Chợ phiên đậm bản sắc văn hóa
Vượt gần 500km từ Hà Nội tới Tủa Chùa vào dịp cuối tuần, nhiều du khách khá bất ngờ với chợ phiên ở thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) họp chợ từ tối thứ bảy đến chiều chủ nhật. Điểm thu hút những du khách phương xa chính là chợ phiên hoa lan, dược liệu diễn ra vào tối thứ Bảy hàng tuần.
Những người mua bán lan rừng, sâm rừng, nông sản đặc biệt của vùng cao như gừng củ nhỏ, nghệ đen, thảo quả, các loại thảo dược… từ các nơi tự nhiên tập trung về Tủa Chùa săn hàng của người dân địa phương khai thác hoặc có trồng ở nhà rồi mang đi bán. Chợ về đêm thật rộn ràng bởi không khí livestream sôi nổi của các chủ cửa hàng hoa lan.
Người dân cho biết trước đây chợ phiên chỉ họp vào sáng chủ nhật, bà con dân tộc Mông, Thái, Dao xuống chợ bán gà vịt, lợn cắp nách, nông sản tự trồng, thảo dược khai thác ở rừng… rồi mua quần áo, nông cụ, đồ dùng gia đình. Thế nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, khi chợ hoa lan và dược liệu phát triển, bà con thấy xuống chợ bán hàng vào tối thứ Bảy rồi ở lại đi chợ phiên sáng chủ nhật luôn thuận tiện hơn.
Chợ phiên là ngày hội của đồng bào dân tộc, một nét văn hóa đặc trưng. Người đi chợ không chỉ mua sắm mà còn có điều kiện ăn uống vui vẻ. Du khách đến chợ tranh thủ mua bán những mặt hàng gia dụng, kể cả mật ong rừng, rượu Mông Pê (rượu ngô của người Mông), lan rừng, sâm xuyên đá… rồi cùng nhau uống rượu với bà con dân tộc để có cảm nhận đi chợ phiên.
Vẻ đẹp lạ của cao nguyên đá
Đến với Tủa Chùa, du khách thích thú bởi cao nguyên đá tai mèo ngút tầm mắt, kéo dài từ xã Tả Phìn, sang xã Tả Sìn Thàng, lên tận xã Sín Chải, đẹp không kém cao nguyên đá Đồng Văn ở Hà Giang. Cao nguyên đá cổ nhất, hoành tráng nhất ở Tả Phìn, dài khoảng 4 km theo trục đường liên xã (cách thị trấn Tủa Chùa khoảng 30 km), đi sâu dần vào bản làng khắp xã.
Bãi đá Tả Phìn với nhiều phiến đá tai mèo to lớn xếp chồng nghiêng vào nhau, tầng tầng lớp lớp như một “rừng cây đá” mọc từ thung lũng lên đỉnh đồi, hướng tua tủa lên trời.
Cũng tại khu cao nguyên đá này, di tích “thành cổ Vàng Lồng” là một công trình có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa của dân tộc Mông vùng núi Tây Bắc, đã được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật của tỉnh Điện Biên.
Theo lời kể của một số cụ già sống trong xã thì thành Vàng Lồng tại bản Tả Phìn 1 là do ông Vàng Chống Cáng, một người Mông giàu có xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XVIII để bảo vệ ngôi nhà và tài sản của gia đình mình.
Thành tròn có chu vi khoảng 440m, tường thành uốn lượn theo địa hình đồi núi. Vật liệu xây thành là đá, ghè, đẽo thủ công, ghép đá xếp chồng lên nhau, cao trung bình 2m, mặt thành phẳng rộng 1m, không chỉ có người mà gia súc như ngựa, trâu, bò cũng có thể đi lại được.
Trải qua thời gian, dưới tác động của tự nhiên và con người, thành Vàng Lồng chỉ còn bờ thành phía Tây dài 110m và bờ thành phía Đông dài 90m, chiều cao có đoạn chỉ còn 1m.
Đánh giá thành Vàng Lồng là thành cổ, có quy mô lớn, cấu trúc độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Mông tỉnh Điện Biên, đang đứng trước nguy cơ xuống cấp ngày càng nghiêm trọng, huyện Tủa Chùa đã khoanh vùng bảo vệ, xây dựng phương án trùng tu, tôn tạo để gìn giữ di tích.
Trong cung đường này, khi đến xã Sín Chải, điểm cuối của huyện Tủa Chùa, du khách sẽ bất ngờ với đồi chè cổ thụ tại thôn Hấu Chua bao quanh cụm 4 - 5 ngôi nhà sàn, được kỳ vọng là một điểm du lịch cộng đồng.
Anh Đặng Tiến Công, Phó phòng văn hóa và thông tin huyện Tủa Chùa cho biết: “Huyện có hơn 9.000 cây chè shan tuyết, đặc biệt có 4.000 cây chè cổ thụ, nhiều nhất là ở xã Sín Chải, còn lại ở các xã Sính Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng”.
Ông Hạng A Chư, người đang chăm sóc đồi chè shan tuyết cổ thụ 500 cây có tuổi đời hàng trăm năm tuổi. Cách ông Hạng A Chư chăm sóc đồi chè là giữ đất sạch để chè phát triển tự nhiên, không bón phân hóa học, vào mùa khô thì không cắt cành. Hái chè mỗi năm 3 đợt: Tháng 3, tháng 6 và tháng 9 âm lịch. Sau khi thu hoạch, vào tháng 10, ông mới tỉa cành, tạo tán. Trên cây chè có những quả chè, tháng 11, ông coi những quả nào tốt thì hái về làm giống, ươm thành cây chè mới.
Bà Nông My Sa, Giám đốc Công ty Thương mại và Du lịch Châu Sa chia sẻ: "Tôi thấy người dân nơi đây rất hòa đồng, vui vẻ và nhiệt tình. Điều khiến tôi ngỡ ngàng là họ vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống dân tộc mình, chưa bị ảnh hưởng bởi lối sống hiện đại quá nhiều. Đó là những điều độc đáo, hấp dẫn mà du khách thực sự muốn đến tìm hiểu và trải nghiệm nếu có dịp đến Điện Biên".
Còn bà Nguyễn Kim Lan, Giám đốc Công ty du lịch Viễn Á, cho biết: Thường khách Pháp đến Hà Nội sẽ đi thăm di tích Điện Biên Phủ, sau đó sẽ đi trải nghiệm một số điểm du lịch cộng đồng tại khu vực Tây Bắc như Lai Châu, Hà Giang hoặc đi tiếp sang Lào qua cửa khẩu Tây Trang. Với điểm đến mới là huyện Tủa Chùa, nơi đây đầy đủ yếu tố thu hút khách Pháp bởi tính nguyên sơ. Do đó, từ chuyến đi khảo sát, tôi tập hợp thông tin để giới thiệu tới các đại lý bán tour bên Pháp, sẽ tạo những sản phẩm du lịch mới khi Nhà nước mở cửa trở lại cho đón khách quốc tế. Với khách Pháp, họ dành sự quan tâm đặc biệt tới 3 nước Đông Dương: Việt Nam - Lào - Campuchia và chủ yếu trải nghiệm về văn hóa, lịch sử.
Theo ông Phạm Văn Thăng, Trưởng phòng quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên, để khai thác tiềm năng du lịch, Sở đã tổ chức đoàn khảo sát tuyến điểm tại huyện Tủa Chùa, từ cao nguyên đá, thành cổ Vàng Lồng và đồi chè Shan tuyết để tư vấn phát triển du lịch cộng đồng. Trước mắt là chọn lọc thông tin, hình ảnh để giới thiệu và kết nối tạo thành sản phẩm du lịch điểm mới để kết nối luồng khách sau khi đến di tích lịch sử Điện Biên Phủ sẽ đến Tủa Chủa kéo dài thời gian lưu trú, tăng doanh thu.