Giải 'bài toán' nguồn nhân lực để phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Tuy thế, nguồn nhân lực về du lịch của vùng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Vì thế, dù có nhiều tiềm năng phát triển nhưng cho đến nay du lịch Đồng bằng sông Cửu Long vẫn "ẩn mình".

Nguồn nhân lực vừa thừa, vừa thiếu

"Số lao động có chuyên môn, kỹ thuật cao, chất lượng vừa thiếu, vừa yếu nhưng số lượng chưa đáp ứng yêu cầu lại dư thừa", đây là khẳng định của ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Chú thích ảnh
Hệ thực vật của rừng tràm Trà Sư (An Giang) mang tính đặc trưng của vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: M.T/Báo Tin tức

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, khó khăn của du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là thiếu nhân lực đáp ứng đủ yêu cầu ngoại ngữ (khoảng 30 - 40% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour và 70 - 80% nhân viên lễ tân nhà hàng không đạt chuẩn về ngoại ngữ) và hạn chế về công nghệ thông tin trong hoạt động cung cấp dịch vụ, tiện ích du lịch cho khách hàng...

Theo Thạc sĩ Đinh Hiếu Nghĩa, Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ, nhân lực phục vụ ngành du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện cung đã vượt cầu về số lượng, nhưng lại thiếu hụt nguồn lao động có chuyên môn.

Vấn đề của "bài toán" này nằm ở chỗ, số lượng đào tạo nhân sự du lịch tăng nhưng chưa tính toán kỹ đến chất lượng, đặc biệt là chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn này không chỉ đơn thuần là tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học, mà quan trọng là những kỹ năng mềm, khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ứng dụng khoa học, công nghệ, làm chủ tri thức, thích ứng với bối cảnh hội nhập kinh tế, quốc tế, Thạc sĩ Đinh Hiếu Nghĩa nhấn mạnh.

Theo Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2024, số lượng lao động du lịch trực tiếp trong toàn vùng khoảng 67.811 người (tăng trên 9.000 người so với năm 2023) nhưng người qua đào tạo nghiệp vụ chỉ là 43.876 (đạt 64,70%), tăng 4.676 người so với năm 2023.

Dựa trên con số này, nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cho rằng nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long rất dồi dào và trên đà tăng trưởng. Tuy nhiên, nguồn nhân lực du lịch được đào tạo của vùng lại thấp nhất cả nước; nhân lực đã qua đào tạo chưa phù hợp và đáp ứng được các yêu cầu.

Qua điều tra thực tế, Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ Lê Đình Minh Thy nhận thấy, hầu hết các trường đại học và cao đẳng trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều có đào tạo các chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực du lịch, không ngừng mở rộng quy mô và số lượng. Tuy nhiên, đứng trước ngưỡng cửa chuyển đổi số, "bài toán" nguồn nhân lực vẫn còn nhiều vấn đề nan giải, đặc biệt là chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Cùng với các địa phương trong vùng, Cần Thơ đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch và chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch theo nhiều hình thức: dài hạn, ngắn hạn… nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế. Nhưng thực tế, ngành du lịch thành phố và toàn vùng đang gặp nhiều khó khăn trong đào tạo nguồn cán bộ quản lý, lực lượng lao động du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển thông in.

Việc phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với một số thách thức lớn: Chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu, nhiều cơ sở đào tạo chưa cập nhật chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp yêu cầu thực tiễn. Cùng với đó là việc thiếu gắn kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch; hạn chế trong thu hút và giữ chân nhân tài; năng lực ngoại ngữ, kỹ năng mềm chưa đáp ứng nhu cầu thực tế...

Cấp bách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng

Cần cấp bách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đó là giải pháp được các chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra nhằm giải "bài toán" nguồn nhân lực để phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Để phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng phải giải quyết các vấn đề tồn tại, chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, các cơ sở đào tạo ngành du lịch trong vùng cần nghiên cứu, rà soát quy định, quy chuẩn liên quan để xây dựng khung chương trình đào tạo nhân lực đáp ứng chuẩn đầu ra, phù hợp với nhu cầu thực tiễn phát triển của vùng và hội nhập khu vực, quốc tế.

Các trường, cơ sở đào tạo liên kết với đơn vị du lịch đào tạo nhân lực theo yêu cầu doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ trong đào tạo, đồng thời, tăng cường liên kết "4 bên" (tổ chức xã hội, Nhà nước, doanh nghiệp và các địa phương) cùng tham gia.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc BenThanh tourist chi nhánh Cần Thơ cho rằng các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch theo nhu cầu của doanh nghiệp là cần thiết. Doanh nghiệp với cơ sở đào tạo cần có sự gắn kết với nhau để triển khai chương trình đào tạo thực tế, đảm bảo sinh viên ra trường có việc làm ngay, hạn chế làm trái ngành hoặc thất nghiệp. Đại diện các doanh nghiệp du lịch có kinh nghiệm trực tiếp tham gia đào tạo bằng hình thức thỉnh giảng để sinh viên có góc nhìn thực tế.

Theo ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Đồng bằng sông Cửu Long còn dư địa, tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Việc đào tạo nhân lực du lịch cho vùng cần có chương trình, lộ trình, kế hoạch, đầu ra ngắn hạn và dài hạn. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn phải có lộ trình ngắn hạn để đáp ứng tức thì điều kiện cụ thể, đó là đào tạo theo địa chỉ, nhu cầu của doanh nghiệp, đơn đặt hàng của địa phương...

Đồng bằng sông Cửu Long có Trường Cao đẳng du lịch Cần Thơ, Đại học Cần Thơ, Trường Cao đẳng Trà Vinh có khoa đào tạo du lịch... Căn cứ vào quy hoạch phát triển, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mỗi địa phương đề xuất chính quyền, HĐND xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực với bản sắc riêng, phù hợp địa phương. Đồng thời, mỗi nơi cần có chính sách mời gọi các lao động chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch - đây là nguồn lao động vừa có tay nghề, vừa là người "cầm tay chỉ việc" cho lao động mới vào nghề.

Đối với đào tạo nhân lực dài hạn, ông Phạm Văn Thủy đề xuất, các trường phối hợp với Hiệp hội du lịch địa phương, doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu, mới tránh trường hợp đào tạo ra người lao động không có việc làm, phải bỏ nghề...

Để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của ngành du lịch, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành là một yêu cầu cấp bách. Điều này cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ngành liên quan, đặc biệt là mối liên kết giữa Nhà nước - nhà trường và nhà sử dụng lao động du lịch để có lộ trình, nội dung, kế hoạch đào tạo phù hợp. Việc phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nhanh, bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long là cần thiết, nâng cao vị thế, hình ảnh du lịch của vùng trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế.

Thu Hiền (TTXVN)
Nâng tầm liên kết, hợp tác phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long
Nâng tầm liên kết, hợp tác phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 10/12, Hội nghị tổng kết Chương trình Liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long, với chủ đề "Nâng tầm liên kết - phát triển du lịch" diễn ra tại Cà Mau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN