức tự hào, đó là vào ngày 19/3/2010 , nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã trao tặng Huân chương Tự do hạng III và Huân chương Hữu nghị. Điều này đã thể hiện sự biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước, nhân dân Lào đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nói chung, bản Lao Khô nói riêng.


Ông Đặng Văn Cương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phiêng Khoài cho biết, Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam – Lào được xây dựng là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc trong xã. Khu di tích này mang ý nghĩa trong việc giáo dục các thế hệ, nhất là lớp trẻ luôn nhớ về cội nguồn, tích cực học tập, sản xuất và tăng cường mối quan hệ giữa hai bên biên giới. Đây cũng là minh chứng cho sự đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa quân dân hai dân tộc, luôn đồng lòng dù trong lúc chiến tranh hay hòa bình.

Bài và ảnh: Hữu Quyết (TTXVN)
Quảng Nam: Dinh trấn Thanh Chiêm được công nhận Di tích Quốc gia
Quảng Nam: Dinh trấn Thanh Chiêm được công nhận Di tích Quốc gia

Tối 12/6, tại Khu di tích Dinh trấn Thanh Chiêm (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 415 năm Dinh trấn Thanh Chiêm (1602-2017) và đón nhận Bằng công nhận Di tích Quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN