Khơi thông 'điểm nghẽn' để phát triển du lịch tàu biển

Ngày 6/12, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội thảo quốc tế về phát triển du lịch tàu biển.

Chú thích ảnh
Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung phát biểu tại Hội thảo.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung nhận định: Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành điểm đến thu hút được khách du lịch tàu biển. Trong đó, Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á, trên tuyến đường giao thông hàng hải thuận lợi giữa Bắc và Nam châu Á, trong vùng khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm thuận lợi thu hút hoạt động du lịch tàu biển quanh năm. Hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật du lịch được đầu tư nâng cấp hiện đại, gần với các cảng đón khách du lịch tàu biển, có hệ thống cảng biển nước sâu đáp ứng được nhu cầu cập cảng của một số tàu du lịch cỡ lớn trên thế giới…

Để phát huy thế mạnh, tận dụng cơ hội thu hút khách tàu biển trên thế giới, du lịch tàu biển Việt Nam cần có những định hướng để phát triển. Trong đó Việt Nam cần có chính sách riêng cho phát triển du lịch tàu biển, phải đầu tư hệ thống cảng biển dành riêng cho đón khách tàu biển, nhà ga đón khách, cơ sở hạ tầng dịch vụ, các trung tâm mua sắm hiện đại, vui chơi giải trí đồng bộ tại khu vực cảng đáp ứng nhu cầu của du khách.

Về thị trường, nguồn khách khu vực Bắc Mỹ và châu Âu vốn là thị trường truyền thống của khách du lịch tàu biển và sẽ tiếp tục là thị trường nguồn trong thời gian tới. Đối với Việt Nam, với vị trí nằm giữa hai trung tâm du lịch tàu biển trong khu vực là Singapore và Hong Kong (Trung Quốc), Việt Nam cần tập trung khai thác thị trường khách du lịch từ châu Á, trong đó tập trung vào các thị trường Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…

Việt Nam cũng cần tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch tàu biển, cải tiến thủ tục hải quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho khách, đồng thời phát triển nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch tàu biển.

Ông Lê Minh Tân, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh đưa ra một số giải pháp để phát triển du lịch tàu biển: Thu hút đầu tư xây dựng bến du thuyền đẳng cấp quốc tế, xây dựng hệ thống logistics trong và ngoài cảng. Ngoài ra, Việt Nam cần tăng cường quan hệ hợp tác về lĩnh vực tàu biển, nhất là với các thành phố có cảng biển lớn trong khu vực và thế giới, tham gia các sự kiện lớn của ngành tàu biển; phát triển các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa địa phương như du lịch cộng đồng tham quan trải nghiệm tại các làng chài, hát hò biển, hát múa cửa đình…

Ông Ahmad Kamal Bin Abdollah, Giám đốc của NV Terminals (Malaysia) cho rằng: Việt Nam có tiềm năng để tiếp nối thành công của hành trình eo biển Riviera Hong Kong với vai trò là cảng chính có nhiều thuận lợi. Nhiều điểm đến của Việt Nam sẽ tạo thành một tổng hòa bền vững trong chương trình tham quan. Tuy nhiên, thách thức của du lịch tàu biển Việt Nam nằm ở việc phát triển hạ tầng cảng biển ở các điểm đến, với những nơi mà hạ tầng chưa tối ưu thì cần chú trọng cải thiện trải nghiệm chung của du khách.

Để du lịch tàu biển Việt Nam phát triển, ông James Ngui, Quản lý cảng S.E. Asia đề xuất: Việt Nam cần cải thiện chính sách nhập cảng; các địa phương nên tổ chức diễn đàn du lịch trên du thuyền theo định kỳ 2 năm một lần. Thành phố Hồ Chí Minh cần có một bến du thuyền dành cho tàu lớn và cần có một lực lượng đặc nhiệm có nhiệm vụ phát triển điểm đến của các chuyến du thuyền.

Trong vòng 5 năm từ 2013 - 2018, tổng lượng khách tàu biển thế giới đã tăng khoảng 24% từ 21 triệu lượt khách lên khoảng 26 triệu lượt khách năm 2018. Trong đó, lượng khách du lịch tàu biển đến từ khu vực châu Á tăng trưởng trung bình đạt 23% từ 1,51 triệu lượt năm 2013 lên khoảng 4,26 triệu lượt năm 2018.

Những năm gần đây, khách Trung Quốc đã trở thành nguồn khách du lịch tàu biển lớn nhất châu Á, chiếm tới 59% và sẽ tiếp tục là thị trường nguồn đầy tiềm năng tiềm năng trong tương lai. Hầu hết các hãng tàu lớn trên thế giới đều rất quan tâm đến thị trường khách Trung Quốc và có chiến lược phát triển tiếp cận thị trường. Tiếp theo là thị trường Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 9,2%, Singapore chiếm 6,6%, Nhật Bản 6,5%, Hong Kong (Trung Quốc) chiếm 5,7%...

Theo thống kê của Hiệp hội du thuyền quốc tế, mặc dù chỉ chiếm tỷ tệ nhỏ (0,2%), nhưng khách du lịch tàu biển Việt Nam cũng bắt đầu tăng lên. Năm 2012 mới chỉ có 158 người Việt Nam đi du lịch bằng tàu biển, năm 2016 đã có 4.000 khách đi du lịch nước ngoài bằng tàu biển, tăng 126%.

Năm 2017, Việt Nam đã đón 407 lần du thuyền dừng chân, năm 2016 là 466 lần, đa số là dừng chân quá cảnh. Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã đón số lượng tàu dừng chân nhiều nhất tại Việt Nam.

Dự kiến năm 2018 Việt Nam sẽ đón khoảng 500 tàu dừng chân, tăng 21% so với năm 2017. Việt Nam đang hướng tới trở thành điểm đến có số lần du thuyền dừng chân nhiều thứ 4 tại châu Á vào năm 2018. Đà Nẵng dự kiến sẽ có số lần tàu ghé du lịch biển ghé cảng nhiều nhất với 159 lần, tiếp theo là Thành phố Hồ Chí Minh với 139 lần, hai cảng này chiếm 60% tổng số lần tàu du lịch biển ghé cảng vào năm 2018. Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) với 111 lần chiếm 23%...

Tin, ảnh: Văn Đức (TTXVN)
Quảng Ninh kiên quyết đình chỉ tàu du lịch vi phạm trên vịnh Hạ Long
Quảng Ninh kiên quyết đình chỉ tàu du lịch vi phạm trên vịnh Hạ Long

Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vừa có công văn hỏa tốc đề nghị Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh từ chối cấp phép rời cảng, bến và đình chỉ hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đối với 20 tàu du lịch kể từ ngày 8/8 đến khi có văn bản chấp thuận hoạt động trở lại của UBND thành phố Hạ Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN