"Homestay' ở bản Tả Van Giáy, Sapa

Cách thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai khoảng 8 km, đường vào bản du lịch Tả Van quanh co men theo sườn núi êm đềm và lãng mạn. Trên con đường liên xã vào thăm bản Tả Van Giáy, dọc đường du khách ngắm thửa ruộng bậc thang theo từng mùa vụ, tiếp theo là cầu Mây vắt ngang suối Mường Hoa, kết thúc là thăm khu rừng thuộc vườn quốc gia Hoàng Liên. Đó là hành trình thăm bản Tả Van Giáy, nằm ở thung lũng Mường Hoa thuộc xã Tả Van.

Bản Tả Van Giáy nhìn từ cánh đồng lúa vàng.


Nhìn từ trên lưng chừng núi, trước khi vào bản đã thấy những nếp nhà sàn xinh xắn nằm trải dọc theo thung lũng. Cả bản có hơn 140 hộ dân nhưng có khoảng 40 hộ dân làm du lịch theo mô hình homestay - khách ăn nghỉ, tham gia các sinh hoạt cùng gia chủ để khám phá về văn hóa bản địa.


Chúng tôi chọn nhà ông Lê Văn Hà, ngay đầu bản Tả Van Giáy để lưu trú và tìm hiểu về phong tục, tập quán của người dân nơi đây. Ông chủ nhà cho biết: Bình quân mỗi ngày trung bình cơ sở đón hàng chục lượt khách. Cơ sở có dịch vụ cho thuê trang phục dân tộc chụp ảnh, đi trên cầu Mây đung đưa qua con suối Mường Hoa.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Cầu Mây.


Theo người dân trong bản kể lại: Cầu Mây trước là cây cầu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân nên mỗi thôn bản trong vùng thay phiên nhau xây dựng. Nhà nào có nhiều ruộng phải đóng góp 90 sợi mây, mỗi sợi dài 45 sải. Còn nhà ít cũng góp 30 sải. Nguyên vật liệu hoàn toàn lấy từ cây mây, tấm ván bằng gỗ pơmu. Hai đầu dây chịu lực bám vào các cây gỗ to ở hai bên bờ suối, trong đó có bám vào cây Sung trên 200 tuổi. Đến năm 1964, khi có cây cầu sắt xuất hiện thì không sử dụng cây cầu Mây nữa. Đến năm 2005, ông Lê Văn Hà mới phục dựng lại để thu hút khách du lịch.

Giao lưu văn hóa, văn nghệ đốt lửa trại tại bản Tả Van Giáy.


Trong bản có một số nhà cổ như nhà ông Hoàng Din, Lồ A Mục… Cổ nhất là nhà của ông Lồ A Mục, xây dựng vào năm 1934, là nhà gỗ nền đất. Đây là ngôi nhà đặc trưng của người Giáy. Vào trong nhà, du khách sẽ thấy bàn thờ tổ tiên làm bằng gỗ pơmu, hình chữ nhật còn lưu giữ nguyên vẹn cấu trúc cổ xưa cả độ tuổi của gỗ và tai ngăn kéo làm từ đồng.

Loại hình du lịch homestay hấp dẫn du khách.


Đi sâu vào bản, đến gia đình nào cũng thấy trong nhà ngoài ngõ sạch sẽ, công trình phụ hiện đại, trước mỗi cổng đều có treo biển homestay, sẵn sàng đón khách. Trong các ngôi nhà truyền thống bằng gỗ, gia chủ chỉ mua thêm những tấm đệm, chăn màn và ga gối, sửa sang hoặc xây mới khu vệ sinh vậy là đã mời được du khách tới ăn nghỉ ngay trong nhà mình. Đảm bảo dịch vụ nghỉ tốt, họ cũng sẵn sàng phục vụ ăn khi du khách có nhu cầu. Thức ăn chủ yếu là những món ăn bình dân của bà con. Đó là rau ngoài nương, cá dưới ao, gà lợn do nhà tự nuôi. Tất cả là những món ăn truyền thống của đồng bào; rất đơn giản nhưng lại gây ấn tượng sâu sắc với du khách. Qua những bữa cơm như thế, giữa du khách và người dân như gần gũi và hiểu nhau hơn. Đồng thời, du khách cũng có thể thấy rõ hơn cuộc sống bình dị, chân chất của đồng bào dân tộc bản địa.


Xã Tả Van gồm 7 bản. Tả Van Giáy còn gọi là “Mường và” - có nghĩa là một sải tay. Dân tộc Giáy ở Tả Van có một nền văn hóa phong phú, đa dạng, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc với những lễ hội và lối sống đặc trưng. Khai thác thế mạnh nói trên, Sở VH,TT&DL mở thêm các tuyến du lịch cộng đồng từ Sa Pa đi Lao Chải - Tả Van đến Bản Hồ - Thanh Phú - Nậm Sài. Nhờ vậy, trong những năm gần đây, lượng khách đến với Tả Van ngày càng tăng lên.

Có lẽ đã khá quen thuộc với việc khách lạ có thể đến thăm nên mọi sinh hoạt của đồng bào vẫn diễn ra bình thường. Không lời mời chào vồn vã nhưng những bộ bàn ghế được kê sẵn ngay trước hiên như đã thay lời. Chỉ cần hỏi gia chủ dăm ba câu, du khách sẽ nhận được câu trả lời với thái độ lịch sự và mến khách; dù họ biết chắc chúng tôi không có ý định nghỉ trọ hay nhờ nấu ăn gì… Đi khắp thôn chúng tôi cũng nhận ra, không ít gia đình, dù không chuyên làm về du lịch song vẫn kê vài ba bộ bàn ghế ra trước hiên nhà để du khách có thể ghé qua, nghỉ ngơi ngắm nhìn phong cảnh. Đây chính là một điều đặc biệt trong cách làm du lịch tại Tả Van Giáy… Bên cạnh đó, trong nhà trang trí một số vật dụng tiêu biểu cho sản phẩm, nét sinh hoạt văn hóa của các dân tộc Tây Bắc. Những bó lúa khô, một vài trang phục Tày, Giáy, Mông… được treo trên vách. Đi đến đâu chúng tôi đều bắt gặp những ánh mắt nụ cười thân thiện, song còn vương chút e lệ vốn có của bà con miền núi. “Đó cũng là đặc trưng về bản sắc văn hóa của đồng bào Giáy. Họ khá cần mẫn làm ăn, làm dịch vụ theo yêu cầu chứ không có tình trạng đeo bám khách. Đa phần khách nước ngoài thích du lịch bản làng, tham quan phong cảnh và đi bộ, tìm hiểu văn hóa dân tộc, họ không coi trọng chỗ ăn, nghỉ lắm, nên phục vụ cũng đơn giản”, anh Nguyễn Hùng, một hướng dẫn viên Hanoi Redtour cho biết.


Anh Chirtophe người Pháp cho biết: Chúng tôi mới ra trường và muốn đi khám phá các vùng đất khác nhau trên thế giới. Chúng tôi rất thích nghỉ dưỡng ở những ngôi nhà dân dã của đồng bào ở Sa Pa vì được thông tin nhiều trên các trang web du lịch. Đến đây cảm nhận rõ nét sự thân thiện, mến khách, không gian sống gần gũi với môi trường thiên nhiên và điều thú vị là những món ăn của đồng bào rất ngon và hấp dẫn”.


Đó cũng là tâm lý của nhiều du khách nước ngoài khi đến Sa Pa. “Homestay” được chọn thay vì những khách sạn sang trọng… Trước đây, thông thường các đoàn khách đi theo tour, chủ yếu tham quan làng bản rồi lại lên xe về Sa Pa ngủ ở khách sạn, nhưng bây giờ họ thích nghỉ lại ở bản hơn.


Theo Sở VH,TT&DL Lào Cai, cùng với sự gia tăng của khách du lịch, các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch cũng được mở rộng. Bên cạnh dịch vụ homestay, khách du lịch có thể mua đồ thủ công truyền thống, thuốc, dược liệu, hay nhạc cụ dân tộc. Mô hình “homestay” cũng tạo cơ hội cho văn nghệ dân gian được duy trì. Hiện nay Tả Van có một đội văn nghệ hoạt động thường xuyên để phục vụ nhu cầu của xã và khách du lịch. Vào ban đêm, du khách cùng chủ nhà tổ chức đốt lửa, và các sinh hoạt văn hóa như: Múa quạt, nhảy sạp, thổi kèn… Hiện nhiều gia đình còn biết phối hợp với các văn phòng làm du lịch trên thị trấn, ở Hà Nội để đưa khách về với thôn. Homestay đã làm cho Tả Van Giáy thay da đổi thịt. Đồng bào dân tộc nơi đây đã biết bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa để phát triển du lịch, và cuộc sống khấm khá hơn nhờ các nguồn thu từ du lịch .



Bài và ảnh: Yên Định

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN